CHỖ NÀO CŨNG LÀ RAU, QUẢ KHÔNG AN TOÀN
Đại diện Cơ sở sản xuất rau thủy canh Nguyên Khang (Phước Long) Phạm Thanh Phương cho biết: Sản xuất rau áp dụng công nghệ cao như một ván bài may rủi. Trong khi Nguyên Khang áp dụng công nghệ trồng rau thủy canh, giảm thiểu tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo cung ứng ra thị trường nguồn rau sạch thì không ít người lạm dụng hóa chất trong quá trình trồng rau, gây nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo cho người tiêu dùng. Thế nhưng rau sạch lại không thể cạnh tranh được với rau “bẩn” do giá rẻ và sự bắt mắt. Người tiêu dùng luôn muốn mua rau sạch nhưng trước những quầy rau tươi ngon được bán giá rẻ thì họ lại nhanh chóng đổi ý, tạo điều kiện để rau bẩn có đất sống. Vì thế, nhiều người rất tâm huyết nhưng đành bỏ ý định trồng rau sạch.
103kg thịt bẩn của cơ sở Tuyết Ánh (Chơn Thành) bị công an phát hiện, tiêu hủy ngày 22-4
Với diện tích 200m2, Cơ sở sản xuất rau Bầu Trúc của ông Ngô Xuân Hợp cung ứng nhiều loại rau cho thị trường Đồng Xoài mỗi ngày. Vừa là người sản xuất vừa là người tiêu dùng, ông Hợp cho biết: “Tất cả rau dùng trong bữa ăn hằng ngày của gia đình tôi đều được lấy từ Bầu Trúc vì chính tay mình trồng và chăm sóc nên yên tâm về chất lượng. Những bữa thiếu, tôi không dám mua rau ngoài chợ vì sợ mua phải rau bẩn.
Là loại trái cây có tính thanh nhiệt, tốt cho sức khỏe nên dừa được nhiều người chọn mua trong tiết trời nóng nực. Tại các gian hàng bán dừa ở chợ Đồng Xoài, không quá khó để người mua chọn cho mình một trái dừa “trắng cùi, tốt mã”. Tuy tất cả tiểu thương khẳng định dừa tại gian hàng của mình được bảo quản bằng làm lạnh an toàn, thế nhưng họ không thể giải thích tại sao trái dừa được gọt vỏ nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày mà vẫn trắng nõn? Phải chăng người bán đã sử dụng phương pháp bảo quản khác mà họ không dám công khai như hóa chất natri-metabisulphite dễ gây kích ứng da, mắt và bệnh hen suyễn để “tắm trắng” dừa?
THỊT “BẨN” TRÀN LAN
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ thịt bẩn. Điển hình ngày 22-1, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh bắt giữ 900kg thịt, xương động vật không rõ nguồn gốc, nhiễm khuẩn và bốc mùi hôi thối của Cơ sở kinh doanh thịt động vật Xuân Tá của ông Bùi Đại Tá (thường trú ấp 1, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành). Với thủ đoạn dùng hóa chất khử mùi và ngụy trang khéo léo, thịt, xương bẩn sẽ được “tuồn” ra thị trường dưới mác heo rừng lai thơm ngon, hấp dẫn.
Tại các chợ, để tránh thua lỗ, nhiều tiểu thương dùng thủ đoạn ngâm tẩm hóa chất, ướp đá cho lượng thịt tồn và tiếp tục bày bán hôm sau. Ngày 29-4, Phòng PC49 đã kiểm tra, bắt giữ 430kg thịt và sản phẩm động vật của 4 hộ kinh doanh tại thị xã Đồng Xoài vì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và đang trong giai đoạn phân hủy. Mới đây nhất ngày 10-5, đoàn kiểm tra liên ngành thị xã Đồng Xoài tiếp tục phát hiện hơn 700kg thịt heo, bò, xương và nội tạng động vật đang bốc mùi hôi thối của các tiểu thương tại chợ Đồng Xoài.
