Quang cảnh Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu cầu Hà Nội
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong năm 2014, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đã ban hành. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Ngân sách Nhà nước đã bố trí 12.822 tỷ đồng mua thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên; thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí 755 tỷ đồng; thực hiện tín dụng ưu đãi cho trên 403.000 lượt hộ nghèo vay vốn với doanh số 9.577 tỷ đồng; trên 502.000 lượt hộ cận nghèo vay vốn với doanh số 10.544 tỷ đồng; trên 61.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả được xây dựng, nhân rộng; chính sách đối với gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo được quan tâm thực hiện... Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện, xã nghèo giảm nhanh.
Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước giảm 1,8-2%/năm so với cuối năm 2013 (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014).
Tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông đã giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí: Số vụ tai nạn giao thông giảm 13,8%, số người chết giảm 4% và số người bị thương giảm 17,2%.
Đánh giá các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tai nạn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội... dù đã có nhiều cải thiện, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vẫn còn không ít bức xúc cần phải giải quyết, phải làm tốt hơn.
“Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”, Thủ tướng nói.
3 nhóm giải pháp chính
Trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, đã nêu 3 nhóm giải pháp lớn bảo đảm chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Trong đó, Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn, sinh viên mới tốt nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo, trong đó chú trọng các giải pháp khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo. Điều chỉnh chuẩn nghèo theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp thực tiễn của Việt Nam.
Trong phòng chống tệ nạn xã hội, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, mô hình thí điểm hiệu quả trong công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng cho người nghiện sau cai, người bán dâm. Nhân rộng mô hình xã, phường phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn ma túy, mại dâm.
Về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế cần tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng cường y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng; tập trung chỉ đạo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, tiếp tục thực hiện mục tiêu 3 giảm (người nhiễm mới, người tử vong, kỳ thị phân biệt, đối xử) trong công tác phòng chống HIV/AIDS, mở rộng điều trị bằng các loại thuốc, hình thức điều trị có hiệu quả.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, các dự án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh; giảm thời gian điều trị tại bệnh viện; đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh; khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập và hình thức hợp tác công-tư...
Thực hiện các giải pháp linh hoạt nhằm bảo đảm mức sinh thấp, hợp lý và giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Xây dựng các chính sách để tận dụng giai đoạn “dân số vàng” hiện nay.
Bộ VHTT&DL được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai các giải pháp trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thực hiện quản lý tốt các lễ hội, hoạt động văn hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước để tổ chức lễ hội; phát triển thể dục thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao.
Nguồn Chinhphu.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065