Gần 100% học viên học nghề tại Trường cao đẳng nghề Bình Phước khi ra trường đều có việc làm - Ảnh: Internet
Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” sẽ còn tái diễn nếu hướng nghiệp cho học sinh THPT tại các trường không được quan tâm đúng mức. Nói cách khác, nếu không hướng nghiệp cho học sinh thì không chỉ người học phải chịu thiệt thòi mà xã hội cũng không có nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Cầm bằng đại học đi làm công nhân
Tốt nghiệp ngành Lịch sử Việt Nam với tấm bằng khá năm 2013, nhưng N.T.T ở thôn 5, xã Long Tân (Bù Gia Mập) vẫn chưa xin được việc làm đúng chuyên môn. Nộp hồ sơ xin vào ngành tuyên giáo ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã gần 2 năm nay nhưng vẫn chưa được đi làm nên T đã xin làm công nhân may ở Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú với mức lương (cả tăng ca) 5 triệu đồng/tháng để chờ việc. T chia sẻ: “Ngày mới ra trường, cầm tấm bằng đại học trên tay, em háo hức nộp hồ sơ xin việc kể cả TP. Hồ Chí Minh và Bình Phước nhưng đều bị từ chối vì chuyên ngành của em ít có nhu cầu tuyển dụng. Em đành làm công nhân để có thu nhập và chờ công việc phù hợp với chuyên ngành đã học”.
Nhiều học sinh khi mới vào học cấp 3, gia đình đã định hướng là phải thi đậu ngành này, khoa nọ... nhưng phải là đại học, còn cao đẳng thì không đáng bàn. Riêng các trường trung cấp nghề, rất hiếm phụ huynh định hướng cho con. T.T.H.L ở xã Minh Hưng (Bù Đăng) cho biết: “Khi học hết lớp 12, tự nhận thấy lực học yếu nên em đã xin gia đình không thi đại học mà chọn nghề cắt tóc nhưng bị phản đối quyết liệt. Vì áp lực của gia đình nên phải thi đại học. Sau 2 lần thi, em mới đậu vào Trường Đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp hơn 2 năm nhưng em không xin được việc nên phải làm công nhân ở Khu công nghiệp Đồng Xoài II”.
Ông Đinh Tiến Dũng, Chánh văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng đi làm công nhân rất phổ biến. Một trong những nguyên nhân là kinh tế khó khăn, tỷ lệ xin được việc làm thấp, đa phần các em chỉ học lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành. Trong khi đó những đơn vị, doanh nghiệp, công ty lại cần những lao động có kinh nghiệm, thợ lành nghề.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 1 trường trung cấp nghề, 1 một trường cao đẳng và 28 cơ sở đào tạo nghề. Học viên tại Trường cao đẳng nghề Bình Phước (Chơn Thành), Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Phước (TX. Đồng Xoài)... và một số cơ sở đào tạo nghề ở các huyện, thị rất dễ có việc làm. Năm 2014, Trường cao đẳng nghề Bình Phước có gần 100% học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Vấn đề đặt ra là học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải tự biết lực học và tự định hướng cho mình một ngành nghề phù hợp để tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay.
Hướng nghiệp nửa vời!
Hướng nghiệp cho có là thực trạng hiện nay ở nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh. Do ngành GD-ĐT không có biên chế giáo viên phụ trách hướng nghiệp cho học sinh nên đa số các trường thường phân công giáo viên dạy môn Thể dục, Quốc phòng hay Giáo dục công dân... kiêm nhiệm. Vì vậy, nhiều giáo viên không có thời gian tìm hiểu thực tế, không nắm bắt được những ngành nghề mà xã hội đang cần để hướng nghiệp cho học sinh. Thực tế không ít giáo viên gợi ý cho học sinh thi đại học để lấy tiếng cho trường.
Thầy Lê Thắm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Đồng Xoài) cũng thừa nhận công tác hướng nghiệp đối với học sinh chưa được coi trọng, còn mang tính nửa vời, chưa đúng hướng, tận tâm, có trách nhiệm, dẫn đến việc không định hướng đúng nghề nghiệp để học sinh còn chọn nghề theo cảm tính.
Ông Trần Văn Trọng, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT cho rằng: “Cần định hướng để học sinh có thể tự lựa chọn nghề và phụ huynh không đặt nặng bằng cấp đối với con em mình. Mặt khác, các trường dạy nghề và các cơ sở đào tạo nghề phải phát triển hơn nữa để thu hút học viên. Hiện phòng tham mưu cho lãnh đạo sở về việc mở các lớp đào tạo kỹ thuật công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh đối với các em tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng chưa có việc làm. Thời gian tới, sở sẽ liên kết với Nhật Bản đưa học sinh đã tốt nghiệp cấp 3 nhưng không thi đại học hoặc không đậu đi lao động hoặc du học tự túc để các em có thêm kinh nghiệm, thuận lợi cho công việc khi trở về”.
Trang Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065