Không chỉ dừng lại ở khâu bảo quản, vấn đề sử dụng thuốc tăng trọng trong chăn nuôi đang ở mức “báo động đỏ”. Trong một lần tham quan trang trại chăn nuôi heo Duroc được đánh giá khá thành công của ông N.V.V ở huyện Đồng Phú, chúng tôi được nghe chia sẻ kinh nghiệm nuôi heo, từ xây chuồng đến cách nhận biết bệnh mà ông đã tích lũy bấy lâu. Khi nói về thời gian nuôi đến khi xuất chuồng của heo, ông khoe chỉ mất 4 tháng. Vì biết Duroc là giống heo ngoại nhập, thường chỉ xuất chuồng khi 6-7 tháng với trọng lượng 80-100kg nên chúng tôi hỏi nuôi bằng cám gì mà lớn nhanh vậy thì ông im lặng. Rõ ràng, dù các cơ quan chức năng tại Bình Phước chưa phát hiện vụ việc nuôi heo tăng trọng nào nhưng không ai có thể khẳng định trên địa bàn tỉnh không có tình trạng chăn nuôi bằng chất cấm.
TĂNG NHANH CÁC VỤ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), thực phẩm bẩn và ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 2,2 triệu người mỗi năm ở các quốc gia đang phát triển, trong đó hầu hết là trẻ em. Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, trong năm 2015, cả nước ghi nhận 171 vụ với 4.965 người bị ngộ độc thực phẩm, 23 người tử vong. Theo Tổng cục Thống kê, tính từ ngày 17-12-2015 đến 17-5-2016, cả nước xảy ra 35 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 1.855 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong. Hằng năm, Việt Nam mắc mới khoảng 126.000 ca ung thư, 35% số ca có nguyên nhân do ăn phải thực phẩm bẩn chứa chất gây ung thư. Năm 2010, khoảng 94.700 người Việt chết do ung thư, trong đó 33.145 bệnh nhân ung thư tử vong do thực phẩm bẩn. |
Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể cho công nhân lại nổi cộm và thu hút sự chú ý của người dân như hiện nay. Tính từ đầu năm đến nay, Bình Phước đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại Chơn Thành khiến hơn 500 công nhân nhập viện.
Cụ thể, chiều 21-4, có 325 công nhân của 3 công ty: LISHENG, XINREN và Sung Ju Vina thuộc Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (Chơn Thành) phải nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, ói... do ngộ độc thực phẩm. Sáng 23-4, 173 công nhân của 3 công ty này phải đi cấp cứu đột ngột vì có dấu hiệu tái ngộ độc. Ngày 27-4, có 56 công nhân của Công ty Sung Ju Vina tiếp tục nhập viện do “hội chứng sang chấn tâm lý” sau bữa cơm trưa tại nhà ăn công ty. Ngày 22-4, Phòng PC49 đã kiểm tra vựa hải sản Tuyết Ánh (Chơn Thành) - đơn vị cung cấp thực phẩm cho 3 công ty này, phát hiện 103,7kg thịt, sản phẩm động vật đang phân hủy.
Sự việc trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe công nhân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, giáng đòn mạnh vào niềm tin của người tiêu dùng. Những vụ ngộ độc thực phẩm gióng lên hồi chuông cảnh báo sự suy thoái đạo đức của người kinh doanh và khâu quản lý chất lượng bữa ăn cho công nhân còn yếu kém. Ngộ độc thực phẩm dù nguy hại nhưng chỉ là hậu quả nhãn tiền của thực phẩm bẩn, còn hệ lụy lâu dài là gia tăng bệnh hiểm nghèo, suy thoái giống nòi, gây cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
NGƯỜI DÂN CẦN NÂNG CAO NHẬN THỨC
Trồng rau tại nhà, hạn chế ăn thịt heo... là 2 trong nhiều biện pháp người dân lựa chọn để đối phó với thực phẩm bẩn. Đây chỉ là những giải pháp tình thế, không mang sức lan tỏa mạnh. Tại hội nghị phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: “Một trong những nội dung cơ bản để có các sản phẩm nông sản sạch là phải hướng dẫn cho nông dân làm rau sạch, thịt sạch”. Để giải quyết tận gốc tình trạng thực phẩm bẩn, bên cạnh sự nỗ lực kiểm tra, giám sát và hoàn thiện chính sách, pháp luật của các cơ quan chức năng thì việc nâng cao nhận thức người dân đóng vai trò then chốt.
“Do tính đặc thù sản xuất rau phải gieo trồng gối đầu trong cùng một diện tích, lại thu hoạch hằng ngày nên việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng rất khó. Nếu người sản xuất không có đạo đức, thiếu trách nhiệm, chắc chắn không thể có rau sạch. Ngoài ra, việc tuyên truyền, đánh tan tâm lý phân biệt hàng bán - hàng ăn của người sản xuất rất cần thiết để ngăn chặn thực phẩm bẩn hoành hành” - nhà nông Ngô Xuân Hợp nói.
Thế Tường
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065