Có một sự thật mà ai cũng biết, trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ đã nêu: “Tất cả mọi người đều sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc...”. Vậy việc nước Mỹ đưa ra phán xét một vấn đề nào đó của một quốc gia khác có chủ quyền thì có bình đẳng hay không? Không cần đưa ra câu trả lời mọi người cũng đều đã hiểu. Và bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có đúng với các quy định của pháp luật cũng như thực tế hoạt động tôn giáo ở Việt Nam? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vì sao Bộ Ngoại giao Mỹ lại “thích làm” việc này.
KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “(1) Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng. (2) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. (3) Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác nhằm hướng dẫn mọi tổ chức, cá nhân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, như:
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18-6-2004, Điều 1 quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau”.
Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 2 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Những quy định trên đã cho thấy tính chân thật trong đánh giá của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình tôn giáo ở Việt Nam như thế nào!
THỰC TIỄN SINH ĐỘNG
Ở nước ta hiện có hơn 25 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm hơn 1/4 dân số; trong đó Phật giáo khoảng 10 triệu tín đồ, Công giáo 6,1 triệu tín đồ, Cao đài 2,4 triệu tín đồ, Hòa hảo 1,2 triệu tín đồ, Tin lành 1,5 triệu tín đồ, Hồi giáo khoảng 100 ngàn tín đồ... Nếu tính cả thờ cúng tổ tiên, thành hoàng, Vua Hùng... thì hầu hết người Việt có tâm linh tôn giáo. Nhà nước đã công nhận tư cách pháp nhân của 13 tôn giáo với 33 tổ chức tôn giáo và đang xem xét hồ sơ một số tôn giáo khác. Việc in kinh sách và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo được công khai, thực hiện theo quy định pháp luật. Riêng Nhà xuất bản Tôn giáo hằng năm xuất bản hơn một ngàn đầu sách và hàng trăm ấn phẩm tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam có các báo như: Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Báo Giác ngộ của Phật giáo; Tập san Hiệp thông, Báo Người Công giáo Việt Nam, Báo Công giáo và Dân tộc của Công giáo; Tạp văn Hương sen của Phật giáo Hòa Hảo; Bản tin Mục vụ và Bản tin Thông công của Tin lành... Hằng năm có khoảng 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức ở các quy mô khác nhau trên phạm vi cả nước; trong đó các sự kiện trọng đại của các tôn giáo đều được chính quyền các cấp tạo điều kiện tổ chức và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương đều quan tâm, động viên, chúc mừng.
Tại Bình Phước, toàn tỉnh hiện có 8 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam và đạo Ba hải, sinh hoạt ở 263 cơ sở thờ tự. Năm 2015, toàn tỉnh có 218 chức sắc, 1.432 chức việc và 221.514 tín đồ/dân số 905.300, tương đương 24,47%. Năm 2013, toàn tỉnh có 108 tín đồ là đảng viên, trong đó Phật giáo 21 đảng viên, Công giáo 7, Cao đài 3, Tin lành 11, 138 đại biểu HĐND các cấp theo tôn giáo, trong đó có 2 đại biểu HĐND tỉnh, 19 đại biểu HĐND huyện, 117 đại biểu HĐND xã; 306 chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia trong UBMTTQVN các cấp. |
Lý lẽ thật đơn giản rằng: Nếu Việt Nam kỳ thị tôn giáo, hạn chế và đàn áp tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo như các luận điệu thế lực thù địch vẫn thường rêu rao thì các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam có thể phát triển ổn định như hiện nay, bức tranh tôn giáo ở Việt Nam có thể phong phú, đa dạng như đã nêu? Thực tiễn cho thấy, chức sắc, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó với quốc gia, dân tộc theo phương châm “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “nước vinh đạo sáng”, vừa làm tròn bổn phận của tín đồ đối với tôn giáo, vừa cùng toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thành tựu đó của Việt Nam đã và đang được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Thế nhưng, các thế lực thù địch cùng các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Từ đó cũng xuất hiện một số phần tử đội lốt tôn giáo vi phạm luật pháp, sau đó vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo. Các thế lực phản động xác định tôn giáo ở Việt Nam như một lực lượng chính trị có thể “đối trọng” với Đảng Cộng sản Việt Nam và lôi kéo quần chúng. Do vậy, chúng hậu thuẫn cho những đối tượng chống đối để hoạt động chống phá quyết liệt hơn.
Tựu chung lại có thể thấy, mục đích cuối cùng của những chiêu trò nhân quyền, tôn giáo, không gì khác vừa nhằm kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ đoàn kết tôn giáo ở nước ta, đồng thời hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tiến tới thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Thế nhưng, những luận điệu đó khó có thể lừa gạt được người dân Việt Nam, bởi sự thật được chứng minh bằng thực tiễn sinh động đang diễn ra trên đất nước Việt Nam, chứ không thể là những hình ảnh chắp ghép trên internet hay sự lên giọng phán xét của bất kỳ một cá nhân, tổ chức hải ngoại nào.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065