MỎI MÒN CHỜ ĐIỆN
Trời nhá nhem tối, mấy đứa nhỏ nhà chị Hà Thị Thủy (dân tộc Thái) khóc inh ỏi đòi mẹ. Vợ chồng chị Thủy bận đi làm rẫy cả ngày, tối về không kịp xạc bình ắc-quy, lại hết dầu thắp nên mọi sinh hoạt của gia đình phải mò mẫm trong bóng tối. Chị Thủy nói: “Muốn xạc bình ắc-quy phải đi 5km. Nhiều hôm vợ chồng cãi nhau, con cái quấy khóc cũng vì không có điện. Không chỉ nhà tôi mà nhiều hộ trong thôn đã chuyển bếp ra ngoài vườn nấu cho thoáng mát. Hằng năm, khi có các đoàn về khảo sát đường điện, bà con trong thôn đều hy vọng điện sẽ về. Lúc ấy, tôi lại mua thêm vật dụng đồ điện, chờ có điện sẽ sử dụng. Các vật dụng trong nhà như tivi, đầu đĩa, nồi cơm điện mua về để lâu hầu hết đều hư hỏng, bụi bám thành lớp, hoen rỉ”.
Nhiều vật dụng trong nhà được chị Thủy mua chờ có điện để sử dụng, nhưng đã hư hỏng, trở thành đồ chơi cho con
Không có điện nên việc học hành của trẻ em trong thôn cũng bị ảnh hưởng. Nhiều em ban ngày theo cha mẹ đi chẻ, lượm điều thuê, tối về ngủ sớm dẫn đến số học sinh lưu ban, bỏ học giữa chừng trong thôn hằng năm khoảng 20 em. Đơn cử như em Thị Ngân, mặc dù 6 năm liền là học sinh khá, giỏi nhưng năm nay em phải bỏ ngang việc học ở nhà phụ ba mẹ. Kinh tế gia đình khó khăn, đông anh em nên một buổi đi học, buổi đi chẻ hạt điều, tối lại không có điện học bài nên Thị Ngân chán nản.
“Thôn 6 hiện còn 130 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo, 61 hộ ở nhà tạm, 49 hộ không đất sản xuất trên tổng số 242 hộ toàn thôn. Hằng tháng, mỗi hộ được hỗ trợ 30 ngàn đồng tiền dầu. 22 hộ được cấp radio nhưng đa số không dùng tới vì không có điện. Muốn thông báo cho người dân đi họp phải tranh thủ lúc giữa trưa hoặc chiều tối khi họ đi làm rẫy về. Mặc dù được hỗ trợ 2 cụm loa truyền thanh nhưng không có điện nên loa cũng chẳng phát huy tác dụng. Chuẩn bị tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, việc tuyên truyền, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú gặp nhiều khó khăn vì người dân ban ngày đi làm, tối về ngủ sớm, muốn vận động, tuyên truyền phải đi lại rất nhiều lần nhưng kết quả không được như ý muốn”- anh Vương Ngọc Bửu Sơn, Phó thôn 6 nói.
Để có điện chiếu sáng tạm thời, một số hộ đã lợi dụng sức nước của các con suối lắp tua-bin phát điện. Nhưng vào mùa nắng nóng như hiện nay, các con suối cạn trơ đáy thì dùng bình ắc-quy, đèn dầu vẫn là giải pháp tối ưu.
CHỜ DỰ ÁN ĐẾN BAO GIỜ?
Năm 2008, từ nguồn vốn Chương trình 135 xã đã kéo được 1,7km điện từ đầu thôn 6 đến nhà văn hóa thôn. Từ đó đến nay mới chỉ có 95 hộ trên tuyến đường này được hưởng lợi từ đường dây kéo hạ thế vào nhà, 147 hộ ở các tổ còn lại vẫn chưa có điện. Mới đây, một số hộ ở tổ 4 tự đóng góp được 135 triệu đồng kéo nhờ điện từ thôn 2 về dùng. May mắn hơn nhiều hộ, gia đình ông Điểu Men kéo nhờ đường điện từ nhà văn hóa về dùng. Có điện, gia đình ông mua tivi, máy bơm nước nhưng vì đường dây kéo xa, lại chia sẻ với 9 hộ khác nên điện rất yếu, muốn bơm được nước phải dậy từ 1 giờ sáng.
Vì chưa có điện nên việc tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của xã không thể thực hiện. Do vậy, ông Phó trưởng thôn 6 Vương Ngọc Bửu Sơn (bìa phải) phải đến tận nhà dân
Ngày 12-12-2013, Bộ Công thương đã có Văn bản số 11453/BCT-TCNL về việc thỏa thuận dự án đầu tư “Cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020”. Phạm vi thực hiện dự án cấp điện gồm 588 thôn, ấp thuộc 85 xã trong 7 huyện của tỉnh Bình Phước. Dự án đã tiếp thêm niềm hy vọng cho người dân vùng sâu, xa như thôn 6. Mục tiêu của dự án sau khi kết thúc, 100% thôn, ấp đều có điện, hộ sử dụng điện nông thôn đạt trên 98%. Dự án được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2013-2015, ưu tiên đầu tư cho các thôn, ấp thuộc xã nghèo vùng giáp Tây Nguyên. Giai đoạn 2 từ năm 2016-2020, cấp điện cho các thôn, ấp còn lại chưa có điện với quy mô đầu tư gồm: 446,92km đường dây trung áp, 832,8km đường dây hạ áp... Tuy nhiên, đối với các thôn, ấp có mức đầu tư quá cao, hoặc khó có thể cấp điện bằng lưới điện quốc gia sẽ được xem xét trong dự án cấp điện bằng năng lượng tái tạo theo quy định. Tiến độ cụ thể để thực hiện đầu tư sẽ được điều chỉnh tùy thuộc khả năng cấp vốn ngân sách trung ương và ODA hoặc đặc thù nguồn cấp vốn để thực hiện dự án.
Cả thôn 6 hiện có khoảng 100 hộ có giếng đào. Nắng nóng kéo dài, hiện nay tất cả giếng đã cạn trơ đáy. Người dân đang mong mỏi nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ để thôn đặc biệt khó khăn của xã Long Tân có điện, nước sử dụng. |
Ông Nguyễn Hữu Chúc, Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết: Mặc dù hằng năm đều có các đoàn về khảo sát nhưng ngành điện trả lời vẫn chưa thể kéo điện cho thôn 6 do dân cư thưa thớt và cần vốn lớn. Mọi hy vọng đều trông chờ vào dự án đầu tư “Cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020”. Dự kiến trong năm 2016, dự án sẽ hỗ trợ kéo 2km đường điện từ tổ 2 đến tổ 3 của thôn 6. Bên cạnh đó, số tiền 180 triệu đồng hỗ trợ mua vật tư nông nghiệp hằng năm dành cho thôn đặc biệt khó khăn sẽ không cấp cho người dân như mọi năm mà để kéo điện. Các tổ còn lại sẽ phải chờ đến năm 2020 dự án mới tiếp tục triển khai.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065