Sáng ngày 19-6, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác với 91,10% đại biểu bấm nút tán thành.
Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục tiêu chính sách là đảm bảo việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đúng đối tượng doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ngoài ra còn góp phần thực hiện mục tiêu về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, việc tách biệt ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh để làm cơ sở xác định đối tượng được giảm thuế có nhiều khó khăn khi các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay.
Mặt khác, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là nhằm hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi, tăng tích lũy để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị không loại trừ các doanh nghiệp vẫn có tăng trưởng ra khỏi đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết.
Với các ý kiến đề nghị mở rộng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam và đề nghị bỏ tiêu chí lao động đóng bảo hiểm để đảm bảo công bằng đối với doanh nghiệp có doanh thu thấp nhưng sử dụng nhiều lao động (hoặc chỉ áp dụng cho các đối tượng có doanh thu năm 2020 thấp hơn năm 2019), báo cáo của Thường vụ Quốc hội giải trình: Nghị quyết này hướng tới các doanh nghiệp khó khăn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, có khả năng tiếp cận vốn hạn chế, doanh thu thấp, thị trường hẹp, ít lao động nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường lao động và nền tảng quản lý, công nghệ chưa phát triển, khả năng phục hồi sau dịch khó khăn hơn.
Trong khi đó, nếu áp dụng cả 4 tiêu chí về lao động, doanh thu, vốn và có sự phân biệt theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động như quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa làm cơ sở xác định đối tượng được giảm thuế sẽ khó để triển khai hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp ngay trong năm 2020. Mặt khác, nếu lấy tiêu chí doanh thu sẽ phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đúng bản chất kinh tế, thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc kê khai thuế và công tác quản lý của cơ quan thuế.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu quốc hội đã trình bỏ tiêu chí về số lao động đóng bảo hiểm để bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế TNDN đối với doanh nghiệp có quy mô vừa trong dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, tiêu chí xác định doanh nghiệp có quy mô vừa được giảm thuế là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, tương đương với tiêu chí về doanh thu để xác định doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, do tình hình khó khăn nên nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ khó đạt doanh thu 200 tỷ đồng.
Việc thực hiện mở rộng đối tượng được giảm thuế nêu trên thì số giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 tăng từ 15.840 tỷ đồng lên khoảng 23.000 tỷ đồng so với phương án Chính phủ trình.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065