>> [Video] Thủ tướng Hun Sen thực hiện lại hành trình tìm đường cứu nước tại Bình Phước
Đón Thủ tướng Hun Sen và hơn 400 quan khách của Vương quốc Campuchia có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các cán bộ cấp cao của Bộ Quốc phòng và các cơ quan Trung ương. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trăm, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Châu, Phó bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, huyện Lộc Ninh cùng đông đảo nhân dân trong khu vực...
Thủ tướng Hun Sen thắp nhang tại ngôi miếu làm “nhân chứng” cho ông và đồng đội khi rời quê hương đi tìm đường cứu nước
Cuộc đón tiếp Thủ tướng Hun Sen đã diễn ra trong một khung cảnh đặc biệt và nghi thức ngoại giao cũng rất đặc biệt. Bởi nó diễn ra tại khu vực biên giới heo hút ở xã Lộc Thạnh và các nghi thức thực hiện tại vườn cao su.
9 giờ 30 phút, Thủ tướng Hun Sen bước qua đường biên giới giữa hai nước tại một khu đất rộng tương đương một sân bóng đá mới được san ủi bằng phẳng và trải đá 3x4cm. Thủ tướng Hun Sen đã tới thắp nhang tại một ngôi miếu ở bên đường biên giới phía Việt Nam. Đó là ngôi miếu cách đây tròn 40 năm, khoảng 2 giờ sáng 21-6, là “nhân chứng” cho Thủ tướng Hun Sen khi ấy 25 tuổi, cùng 4 đồng đội, quyết tâm rời quê hương đi tìm đường cứu nước. Tại đây, trong 90 phút đứng giữa trời nắng ôn lại giây phút bắt đầu hành trình và những quyết tâm, suy nghĩ về con đường cứu nước phía trước, nhiều lần Thủ tướng Hun Sen đã lạc giọng trước hàng trăm cán bộ cấp cao và khoảng 50 nhà báo, phóng viên vây quanh.
Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm thống nhất gọi tên cây gõ đỏ là “Cây đoàn kết Việt Nam - Campuchia”
Thủ tướng Hun Sen cho biết, lúc đó ông quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước dù dự báo có thể bị lạc vào bãi mìn mà chết, bị bắt giam, bị nghi ngờ là gián điệp của Pol Pot, bị tra tấn... Ông kể: “”Chúng tôi có chết cũng quyết đưa anh qua biên giới”, đó là lời của những đồng đội đã cùng tôi chiến đấu. Thế là tôi cùng đồng đội mất gần 2 tiếng để đi qua bãi mìn gần 200m. Lúc đó trời tối, chúng tôi không biết bên kia có bộ đội Việt Nam hay không... Những người đã từng thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, sẽ biết rằng chuyện này không phải đơn giản. Tôi thật sự đã đánh cược tính mạng của chính mình”.
Nói chuyện ở khu vực ngôi miếu xong, Thủ tướng Hun Sen đã đi bộ trên một đoạn đường mòn dài khoảng 400m được lát ván gỗ để làm thủ tục và chính thức nhập cảnh vào Việt Nam ở khu vườn cao su 3 năm tuổi. Tại đây, Thủ tướng Hun Sen đã nhận bó hoa tươi thắm và lời chào mừng của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm. Sau đó, Thủ tướng Hun Sen cùng đoàn cán bộ cấp cao hai nước đi thăm lại 3 địa điểm mà ông cùng đồng đội đã dừng chân nghỉ ngơi, nấu cháo, cất giấu vũ khí.
Thủ tướng Hun Sen đi lại con đường mòn khi ông vượt biên giới sang Việt Nam tìm đường cứu nước
Tại địa điểm thứ nhất, Thủ tướng Hun Sen nhớ lại: “Sau khi nghỉ ngơi ở biên giới lúc 8 giờ sáng, chúng tôi di chuyển. Đến 11 giờ, cả nhóm đến đây. Hồi đó không có đường như bây giờ mà toàn là rừng, nhưng có con đường mòn, có một cái ao. Chúng tôi lấy nước từ ao này để nấu ăn. Vì quá ít gạo nên chỉ nấu được cháo. Nấu xong, cũng không có đủ chén bát nên tôi và đồng đội dùng chung một cái chén, thay phiên nhau”...
>> Một số hình ảnh trong chuyến hành trình của Thủ tướng Hun Sen tại Bình Phước
Tiếp tục hành trình, Thủ tướng Hun Sen đến ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh. Tại đây, Thủ tướng Hun Sen kể: “Hôm nay, tôi trở về nơi mà 40 năm trước bà con từng cưu mang tôi. 40 năm trước, sau khi cất giấu vũ khí, tôi đã đến đây. Khi tới, chúng tôi nhìn thấy nhà dân. Tôi nói với anh em nếu người Việt Nam bắt trói thì cứ bình tĩnh tuân theo... Tôi nhìn vào đồng hồ và nghĩ rằng chắc chắn người ta sẽ tịch thu cái đồng hồ này. Thế nhưng, bộ đội Việt Nam không những không lấy đồng hồ của tôi mà thậm chí không mở ba lô của chúng tôi, không cần biết trong ấy có gì... Tất cả quá tốt đẹp, không như dự tính của tôi”. “Đây là điểm mà Việt Nam khác với các nước cứ xem mình là cha của dân chủ, mẹ của nhân quyền nhưng đối xử rất tàn tệ với người vượt biên từ nước khác sang” - Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.
