>> Họp mặt nữ cựu chiến binh lực lượng pháo binh, đội thồ, tải
BP - Đúng dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10, một cuộc hội ngộ ý nghĩa được Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức: Những nữ cựu pháo binh và người làm nhiệm vụ thồ tải của Bình Phước sum họp bên nhau trong chương trình họp mặt nữ pháo binh - đội thồ tải Bình Long, Phước Long và Khu 10. Trong cuộc chiến đầy gian lao và ác liệt, phụ nữ Việt Nam đảm nhận nhiều công việc khác nhau nhưng quả cảm và gan dạ nhất không thể không nhắc đến nữ pháo binh và đội thồ tải làm nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn, mang quân trang, quân dụng ra chiến trường...
Chiến công ngang tầm dũng sĩ
Với truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, phụ nữ Bình Phước tự hào là lực lượng xung kích, là đội quân tóc dài trên mọi mặt trận đấu tranh. Không chỉ chiến đấu bảo vệ hậu phương mà còn dũng cảm xông pha nơi tiền tuyến, luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm, có những đóng góp xuất sắc trong các binh chủng của lực lượng vũ trang. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những nữ pháo thủ chân yếu tay mềm đã lập nên thành tích vang dội, bắn rơi nhiều máy bay, xe tăng, đầu xe lửa, bắt sống tù binh... Các nữ pháo binh mưu trí, gan dạ đã góp phần làm nên những chiến công xuất sắc bằng các quả pháo trúng mục tiêu, góp phần chia lửa cho tiền tuyến.
Những nữ cựu pháo binh của Bình Phước tham gia giao lưu “Mẹ - một thời hoa lửa” - Ảnh: Thanh Nga
Tại chiến trường Bình Long, Phước Long và Khu 10, nay thuộc Bình Phước, hàng ngàn phụ nữ đã tham gia vào các đơn vị phục vụ chiến đấu. Họ phải gánh chịu nhiều gian khổ và ác liệt: sốt rét, bệnh tật, lạt muối, đói cơm, thiếu thuốc chữa bệnh... Mỹ - ngụy đã dùng mọi thủ đoạn tìm dấu vết của các bà, các mẹ để đánh bom, gài mìn, tập kích, phục kích đánh vào căn cứ làm tiêu hao lực lượng, rải chất độc nhằm hủy diệt cây cối, độc hại nguồn nước... Căn cứ phải di dời liên tục. Chị em tham gia vào các đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị hậu cần trực tiếp chiến đấu và hằng ngày phải đối mặt với gian khổ, ác liệt, cái chết luôn cận kề. Các dì, các cô đã vượt qua tất cả. Chiến công họ để lại đã được đưa vào những trang vàng của lịch sử địa phương.
Tiêu biểu là Trung đội Nữ pháo binh Bình Long, thuộc Tiểu đoàn 368, với chiến công đánh vào căn cứ quân sự Tex Nis. Đó là trận đánh bom của phản lực Mỹ vào đội hình đội thồ tại cầu Sông Măng. Đó còn là những chuyến cáng thương, tải đạn bị địch đánh và chạy lạc đơn vị 3 tháng trong cuộc càn Đông Dương trên đất Campuchia của đội thồ Bình Long... Nổi bật trong số đó là Trung đội Pháo binh B11 (Khu 10) đã chiến đấu nhiều trận ác liệt và giành thắng lợi như trận pháo kích vào các Chi khu Phước Long, Gia Nghĩa... bị địch phản kích. Nhiều đồng chí đã anh dũng ngã xuống, không ít người bị thương.
Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (tức Ba Cung), nguyên Chính ủy K50 tiền phương Khu 10, vẫn còn lưu những vần thơ hào hùng về các cô gái pháo binh quả cảm ngày xưa:
Chị em mười bảy, đôi mươi
Trải qua thử thách nhiều năm chiến trường
Đói cơm, lạt muối xem thường
Ngô khoai, lá bép, rau rừng thay cơm
Nắng mưa dầu dãi sớm hôm
Sốt rừng nóng lạnh từng cơn đã tường
Tiếng là đội nữ pháo binh
Nhưng trang bị cối của mình 82...
