Chiều nay (17-11), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ là người đăng đàn đầu tiên và tập trung làm rõ các vấn đề về công nghiệp hỗ trợ, quản lý thị trường, phát triển công nghiệp chế tạo, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, chống hàng giả, buôn lậu... Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng là người nhận được nhiều ý kiến chất vấn nhất.
Tiếp sau Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình sẽ đăng đàn vào sáng 18-11 tập trung vào các vấn đề nâng cao cải cách hành chính, chất lượng nền công vụ, sắp xếp bố trí hợp lý bộ máy, lộ trình tăng lương cho cán bộ công chức, người về hưu, quy hoạch đào tạo cán bộ, bộ máy, thực hiện đề án tinh giản biên chế...
Chiều 18-11, Bộ trưởng Đinh La Thăng được các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn gồm an toàn giao thông, giải pháp hạn chế tai nạn giao thông, hạ tầng giao thông, đảm bảo chất lượng công trình giao thông.
Sáng ngày 19-11, Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền về nhiều nội dung, trong đó có thực trạng thất nghiệp hiện nay, đặc biệt là sinh viên mới ra trường; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu; các giải pháp xử lý các doanh nghiệp vi phạm về nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương...
Trong quá trình trả lời chất vấn, một số bộ trưởng liên quan cũng có thể được yêu cầu phối hợp trả lời thêm. Chiều 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Chia sẻ về quan điểm chất vấn, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, các Bộ trưởng khi được chọn để chất vấn phải coi đó là một cơ hội được chất vấn chứ không phải bị chất vấn. Vì khi đó, trước diễn đàn Quốc hội, họ được nói, được lắng nghe những vấn đề của ngành mình. Cái sai thì với tinh thần cầu thị ghi nhận, nhưng cái đúng thì mình tự tin bảo vệ. Đó mới là những tác động mong đợi của các phiên chất vấn.
Ngoài ra, cũng theo đại biểu này, điều mà các đại biểu và người dân cần trong phiên chất vấn là sự hài lòng chứ không phải những "ngôn từ rất bay bướm," mà không giải đáp được câu hỏi đặt ra. Cho nên thước đo cuối cùng của phiên chất vấn chính là sự hài lòng của người dân và sự hài lòng đó không phải là để "êm tai”.
Ông Quốc cho rằng, cách chất vấn hiện nay không phù hợp lắm. Vì hễ động đến một vấn đề nào đó, bộ trưởng có thể lấy ngay lý do ông ấy không quản vấn đề này, nó là của liên ngành. "Tôi rất muốn lấy vấn đề đời sống ra chất vấn chứ không phải lấy công việc của bộ ra chất vấn. Ví dụ, tại sao mâm cơm không an toàn, không chỉ một bộ trả lời được mà một số bộ cùng vị Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề đấy mới trả lời nổi. Hoặc vấn đề tai nạn giao thông, ngoài Bộ Giao thông Vận tải trả lời còn có Bộ Công an nữa... Tôi cho rằng, nếu qua chất vấn mà chúng ta tìm ra giải pháp thì nên phản ánh đúng thực tiễn đời sống và sự điều hành của Chính phủ," ông Quốc nhấn mạnh.
Ông Quốc cũng cho biết thêm, đợt chất vấn lần này, ông sẽ chất vấn Thủ tướng một vấn đề tương xứng với vai trò điều hành của Thủ tướng.
Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) cho biết, bà quan tâm đến biện pháp tăng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và việc tinh giản bộ máy, rà soát từng vị trí cụ thể thời gian qua. "Theo tôi, giảm biên chế phải di kèm với tăng chất lượng cán bộ, công chức, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công vụ. Vậy Bộ Nội vụ đã làm được những gì, kết quả ra sao và những giải pháp nào cho thời gian tới. Đó là những vấn đề cần làm rõ," bà Hải chia sẻ.
Với Bộ Công Thương, bà Hải dự kiến chất vấn lĩnh vực quản lý thị trường, giá cả. Giá xăng dầu đã giảm 9 lần nhưng giá hàng hóa không giảm. Mỗi lần tăng giá xăng thì giá các mặt hàng tăng rất nhanh, vậy tại sao khi xăng giảm giá thì các dịch vụ không giảm...
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ, có một số vấn đề luôn luôn nóng, nhưng mỗi kỳ chỉ chọn 4-5 Bộ trưởng lên trả lời không thể đáp ứng được hết tâm tư, nguyện vọng của cử tri thông qua đại biểu Quốc hội.
Bà Phong Lan cho biết có thể sẽ đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đinh La Thăng xem bộ trưởng có đề xuất nào để những ước vọng của mình thành hiện thực khi Bộ trưởng luôn bị vướng cơ chế, không cách chức được người này, không xử lý được người kia. Đây cũng là bài học cho các bộ khác, vì vướng cơ chế nên họ muốn nhưng không thay đổi được.
“Cơ chế đó do chúng ta đặt ra, cơ chế có thể thay đổi, nếu Bộ trưởng không thay đổi được thì Quốc hội thay đổi, chứ không nên tiếp tục đi sâu phân tích thêm cái nào làm chậm, làm dở, ai cũng biết cả rồi,” bà Phong Lan nói.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065