Trong ngày làm việc cuối của Phiên họp thứ 14, sáng 16-1, sau khi góp ý nhiều nội dung đề nghị Ban soạn thảo lưu ý tiếp thu, chỉnh sửa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Đây là dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thứ 13 (tháng 12 năm 2012). Sau phiên họp, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Về phạm vi, Nghị quyết này hướng dẫn việc thi hành một số điều của Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội với các nội dung hướng dẫn bao gồm nhóm các quy định về: Những người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hằng năm; nội dung báo cáo và trách nhiệm giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm; việc xác minh, trả lời những vấn đề đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu; mẫu phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; kiểm phiếu và công bố kết quả kiểm phiếu; nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; việc từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức và việc đề nghị, kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Cơ bản các các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với những nội dung của dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn nữa về trách nhiệm giải trình của người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm theo hướng cụ thể hóa các chỉ tiêu, nội dung giải trình, báo cáo liên quan đến phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cần được tiến hành hết sức thận trọng, chặt chẽ vì nó liên quan mật thiết đến sinh mạng chính trị của cán bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị: Nghị quyết hướng dẫn cần quy định cụ thể thời hạn xác minh những vấn đề liên quan đến người được lấy, bỏ phiếu tín nhiệm; làm rõ cách thức xác định chức vụ cao nhất của những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Nghị quyết cần được xây dựng theo hướng tạo tâm lý yên tâm, ổn định cho những người được lấy phiếu tín nhiệm, tránh gây căng thẳng không cần thiết, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu quan điểm.
Cho ý kiến về mẫu phiếu bầu trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị lựa chọn theo mẫu phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp như trong phương án hai của dự thảo Nghị quyết. Theo phương án này, phiếu tín nhiệm sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm gồm các phiếu riêng cho từng chức vụ hay nhóm chức vụ tương ứng với thứ tự Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân. Trên từng phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn của người hoặc những người được lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp."
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào Nghị quyết những hướng dẫn về cách thức thảo luận ở Tổ, Đoàn; việc phối hợp với cơ quan tổ chức, cán bộ trong trường hợp từ chức, thay thế cán bộ vì kết quả tín nhiệm thấp.
Cho ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, rà soát, hướng dẫn đầy đủ các nội dung trong Nghị quyết 35 một cách chi tiết tương tự như quy chế bầu cử. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ban soạn thảo cần chú ý quy định chi tiết về quy trình hướng dẫn từ chức; thay thế cán bộ trong trường hợp tín nhiệm thấp. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết với việc lựa chọn mẫu phiếu bầu, quy định tính hợp lệ của phiếu hợp lý, chặt chẽ, không để xảy ra trường hợp rủi ro trong quá trình bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm.
Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thành lập Thanh tra Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, đổi tên Vụ Quan hệ quốc tế thành Vụ Hợp tác quốc tế và việc bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2013-2015 cho các dự án trụ sở làm việc của Kiểm toán Nhà nước.
(Theo TTXVN)