Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu
Tôi đã may mắn có dịp được đọc hồi ký Bác Hồ viết Di chúc qua lời kể của đồng chí Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác (tác giả Thế Kỷ ghi, Nhà xuất bản Thuận Hóa). Phần đầu trong lời giới thiệu về cuốn sách, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Trong cuộc họp Bộ Chính trị sáng ngày 3-9-1969, đồng chí Phạm Văn Đồng giới thiệu đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, xin được chuyển đến Trung ương một tài liệu bí mật. Tài liệu nằm trong một chiếc phong bì to... Tài liệu này được công bố với tên gọi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn đọc trong lễ tang Bác ngày 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình đã gây xúc động mạnh mẽ trong hàng triệu trái tim đồng bào và chiến sĩ cả nước...”.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh ta đã được nghe GS.TS Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp, ủy viên, thư ký Hội đồng lý luận Trung ương cung cấp nhiều thông tin rất có giá trị lịch sử và tính thời sự trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo các tài liệu, vào 9 giờ sáng ngày 10-5-1965, Bác Hồ bắt đầu đặt bút viết những chữ đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Cứ như thế, suốt 5 năm trời (từ năm 1965-1969), mỗi năm dành 10 ngày vào dịp sinh nhật của mình (từ ngày 10 đến 20-5), mỗi ngày dành 1 tiếng đồng hồ, từ 9-10 giờ là giờ đẹp nhất trong ngày, Bác suy nghĩ, trăn trở trên những trang viết của mình để dặn lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những công việc hệ trọng của sự nghiệp cách mạng sau khi Bác qua đời.
Bản Di chúc đề ngày 15-5-1965 có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên góc phải và chữ ký của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương là người chứng kiến bên phía góc trái. Từ tháng 5-1965 đến tháng 5-1969, Bác đã nhiều lần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thành bản Di chúc đề ngày 10-5-1969 và được công bố sau khi Bác qua đời. Xem lại bút tích Bác chỉnh sửa bản Di chúc, chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng đặc biệt và những giá trị vĩnh hằng mà Bác để lại cho các thế hệ mai sau. Bác cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng từ, từng ý, từng câu.
Bác quan tâm và trăn trở nhất đó là công tác xây dựng Đảng. Điều này được Bác đưa lên đầu: “Trước hết nói về Đảng...”. Chỉ vỏn vẹn có 202 từ thôi nhưng Bác đã bao quát một cánh toàn diện vị trí, vai trò và những nhiệm vụ trọng tâm của một Đảng cầm quyền. Trong đó, Người nhấn mạnh đến truyền thống đoàn kết, việc thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình, về đạo đức cách mạng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Lời Bác dạy về xây dựng Đảng vừa dựa trên nguyên tắc nhưng có lý, có tình. Bác yêu cầu “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Nhưng đồng thời, Bác cũng nhắc nhở “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Vận dụng điều này vào công tác tự phê bình và phê bình hiện nay, chúng ta mới thấy hết giá trị, những tiên đoán thiên tài và sự minh triết, ân minh, độ lượng của Người. Bởi đâu đó vẫn còn tình trạng mất đoàn kết, bè phái, cục bộ địa phương; một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng; lợi dụng tự phê bình và phê bình để nịnh nọt cấp trên; tìm cách chèn ép, loại bỏ những người trung thực, thẳng thắn đấu tranh với tiêu cực, sai trái.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là cách tốt nhất để chúng ta thực hiện điều mà sinh thời Người luôn đặc biệt quan tâm: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Chính Trực
Bài viết có tham khảo Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc (đồng chí Vũ Kỳ kể, tác giả Thế Kỷ ghi, Nhà xuất bản Thuận Hóa)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065