>> Cao đẳng sư phạm Bình Phước
sẽ phát triển thành đại học đa ngành từ 2015
* Xem xét phương án tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh qua địa bàn tỉnh
Sáng qua (29-10), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã chủ trì cuộc họp thông qua đề án nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước thành trường Đại học Bình Phước (ĐHBP).
Tham dự cuộc họp có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Hưng; Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Võ Đình Tuyến; Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đại diện đơn vị tư vấn đã báo cáo dự án nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước thành trường ĐHBP. Dự án nêu rõ, trường ĐHBP được quy hoạch xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật dựa trên cơ sở hiện có tại trường Cao đẳng sư phạm. Diện tích mặt bằng của trường là 18,6 ha, trong đó diện tích xây dựng là 15.468m2. Diện tích còn lại có thể xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất, nâng cấp trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Định hướng đặt tên trường là Đại học Bình Phước, trực thuộc UBND tỉnh. Dự kiến ĐHBP sẽ đào tạo 11 nhóm ngành trình độ đại học. Năm học 2015-2016, trường sẽ tuyển sinh và đào tạo 3.500 sinh viên (hệ chính quy và không chính quy); quy mô đến năm học 2019-2020 là 8.900 sinh viên.
Để đảm bảo nhu cầu giảng dạy, từ năm 2015 trường cần 195 giảng viên, hiện số giảng viên của trường Cao đẳng sư phạm có 103 người. Như vậy, để đảm bảo nhu cầu đào tạo, năm 2014 trường cần tuyển mới 92 giảng viên và đến năm 2019 số giảng viên cần bổ sung thêm so với năm 2013 là 392 người.
Ước tính đầu tư kinh phí xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị dạy học giai đoạn I (từ nay đến năm 2019) là 356,024 tỷ đồng và các khoản chi thường xuyên 583,79 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập trường đại học là rất cần thiết. Tuy nhiên đơn vị tư vấn cần cân nhắc, tính toán hết những rủi ro có thể xảy ra; đào tạo phải có cơ sở khoa học, điều tra xã hội để biết thực tế địa phương cần ngành nào, môn nào, nếu đào tạo đại trà thì khó khả thi.
* Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã chủ trì cuộc họp thông qua phương án tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh đoạn qua Bình Phước.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng đề nghị đơn vị tư vấn cần bổ sung quy hoạch chi tiết, cân nhắc kỹ lưỡng, đào tạo phải phù hợp với thực tế của địa phương, tránh trường hợp thành lập trường nhưng không có sinh viên theo học hoặc không tìm được việc làm sau khi ra trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cung cấp thông tin để các đơn vị có liên quan tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án. Đồng thời cùng trường Cao đẳng sư phạm tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị tốt lực lượng giảng viên và đến hết quý 1/2014 trình Ban Thường vụ tỉnh ủy xem xét trước khi trình lên Bộ GD-ĐT và Chính phủ.
|
Tại cuộc họp ngày 14-8-2013 giữa UBND tỉnh với Cục Đường sắt Việt Nam, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu và phân tích kinh tế, kỹ thuật của 2 phương án tuyến qua khu vực huyện Chơn Thành (các tuyến còn lại đã được thông qua). UBND tỉnh đề nghị rà soát chính xác có bao nhiêu hộ dân, công trình bị ảnh hưởng theo phương án 1 và 2. Ngày 28-8-2013, UBND huyện Chơn Thành phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Công ty cổ phần Tư vấn, thiết kế giao thông - vận tải phía Nam đã khảo sát thực địa và báo cáo tại buổi làm việc. Theo đó, phương án 1 (cách QL13 khoảng 430m về phía Tây): Tuyến cắt qua quy hoạch khu văn hóa - thể thao và trường mầm non (chưa xây dựng), cắt một phần quy hoạch khu tái định cư Gỗ Lạng (chưa xây dựng), quán karaoke Họa My ảnh hưởng 1/3 và 130 căn nhà. Phương án 2 (cách QL13 khoảng 2.300m về phía Tây): Tuyến cắt qua một phần Ban chỉ huy Quân sự huyện Chơn Thành và ảnh hưởng đến 89 căn nhà.
Đối với tác động của 2 phương án nêu trên, chủ đầu tư và tư vấn nhận thấy phương án 1 tuy ảnh hưởng hơn phương án 2 là 41 căn nhà nhưng các căn nhà này chủ yếu là cấp IV nằm trong rừng cao su có giá trị nhỏ. Mặt khác phương án 1 đã được UBND tỉnh thống nhất từ năm 1998, được công bố thông tin cho nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng nên việc giải tỏa sẽ thuận lợi hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng và các đại biểu đã thống nhất chọn phương án 1; vì theo phương án này, khi người dân đến ga sẽ gần hơn và thuận tiện cho giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, để giảm thiểu ách tắc và tai nạn giao thông, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu xây thêm cầu vượt.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065