Và những hy sinh thầm lặng
Họ là những nữ cựu pháo binh quả cảm, các cô gái thồ tải kiên trung đã cùng pháo kích công đồn, chặn đường tiếp vận của địch, mở đường yểm trợ cho bộ binh tấn công vào chi khu quân sự, đồn bót địch. Những cô gái đội thồ với thân hình mảnh mai, nhỏ nhắn mà vác trên vai bàn đế, nòng pháo nặng 40-50kg, chân pháo không nặng bằng nhưng cồng kềnh, vướng víu, băng rừng, lội suối, mưa rừng muỗi vắt lần mò trong đêm tối. Các chị “Ngày đêm chiến đấu là thường, khiêng thương tải đạn khó khăn chẳng nề”. Không kém phần gian lao là nữ đội thồ Bình Long, đội tải Phước Long và nhiều đội nữ khác, với chiếc xe thồ nặng hơn trọng lượng cơ thể gấp 5 lần, vượt qua những chặng đường lầy lội, cầu treo lắt lẻo, lần mò trong đêm tối, mưa rừng để chuyển hàng đến với tiền tuyến, kịp thời chia lửa với bộ binh, pháo binh ta đánh giặc.
Bà Dương Thị Tuyết, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh tỉnh Bình Phước kể lại: “Đội thồ chúng tôi được thành lập, tải lương thực, đạn pháo ra chiến trường; tải thương binh về tuyến sau. Nếu không có vũ khí, làm sao các chị có thể tác chiến? Khi thồ đạn cho pháo binh, có nhiều cung đường không thể thồ bằng xe đạp mà phải cõng đạn pháo trên lưng. Tấm lưng con gái nhỏ nhắn, khi thồ đạn pháo bị xây xát rất đau đớn. Chúng tôi cùng ra trận, đối mặt với bom đạn, đói khát, những trận càn của địch, máy bay quần thảo trên đầu, nhưng thà hy sinh chứ quyết không thể mất vũ khí, không để thương binh bị thương lần thứ 2”.
Ở chiến trường sự gian khổ, ác liệt, cái chết luôn cận kề nên ai cũng phải trải qua những gian lao, vất vả. Nhưng so với nam giới thì nữ pháo binh, nữ thồ tải còn khó khăn hơn gấp bội! Bà Phạm Thị Men, nguyên Trung đội trưởng Pháo binh B11 chia sẻ: “Khổ nhất là mùa mưa. Quần áo không khô, ban đêm phải đốt lửa để hong, sáng ra mới có đồ mặc. Nhưng trên đường đi gặp mưa gió, chúng tôi phải chịu ướt, lạnh để tấm ni-lon che hàng hóa, súng đạn và che cho thương binh. Có khi một ngày bộ quần áo khô - ướt không biết bao nhiêu lần. Đa phần chị em mắc bệnh da liễu, sốt rét...”.
Khó có thể kể hết những chiến công, hy sinh, mất mát của nữ cựu pháo binh, các cô gái thồ tải kiên trung, bất khuất. Công sức của họ đã góp phần cùng quân và dân Bình Long, Phước Long làm nên chiến thắng lẫy lừng của cuộc tổng tấn công mùa xuân 1968, mùa hè đỏ lửa 1972; và cuộc tổng tấn công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tham gia chương trình họp mặt nữ pháo binh - đội thồ tải Bình Long, Phước Long và Khu 10, các nữ kháng chiến tay bắt, mặt mừng, cùng ôn lại kỷ niệm đẹp của “một thời hoa lửa”. Song họ cũng bùi ngùi xúc động khi nhớ về những đồng đội đã nằm xuống ở chiến trường như các bà Phi, Huệ, Minh, Kiểm. Nhiều người còn để lại một phần xương máu ở chiến trường xưa mà ngày nay những vết thương còn đang nhức nhối. Để cho hôm nay, con cháu của họ được sống trong thanh bình và hạnh phúc. Với riêng họ, những nữ pháo binh - đội thồ tải sẽ mãi giữ cho mình niềm lạc quan yêu đời, sống mãi với ký ức “một thời hoa lửa”!
Hưng Cát
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065