Cá nhân tôi từ một thủ tướng trẻ nhất thế giới, đến nay trở thành một trong những người ở cương vị thủ tướng lâu năm trên thế giới. Hôm nay tôi mặc sắc phục thống tướng 5 sao và tôi vẫn mong được đi lại chiếc xe REO năm xưa (chiếc xe đã đưa chàng thanh niên yêu nước Hun Sen đi gặp lãnh đạo Việt Nam xin được giúp đỡ đất nước Campuchia thoát khỏi diệt chủng - PV). Tôi muốn con cháu ghi nhớ đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh và mong nhà văn hóa này như là biểu tượng của hòa bình, của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Thủ tướng HUN SEN |
Kết thúc cuộc nói chuyện tại ấp Thạnh Biên, 12 giờ, Thủ tướng Hun Sen cùng đoàn cán bộ cấp cao hai nước về khu vực trung tâm xã Lộc Thạnh. Tại đây, Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã làm lễ cắt băng khánh thành nhà văn hóa xã Lộc Thạnh. Nhà văn hóa là nơi trưng bày các hình ảnh về tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia, về quá trình đấu tranh lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot của Thủ tướng Hun Sen và nhân dân Campuchia.
Sau khi cắt băng khánh thành và tham quan nhà văn hóa Lộc Thạnh, Thủ tướng Hun Sen đã trồng một cây gõ đỏ trong khuôn viên nhà văn hóa. Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã thống nhất đặt tên cây gõ đỏ này là “Cây đoàn kết Việt Nam - Campuchia”. Sau đó, Thủ tướng Hun Sen tiếp tục có cuộc nói chuyện trong nhà văn hóa. Nhà văn hóa có sức chứa hơn 150 chỗ ngồi. Vì thế, hầu hết cán bộ, nhân dân, phóng viên phải ngồi bên ngoài và theo dõi buổi nói chuyện qua màn hình.
Thủ tướng Hun Sen nhớ lại: “Từ Hoa Lư đến làng Chín trước đây đi đường khác rất nhiều so với bây giờ. Khi đó, 11 giờ trưa tôi vào đến Hoa Lư, và trước đó chia nhau chén cháo, nên khi được ăn bữa cơm đầu tiên là vô cùng giá trị với tính mạng của tôi và đồng đội. Nó giúp chúng tôi có sức lực. Tại đây, lần đầu tiên tôi gặp cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi được hỏi mục đích sang Việt Nam là gì. Tuy chưa được xác minh rõ ràng về chúng tôi, dù tôi đã vượt biên trái phép, lại không có giấy tờ hợp pháp, nhưng sự đối xử của người dân và quân đội Việt Nam rất tốt”.
Thủ tướng Hun Sen chia sẻ: “Ai nói gì cứ nói nhưng không thể thay đổi được lịch sử, rằng nhờ có Việt Nam chúng tôi mới xây dựng được lực lượng vũ trang, mới giải phóng được dân tộc. Trước giải phóng, Campuchia chỉ có 5 triệu người, nay đã 15 triệu người. Việc xóa bỏ chế độ Pol Pot cũng đồng nghĩa với việc kết thúc sự bất ổn ở khu vực. Chúng ta có hòa bình và Campuchia trở thành thành viên của ASEAN, góp phần gìn giữ sự hòa bình, ổn định trong khu vực. Campuchia đã có được người bạn tốt nhất là Việt Nam”.
Bài nói chuyện của Thủ tướng Hun Sen kết thúc trong tràng pháo tay vang dội. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm phát biểu chào mừng Thủ tướng Hun Sen có chuyến trở về lịch sử. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm nói: “Chúng tôi đã được nghe chính Thủ tướng kể lại từng địa điểm, từng sự kiện lịch sử và những người mà Thủ tướng đã gặp cách đây 40 năm trong một cảm xúc rất đặc biệt mà chúng tôi cảm nhận rằng những con người, những sự kiện lịch sử đó không bao giờ quên được trong trái tim Thủ tướng”. Kết thúc buổi nói chuyện, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã tặng Thủ tướng Hun Sen lẵng hoa tươi thắm, ấm áp tình hữu nghị.
Theo kế hoạch, kết thúc hành trình tại Bình Phước, Thủ tướng Hun Sen có buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại tỉnh Bình Dương.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065