Nhiều năm qua, các dự án định canh, định cư trên địa bàn tỉnh đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Ở một số khu định canh, định cư mới, người dân đã đến canh tác và sinh sống ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc khiến đồng bào không canh tác trên mảnh đất được cấp.
MÀU XANH Ở NHỮNG KHU ĐỊNH CANH, ĐỊNH CƯ
Trải dài ngút tầm mắt, khu định canh Lộc Hiệp ở ấp Hiệp Hòa A, xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) là những vườn mì, bắp xanh tốt, hứa hẹn một mùa bội thu cho đồng bào nơi đây. Khu định canh được quy hoạch với tổng diện tích 89,72 ha cấp cho 179 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không có đất sản xuất ở các xã: Lộc Thiện, Lộc Điền, Lộc Quang (Lộc Ninh)... Bên cạnh những mảnh vườn đã gieo trồng, một số hộ mới nhận đất đã đến làm cỏ, cuốc đất trồng cây, tiếng nói cười rộn rã.
Trẻ em ở sóc Hàng Không (Bù Sếch) thôn Bình Hà 1, xã Đa Kia (Bù Gia Mập) - nơi chưa được hưởng chính sách định cư theo Chương trình 33 của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: C.TR
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, với Chương trình 33, Bình Phước đã hoàn thành 4 dự án thuộc chương trình hỗ trợ di dân, định canh, định cư. Trong đó, một dự án xen ghép tại thôn 12, xã Thống Nhất (Bù Đăng); hai dự án tập trung tại huyện Đồng Phú, Lộc Ninh; một dự án tại xã Đồng Tâm (Đồng Phú). Tổng diện tích hỗ trợ đất sản xuất là 457 ha, cấp cho 457 hộ.
Chương trình 134 kéo dài đã cấp đất sản xuất cho 423 hộ với diện tích 419,68 ha, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.739 hộ, xây dựng 2 công trình nước giếng tập trung và hỗ trợ đào tạo nghề cho 132 lao động.
|
Anh Bùi Văn Bài (1979), dân tộc Mường, ở ấp K54, xã Lộc Thiện, được đánh giá canh tác có hiệu quả tại khu định canh Lộc Hiệp chia sẻ: “Tôi nhận đất ở đây từ tháng 8 năm ngoái. Sau khi nhận, tôi đào giếng, làm nhà tạm và trồng thử một số loại cây để xem cây nào có hiệu quả sẽ trồng hàng loạt”. Với 120 nọc tiêu trên mảnh đất mới, anh hy vọng sẽ là cây chủ lực của gia đình.
Khu định cư Lộc Hòa được phê duyệt ngày 5-1-2011, có tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Diện tích xây dựng 31 ha, quy hoạch cho 62 hộ ở xã Lộc Hòa. Hiện khu định cư đã xây dựng xong các hạng mục và nhiều hộ đồng bào DTTS đã đến ở. Ban ngày, người lớn đi làm, trẻ em vui chơi tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhà ở, trường học và trung tâm y tế được xây dựng sạch đẹp.
Tại huyện Bù Đăng, dự án định canh, định cư tập trung tại thôn 8, xã Đoàn Kết đã cấp đất sản xuất cho 34 hộ/34 ha. Trong đó, mỗi hộ được nhận 0,3 ha đất định cư và 0,7 ha đất định canh. Xã đã xây dựng một điểm trường mẫu giáo và đang triển khai làm đường giao thông để người dân được thuận lợi khi tới sinh hoạt, sản xuất.
Không riêng gì ở khu định canh, định cư Lộc Hiệp và Lộc Hòa, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã ổn định cuộc sống do hưởng lợi từ những chương trình mang tính nhân văn này.
VẪN CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC
Việc thực hiện chưa đồng bộ và các biện pháp tuyên truyền vận động đồng bào DTTS quản lý đất được cấp chưa sâu rộng là những hạt sạn trong quá trình thực hiện các chương trình này. Từ đó dẫn đến tình trạng tranh chấp, xâm canh đất dự án.
Dự án định canh, định cư xen ghép ở thôn 12, xã Thống Nhất (Bù Đăng) được quy hoạch 226,6 ha. Hiện dự án chỉ thực hiện được 70,8 ha trong số 150,6 ha thực tế. Phần còn lại bị xâm canh, lấn chiếm trái phép. Các xã Phước Sơn, Đắk Nhau có 9 hộ bị tái chiếm không thể sản xuất. Huyện Đồng Phú cũng có 4/23 hộ được cấp đất sản xuất theo Chương trình 134 kéo dài đang xảy ra tranh chấp với đối tượng xâm canh.
Ngoài tình trạng tranh chấp, việc thực hiện các chương trình này còn gặp khó khăn trong công tác quản lý đất của các hộ được hưởng.
VÌ SAO NHIỀU HỘ SANG NHƯỢNG HOẶC BỎ ĐẤT ĐƯỢC CẤP?
Ông Hoàng Nhật Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Ở Lộc Ninh, quỹ đất đầu tư cho từng dự án cách xa nhau, mỗi hộ dân được hỗ trợ 5.000m2 đất định canh và 5.000m2 đất định cư.
Tuy nhiên, có nơi khoảng cách từ khu định canh đến khu định cư cách nhau khoảng 10km. Phương tiện không đảm bảo cùng với việc lấn, tái chiếm của một số người dân ở trước đó, nên đồng bào mới đến canh tác chưa thực sự ổn định, thậm chí còn xảy ra tình trạng sang nhượng và cho thuê trái phép.
|
Hiện tại, chỉ có khu định cư Lộc Hòa ổn định. Một số khu định canh, định cư cho đồng bào DTTS nguồn vốn cấp không đủ và kịp thời để xây dựng các hạng mục công trình. Thực hiện Chương trình 33, hai khu định canh, định cư Lộc Thịnh, Lộc Thành (Lộc Ninh) đã hoàn tất việc cấp đất cho người dân. Khó khăn ở hai dự án này là không có vốn để xây dựng đường giao thông, điện... nên không hoàn thành tiến độ.
Bên cạnh đó, một số diện tích khai hoang của huyện Lộc Ninh, Bù Đăng có tầng đất canh tác mỏng, tỷ lệ đá cao, thiếu nguồn nước tưới, trong khi công tác khuyến nông chưa đủ mạnh, trình độ canh tác của người dân còn hạn chế... nên hiệu quả sản xuất thấp.
Ông Điểu Hơl, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng: Giải quyết đất ở cho đồng bào DTTS cần đồng bộ và sát thực tế. Để những chính sách giải quyết đất sản xuất thực sự mang lại hiệu quả và giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, trước hết ngành chức năng và các huyện cần rà soát lại đối tượng được hưởng. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về đất ở và đất sản xuất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đồng bào yên tâm canh tác tại nơi ở mới, đảm bảo an sinh xã hội và mục tiêu của dự án.
Chương trình 33, 134 của Chính phủ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS là chính sách đúng đắn, kịp thời của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình còn phát sinh khó khăn, một số dự án triển khai chưa hiệu quả, gây lãng phí thời gian, tiền của. Hy vọng trong thời gian tới những vướng mắc và khó khăn trên sẽ nhanh chóng được giải quyết để đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống.
Thanh Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065