Ngày 11-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, phân tích những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chiến lược, đề xuất các giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển của ngành Cơ khí Việt Nam.
Phát triển chưa tương xứng
Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26-12-2002. Thực hiện Chiến lược này, trong 10 năm qua ngành Cơ khí Việt Nam đã có những thay đổi và phát triển, từng bước hội nhập với ngành Cơ khí thế giới. Đến nay, hệ thống chính sách để phát triển ngành Cơ khí đã được ban hành tương đối đầy đủ.
Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành đạt 227.911 tỷ đồng, tăng 6 lần so với giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí đạt được năm 2000; năm 2013, ước đạt 251.185 tỷ đồng.
Thủ tướng lắng nghe ý kiến của các đại biểu
Các lĩnh vực cụ thể của ngành Cơ khí như: Sản xuất, lắp ráp ô tô; sản xuất xe máy; chế tạo thiết bị cơ khí thủy công; chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện; công nghiệp hỗ trợ... đều có những bước phát triển và đạt kết quả tích cực.
Về xuất nhập khẩu, năm 2012, giá trị xuất khẩu cơ khí đạt 12,1 tỷ USD; năm 2013 đạt 13,18 tỷ USD. Ngành Cơ khí đang trở thành một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của đất nước. Năm 2012, giá trị nhập khẩu cơ khí là 22,46 tỷ USD, năm 2013 giá trị nhập khẩu ước đạt 24,8 tỷ USD, giá trị nhập khẩu chủ yếu là nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, một số mục tiêu được đề ra trong Chiến lược vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2010 đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước chưa hoàn hoàn thành; năm 2012, ngành Cơ khí mới chỉ đáp ứng được trên 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước...
Nhiều kiến nghị, đề xuất
Để tiếp tục đầu tư phát triển ngành Cơ khí Việt Nam ổn định, bền vững, phát huy được vai trò của ngành trong bối cảnh hội nhập và đóng góp vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành cơ khí, đặc biệt đối với 8 chuyên ngành Cơ khí trọng điểm, ngành công nghiệp hỗ trợ; việc tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến để sản xuất ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tại Hội nghị, có trên 10 ý kiến phát biểu tham luận của lãnh đạo các Bộ, ngành, doanh nghiệp. Nhiều ý kiến mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về thuế, nhà xưởng, khuyến khích phát triển cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc, công cụ hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp,... bởi nhu cầu đối với các sản phẩm này trên thị trường hiện đang rất lớn. Cùng với đó là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của ngành cơ khí. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ khí thuộc các thành phần kinh tế tham gia chương trình cơ khí trọng điểm; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cơ khí, qua đó hình thành chuỗi giá trị; quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu với những sản phẩm cơ khí chủ lực; tăng cường công tác đào tạo lực lượng nghiên cứu, thiết kế, công nhân kỹ thuật để bổ sung nguồn lực cho ngành cơ khí...
Ý kiến của doanh nghiệp cơ khí kiến nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu tiên, đón đầu sự phát triển của ngành cơ khí, nhất là liên quan đến đấu thầu, ưu đãi thuế và tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển trung tâm cơ khí đa dụng...
Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam kiến nghị tập trung phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm liên quan đến đóng tàu biển, giàn khoan, ô tô khách và xe tải nhẹ, chế tạo chi tiết máy động lực và công nghiệp, chế tạo thiết bị đồng bộ và thiết bị điện…
Tập trung rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch của ngành cơ khí
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vị trí quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển ngành cơ khí, đặc biệt là cơ khí chế tạo. 10 năm qua, ngành cơ khí đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là giá trị của cơ khí chế tạo, xuất khẩu liên tục tăng; sức cạnh tranh của các sản phẩm cơ khí ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu không ngừng được nâng lên...
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, so với yêu cầu, tiềm năng, lợi thế, những kết quả đạt được của ngành cơ khí còn chưa được như mong muốn, chưa đạt được mục tiêu đề ra. “Là một quốc gia nông nghiệp, song các sản phẩm cơ khí máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn ít”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn chứng.
Chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch của ngành cơ khí, xác định các lĩnh vực, sản phẩm cơ khí ưu tiên, nhất là sản xuất máy cho phục vụ cho phát triển nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy hải sản, chế biến thủy sản, các thiết bị cho vận tải... Trong đó lưu ý việc rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch phải đặt trong điều kiện thực tế cụ thể của kinh tế thị trường và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, phù hợp với thực tiễn trên tinh thần khuyến khích và hỗ trợ, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, thuế thu nhập, thuế VAT cho doanh nghiệp và thuế bảo hộ sản phẩm trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế . Gắn với đó là xây dựng các chính sách tín dụng phù hợp nhằm phát triển thị trường cho ngành cơ khí; thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị, năng lực thiết kế, chế tạo, đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý cần đặc biệt quan tâm kiện toàn bộ máy, tổ chức của Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo đối với sự phát triển của ngành cơ khí. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo tập trung vào nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách; phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp cơ khí và cơ quan quản lý nhà nước của Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam trong quá trình xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngành cơ khí phát triển nhanh trong điều kiện mới.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065