BP - Đọc kỹ Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ban hành ngày 22-9-2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ban hành ngày 28-8-2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi đánh giá cao sự thay đổi tích cực của Bộ GD-ĐT. Thực tiễn cho thấy bộ đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đề xuất của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên điều đó chưa phản ánh hết những tâm tư, kỳ vọng của những người làm công tác quản lý như chúng tôi. Vẫn còn đó những trăn trở, băn khoăn dù đã có nhiều đóng góp trong việc góp ý dự thảo sửa đổi Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT trong thời gian trước khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT. Xin trích dẫn 2 nội dung trong Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT vẫn còn bất cập và chắc chắn rằng học sinh ở hai trường khác nhau khi thực hiện Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sẽ có hai cách khen thưởng khác nhau với độ cách biệt khá lớn:
Thứ nhất, Bộ GD-ĐT ban hành Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 28-9-2016 do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký (thông tư ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học) cho thấy sự rườm rà, lặp lại câu chữ. Giáo viên và cán bộ quản lý phải đọc lại cả 3 văn bản để thực hiện đánh giá học sinh tiểu học! Đó là Thông tư số 30/TT-BGDĐT ngày 28-8-2014; Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22-9-2016 và Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 28-9-2016. Đây là một tiền lệ của nguyên tắc ban hành văn bản phức tạp và rườm rà.
Thứ hai, Điều 16 - Khen thưởng, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT đã chỉ dẫn cụ thể hơn Thông tư số 30/TT-BGDĐT, nhưng vẫn còn bất cập:
Ý 1 Điểm a: “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên”.
Ví dụ: 1 học sinh hội đủ các điều kiện trên và có điểm kiểm tra cuối năm Toán 10; Tiếng Việt 10; Khoa học 10; Lịch sử và Địa lý 10; Ngoại ngữ 10; Tin học 8. Vậy là học sinh này không được khen thưởng hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện... Nhưng thực tế học sinh đó xứng đáng được khen thưởng xuất sắc. Hơn nữa, những học sinh các trường không học Tin học hay Ngoại ngữ, được khen thưởng hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, chỉ cần Toán 9; Tiếng Việt 9; Khoa học 9; Lịch sử và Địa lý 9.
Một phép so sánh để thấy rằng học sinh của trường A (đó là những trường chuẩn quốc gia, trung tâm thị xã, thành phố) dù các môn học (Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý đạt điểm 10, chỉ cần môn Tin học hoặc Ngoại ngữ đạt 8 điểm) không bằng một học sinh được khen thưởng ở những trường vùng xa có chỉ số bài kiểm tra cuối năm Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý đạt điểm 9. Và như vậy, vai trò của giáo viên chủ nhiệm không thể hiện được “chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá học sinh trong lớp...” như Điều 19 của Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT.
Tôi cho rằng Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT vừa ban hành, chưa đi vào đời sống vẫn còn nhiều vấn đề phải gọt giũa, chỉnh sửa.
Ngô Xuân Quang
Phòng GD-ĐT Bình Long
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065