BPO - Sau kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức cho các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Tại các buổi tiếp xúc này, cử tri đã kiến nghị nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương và đã được đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp gửi về ban Dân nguyện của Quốc hội. Sau đó, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã ban hành Văn bản số 03/BDN gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về ý kiến kiến nghị của cử tri Bình Phước. Nội dung kiến nghị như sau:
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên một số cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các mặt hàng sản xuất, kinh doanh bị giảm sút do thị trường tiêu thụ giảm và xuất khẩu, nhập khẩu bị đình trệ. Hiện nay, các cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sớm xem xét hỗ trợ vốn cũng như giảm lãi suất cho vay để các cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm điều kiện để ổn định, khôi phục sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô tương đối lớn…
Trả lời kiến nghị của cử tri Bình Phước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng vừa ký ban hành Văn bản số 6243/NHNN-VP, với nội dung như sau: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai đồng bộ các giải pháp tổng thể về tín dụng và dịch vụ ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vượt qua ảnh hưởng của đại dịch, cụ thể:
Chủ động ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các TCTD, yêu cầu TCTD rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với khách hàng để xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khách hàng.
Điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô tương đối lớn nhằm ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, kịp thời hỗ trợ vốn có chi phí hợp lý cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Với tổng mức giảm khoảng 1,0-1,5%/năm các mức lãi suất điều hành; đồng thời giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện là 5%/năm). Trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành tương đối lớn so với các nước trong khu vực.
Chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng khi áp dụng các giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các TCTD đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng nhằm đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Khẩn trương triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19: Thực hiện cho vay tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng từ NHNN để NHCSXH có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Phối hợp với các địa phương tổ chức 15 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Từ đó, nắm bắt tình hình thực hiện các giải pháp của ngành ngân hàng để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, đồng thời đẩy mạnh gắn kết giữa ngành ngân hàng với các sở, ngành địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn. Khuyến khích các TCTD triển khai chương trình tín dụng lãi suất thấp từ rất sớm theo phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng, trên cơ sở tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm lương, thưởng.
…Và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Hiện nay, trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong 03 tháng thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, NHNN đang hoàn thiện để sớm ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tác động đến kinh tế vĩ mô, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống các TCTD theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đến 27-07-2020, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ: đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 265.358 khách hàng với dư nợ 261.671 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 446.315 khách hàng với dư nợ 1.218.326 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1 đến nay đạt 1.281.941 tỷ đồng cho 267.294 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5%/ năm so với trước dịch. Riêng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 154.635 khách hàng với dư nợ 3.895 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng với dư nợ 1.567 tỷ đồng, cho vay mới đối với 1.270.172 khách hàng với dư nợ 47.143 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp điều hành tín dụng, lãi suất, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về vốn cho người dân, doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong điều kiện hoạt động của nhiều DNNVV chưa thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn của TCTD, thì bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, các bộ, ngành, địa phương cần: có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy vai trò hỗ trợ DNNVV dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường các giải pháp hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065