BPO - Dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-2014), tôi trở lại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đi trên đại lộ Võ Nguyên Giáp (trước năm 2014 gọi là Đường 7/5), ngắm nhìn những tòa nhà cao tầng khang trang hai bên đường và hòa vào nhịp sống huyên náo, nhộn nhịp của người dân thành phố trẻ đang chuyển mình sôi động, tôi không nghĩ rằng, cách nay tròn một “hoa niên”, tại mảnh đất này là nơi diễn ra cuộc “đụng đầu lịch sử” giữa một đội quân mới có 10 tuổi quân ở một nước thuộc địa nhỏ bé với một đội quân phương Tây nhà nghề lâu năm, thiện chiến thuộc diện nhất nhì thế giới lúc bấy giờ. Qua lời bộc bạch của bác Phạm Bá Miều, 84 tuổi, cư trú ở phố 17, phường Tân Thanh (TP Điện Biên Phủ), nguyên là tiểu đội trưởng tham gia đánh trận đồi A1 năm xưa: “Mỗi tấc đấc ở lòng chảo Điện Biên là một tấc máu đào của bộ đội ta đổ xuống”, tôi càng thấm thía hơn rằng, nhờ những “tấc máu đào” của ông cha năm xưa thấm vào, cho mảnh đất Điện Biên hôm nay nở hoa tươi, khoe sắc thắm".
Đối với mỗi con dân đất Việt, Điện Biên Phủ là cái tên thân thương mà mỗi khi nhắc tới, trong dòng huyết quản ai ai cũng muốn “tung tăng nhảy múa” bởi niềm tự hào Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lan xa, tỏa rộng khắp năm châu bốn biển suốt mấy chục năm qua. Tôi không nghĩ đó là một “phép thắng lợi tinh thần” theo “chủ nghĩa AQ”, mà sự thật, khi gặp gỡ, trò chuyện với du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Pháp khi lên tham quan di tích chiến trường Điện Biên Phủ, tôi càng cảm nhận rõ ánh hào quang của chiến thắng hiển hách này đến nay vẫn luôn có sức lôi cuốn hấp dẫn đối với họ.
Đoàn du khách Pháp tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ |
Khi đang tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi gặp đoàn khách 9 người tầm năm sáu chục tuổi đến từ nước Pháp. Tận mắt xem những hiện vật, hình ảnh liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ và qua lời phiên dịch, các du khách Pháp gật đầu lia lịa thán phục tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm của bộ đội Việt Nam trong trận chiến lịch sử này. Tại bảo tàng, các du khách Pháp đứng khá lâu trước bức tượng tái hiện khoảnh khắc chiến sĩ Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng cho đồng đội bắn quân thù, một du khách tỏ ra rất ngạc nhiên, hỏi người phiên dịch: “Ngày xưa bộ đội Việt Nam không có chỗ dựa để bắn súng à? Vì sao họ lại cho người khác đặt chân súng trực tiếp lên vai mình để tập bắn như vậy?”. Mỉm cười trước câu hỏi “hồn nhiên” của vị du khách Pháp, người phiên dịch trả lời nhã nhặn: “Thưa các ngài, đây không phải là tập bắn mà là một hành động dũng cảm của một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong tình thế chiến đấu hết sức ác liệt, khẩn trương, chiến sĩ Bế Văn Đàn dù đã bị thương nhưng vẫn cầm hai chân súng trung liên đặt lên vai mình cho đồng đội có điểm tựa vững chắc để bắn quân thù”.
Một du khách khác hỏi tiếp: “Hiện nay người chiến sĩ này còn sống không?”. Người phiên dịch đáp: “Không, thưa các ngài. Người chiến sĩ quả cảm ấy đã anh dũng hy sinh tại chỗ trong khi hai tay còn ghì chặt chân súng trên vai mình”.
Nghe vậy, vị du khách đặt câu hỏi đầu tiên liền thốt lên: “Ồ, bộ đội Việt Nam chiến đấu phi thường như vậy thì binh lính Pháp ngày xưa thua trận ở đây cũng dễ hiểu thôi!”.
