Nâng cao chất lượng đại biểu được bầu
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật bầu cử như đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Góp ý về tiêu chuẩn, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (Hội đồng Nhân dân), nhiều ý kiến tán thành với việc nên quy định về số lượng và tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân trong Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương, sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua thời gian tới.
Luật bầu cử chỉ quy định về các điều kiện đối với người ứng cử, việc xác định số lượng đại biểu được bầu cho từng nhiệm kỳ và số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử để phù hợp hơn với phạm vi điều chỉnh của Luật.
Liên quan đến tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu, có ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa tiêu chuẩn, điều kiện đối với người ứng cử đại biểu, có sự phân biệt giữa tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội với người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân để nâng cao chất lượng của đại biểu được bầu.
Theo đó, ngoài các tiêu chuẩn chung cho đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, cần quy định thêm các điều kiện cần và đủ cho người được cơ quan, tổ chức giới thiệu làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân ở từng cấp như về độ tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác…
Dự án Luật đã bổ sung thêm vào hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân 2 loại giấy tờ là Giấy khám sức khỏe của tổ chức y tế có thẩm quyền và Phiếu lý lịch tư pháp đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Nhiều ý kiến không tán thành với việc bổ sung các giấy tờ này vì không cần thiết và không phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc bổ sung giấy khám sức khỏe, phiếu lý lịch tư pháp sẽ gây tốn kém về kinh phí, lãng phí thời gian, công sức của người ứng cử cũng như của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc hoàn thiện các giấy tờ này.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật cần rà soát lại các quy định về quyền ứng cử, bầu cử để bảo đảm các quy định này không trái các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhất là các quy định liên quan đến những trường hợp không được ứng cử, bầu cử, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, về danh sách cử tri...
Đảm bảo bình đẳng trong nguyên tắc lập danh sách cử tri
Thảo luận về nguyên tắc lập danh sách cử tri, các đại biểu cho rằng, các quy định về việc lập danh sách cử tri trong dự án Luật cơ bản kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành và đã được áp dụng trong nhiều kỳ bầu cử của các nhiệm kỳ qua.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, dự án Luật chưa đề cập đến vấn đề bình đẳng giới trong lập danh sách cử tri. Ban soạn thảo nên nghiên cứu thiết lập nguyên tắc về bình đẳng giới trong dự án Luật.
Về nội dung này, nhiều đại biểu nhận định, một số nguyên tắc về việc lập danh sách cử tri trong dự thảo Luật còn chưa cụ thể, chưa nhất quán hoặc không còn phù hợp với tình hình hiện nay, gây lúng túng trong quá trình thực hiện và ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quyền bầu cử của công dân.
Dự thảo Luật chưa quy định rõ thủ tục bổ sung tên vào danh sách cử tri đối với những trường hợp cử tri thay đổi nơi cư trú sau thời điểm niêm yết danh sách cử tri, trong khi lại quy định quá cụ thể về trường hợp công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam.
Các trường hợp công dân tham gia bỏ phiếu ở nơi không phải là nơi cư trú chưa được quy định cụ thể trong dự án Luật. Các đại biểu đề nghị thay vì chỉ quy định theo từng nhóm đối tượng, Luật cần bổ sung quy định về các điều kiện liên quan đến thời gian cư trú để xác định quyền tham gia bầu cử của cử tri đối với từng cấp chính quyền.
Về việc thực hiện quyền bầu cử của công dân Việt Nam ở nước ngoài, nhiều ý kiến nhất trí với Tờ trình về việc chưa thể tổ chức để công dân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện quyền bầu cử ở nước ngoài vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do các điều kiện về mặt kỹ thuật chưa thể bảo đảm thuận tiện cho công tác đăng ký công dân, xác định đơn vị bầu cử, tổ chức chuyển phiếu bầu cử và bỏ phiếu đồng thời với cuộc bầu cử ở trong nước…
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề cần được tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để sớm có cơ chế thích hợp nhằm bảo đảm quyền bầu cử của một bộ phận công dân đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân và tăng cường mối liên hệ gắn bó với quê hương, đất nước.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về Hội đồng bầu cử quốc gia; các bước hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử; về tuyên truyền, vận động bầu cử; quy trình chuẩn bị bầu cử…
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065