BP - Những thông tin về 101 mẫu nước mắm có chứa hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng quy định do Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố đã làm nóng dư luận. Tuy nhiên, do Vinastas không công bố cụ thể tên của các mẫu nước mắm chứa asen vượt mức quy định làm dư luận băn khoăn và đòi hỏi cần phải công khai, minh bạch về sản phẩm đã kiểm tra để người tiêu dùng phòng tránh.
Theo báo cáo, Vinastas lấy ngẫu nhiên 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu được sản xuất tại 19 tỉnh, thành trong cả nước và một mẫu của Thái Lan kiểm tra. Qua khảo sát, Vinastas phát hiện 125/150 mẫu có ít nhất một trong 5 chỉ tiêu của nhóm hóa học không đạt so với tiêu chuẩn công bố trên nhãn hàng. Trong đó có 101 mẫu nước mắm chứa hàm lượng asen vượt mức cho phép. Theo quy định, hàm lượng asen có trong sản phẩm nước mắm chỉ tối đa là 1mg/l. Thế nhưng, qua khảo sát cho thấy 67% các mẫu (tức 101/150 mẫu) có chứa thạch tín trên 1mg và thậm chí là 5mg/l.
Được biết, mỗi năm cả nước tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm (số liệu của Tổng cục Thống kê), với tổng doanh thu khoảng 11.300 tỷ đồng, trong đó nước mắm công nghiệp chiếm 76% thị phần, còn lại là nước mắm truyền thống. Như vậy, nước mắm là món gia vị truyền thống của người Việt trong bữa ăn hằng ngày. Ngoài ra, ngành chế biến nước mắm ở nước ta còn mang lại nhiều lợi ích như tạo việc làm, khai thác hiệu quả tiềm năng hải sản, đóng góp cho ngân sách... Cho nên khi Vinastas đưa ra báo cáo 101/150 mẫu nước mắm có chứa hàm lượng thạch tín vượt mức cho phép khiến dư luận bàng hoàng. Bởi nếu con người ăn phải thạch tín thì chất này tích tụ lâu trong cơ thể và có thể gây ra ngộ độc, bệnh tật, ung thư, thậm chí tử vong. Theo một số tài liệu, thời cổ đại người ta dùng thạch tín cho vào rượu hay nước để đầu độc người khác. Chính vì vậy, người tiêu dùng đòi hỏi Vinastas cần phải công bố 150 nhãn hiệu nước mắm đã khảo sát và công khai những sản phẩm, nhà sản xuất nào không đạt hay có hàm lượng thạch tín vượt mức cho phép để phòng ngừa. Đặc biệt, các nhà khoa học cũng như các chuyên gia y tế cần phải nói rõ và đưa ra các khuyến cáo về asen hữu cơ và vô cơ nào là nguy hại để người tiêu dùng loại trừ và tẩy chay sản phẩm. Tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như trong ma trận phân bón không công bố sản phẩm kém chất lượng, nhà sản xuất dỏm... dẫn tới người tiêu dùng không thể phân biệt thật giả khi sử dụng.
Một thực tế cho thấy, cứ sản phẩm nào bị phát hiện sai phạm trong sản xuất thì đơn vị chủ quản tổ chức quảng cáo rầm rộ như để che lấp hành vi gian dối của mình. Trước đây, vụ nước giải khát C2 bị phát hiện nhiễm chì thì hầu hết các phương tiện thông tin có uy tín đều quảng cáo cho sản phẩm này với dung lượng lớn. Vì vậy, trong bối cảnh chất độc lan nhiễm khắp nơi thì ngành chức năng cần phải công khai danh tính, minh bạch về sản phẩm sai phạm để người tiêu dùng né tránh. Đây là giải pháp hữu ích để phòng chống việc nhà sản xuất, người kinh doanh hàng bẩn, chất độc hại không còn “đất” sống.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065