Tôi để ý, trong gần một giờ tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn du khách Pháp rất chăm chú khi xem những hình ảnh, hiện vật thô sô, mộc mạc gắn liền với cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đặc biệt, họ rất thú vị, cảm phục khi trực tiếp nhìn và nghe những câu chuyện về chiếc xe đạp thồ của dân công Việt Nam chuyển tải lương thực từ miền xuôi lên phục vụ bộ đội đánh giặc ở Điện Biên Phủ.
Tôi hỏi một vị trong đoàn du khách Pháp: “Bà có cảm nhận gì sau khi tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ?”, bà Sắc-cơ-li En-xơ-mô cho biết: “Trước khi đến bảo tàng này, chúng tôi đã đi tham quan một số di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Chuyến đi này đã giúp chúng tôi hiểu thêm một phần đau thương từng xảy ra đối với nước Pháp, nhưng cũng là để bày tỏ sự khâm phục dân tộc các bạn đã rất anh dũng trong chiến đấu, biết quý trọng hòa bình và đang tự mình đứng lên, xây dựng và phát triển đất nước sau một cuộc chiến không đáng có”. Im lặng giây lát, bà Sắc-cơ-li để bàn tay phải lên ngực trái, chia sẻ niềm xúc động chân thành: “Tôi cầu mong cho linh hồn những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ mãi mãi được yên lành!”.
Khi đoàn du khách Pháp ra về, trò chuyện với tôi, ông Vũ Nam Hải, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết: Không chỉ có đoàn khách này đâu, mà rất nhiều đoàn du khách từ nước Pháp đến Việt Nam tham quan di tích chiến trường Điện Biên Phủ đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Chiến thắng Điện Biên Phủ của quân, dân ta. Ông Hải kể lại rằng, vào giữa những năm 1990, khi dẫn một đoàn du khách Pháp đến thăm di tích chiến trường Điện Biên Phủ, ông gặp một cựu quân nhân Pháp từng là lính chiến bị bắt làm tù binh ở mặt trận Điện Biên Phủ. Sau khi tham quan Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1, cựu quân nhân ấy đã nói với ông Hải: “Các bạn phải cố giữ cho bằng được di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Nếu không giữ được những dấu tích chiến sự từng diễn ra ở nơi này, các bạn không chỉ có tội với con cháu Việt Nam, mà có lỗi với cả con cháu của thế giới!”.
Viết đến đây, tôi lại nhớ về một sự kiện cách nay đã 22 năm. Đầu năm 1993, Tổng thống đương nhiệm nước Cộng hòa Pháp lúc đó là Phrăng-xoa Mít-tơ-răng thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, đã lên thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Đứng chân trên mảnh đất chiến trường xưa, ông tỏ ý “lấy làm tiếc” khi người Pháp đã từng xâm chiếm Việt Nam và muốn biến lòng chảo Điện Biên thành “cối xay thịt quân cộng sản Việt Minh”. Dùng từ “lấy làm tiếc”, người đứng đầu Chính phủ Pháp muốn ngầm ý bày tỏ lời xin lỗi trước Chính phủ và nhân dân Việt Nam về hành động xâm lược của thực dân Pháp cách đó gần bốn thập niên. Dù muộn màng, nhưng lời nói của Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Mít-tơ-răng đã thể hiện cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Ông Vũ Nam Hải chia sẻ thêm với tôi: Khi đến thăm di tích chiến trường Điện Biên Phủ, hầu hết các du khách Pháp đều có chung một suy nghĩ rất nhân văn: Đánh giá cao ý nghĩa, tầm vóc vượt biên giới quốc gia của Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam và mong muốn người Việt lưu giữ mãi những di tích ở chiến trường này để tất cả du khách năm châu bốn biển đến đây sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về nỗi đau, sự mất mát mà cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây bao thảm họa cho con người, và cũng thêm một lần thấu hiểu hơn về giá trị của hòa bình, công lý và chính nghĩa của nhân loại tiến bộ.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065