Liên quan đến các vụ tàu Trung Quốc liên tục tấn công, ngăn cản, uy hiếp tàu cá và ngư dân Việt Nam thời gian gần đây, PV TN vừa có cuộc phỏng vấn thiếu tướng hải quân Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội biển TP.HCM.
* Vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt Nam. Thế nhưng trong thời gian gần đây, đặc biệt là những ngày cuối tháng 5 vừa qua, tàu Trung Quốc liên tục tấn công, ngăn cản, uy hiếp tàu cá và ngư dân Việt Nam. Theo ông, phải chăng thực trạng này đã đến mức báo động?
- Thiếu tướng Lê Kế Lâm: Thật ra tôi nghĩ cũng chưa đến mức báo động đâu. Nhưng, rõ ràng có thể thấy càng ngày họ càng thể hiện họ có sức mạnh trên biển và họ muốn chứng minh khu vực biển Đông với 80% diện tích trong “đường lưỡi bò” phi pháp là của họ. Ai vào đó thì họ xem như là vi phạm và họ dùng sức mạnh để uy hiếp.
* Nhiều lần tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc có trang bị vũ khí tấn công dồn dập. Chẳng hạn, mới đây tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trên đường trở về đất liền bị tàu Trung Quốc vô cớ cản đường, tấn công; hay vụ tàu cá Quảng Bình bị tàu Trung Quốc bắt khi đang đánh bắt ở cách Đà Nẵng chỉ khoảng 120 hải lý, đoạn ở giữa thành phố này và quần đảo Hoàng Sa. Dường như sự hung hăng của Trung Quốc càng ngày càng tăng lên?
- Cái này thì cần phải theo dõi, cũng có thể là nó đang tăng lên. Như nói về việc Trung Quốc trang bị vũ khí cho tàu cá của ngư dân nước họ. Bên ngoài thì họ tuyên bố là ngư dân bình thường, không có vũ trang nhưng thực chất bên trong những tàu cá đó đều có vũ trang. Chẳng qua là vì không ai khám xét được, nhưng qua cách làm của họ thì có thể khẳng định 90% là có.
|
Họ đã từng tuyên bố, kêu gọi trang bị vũ khí cho hàng vạn tàu cá Trung Quốc để tranh chấp trên biển. Họ đã tuyên bố thì có thể họ sẽ làm và làm càng ngày càng lấn tới.
Căn cứ luật Biển Việt Nam cũng như Công ước LHQ về luật Biển quốc tế 1982, thì khu vực tàu cá Quảng Bình bị tấn công thuộc hoàn toàn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mà ngay cả đối với các vùng chồng lấn, có tranh chấp thì cũng phải dùng luật pháp quốc tế để xử sự với nhau chứ không thể dùng uy quyền, sức mạnh của kẻ mạnh hơn, lớn hơn để uy hiếp người yếu hơn.
* Vậy thiếu tướng đánh giá thế nào về cách mà Trung Quốc đã hành xử?
- Tất nhiên là phi đạo lý và hoàn toàn phi đạo lý, cả với luật pháp quốc tế và cả với luật dân sự của hai nước. Tôi nghĩ việc làm này không phải tất cả người Trung Quốc đều tán thành. Những người thực thi ở đó có lúc quá hung hăng, quá ngang ngược cho nên họ bất chấp. Riêng hành động họ bắt ngư dân Việt Nam đã hoàn toàn sai trái rồi, cần phải lên án.
Ở đây tôi có suy nghĩ như thế này, hơi xa một tí, đó là lãnh đạo mới của Trung Quốc bây giờ hành động có thể khác.
Ngày xưa họ nêu lên chuyện “phú lân”, “hòa lân” rồi họ dùng những câu để vừa đe dọa vừa mua chuộc lân bang như “nước xa không cứu được lửa gần”.
Gần đây tôi thấy rằng lãnh đạo Trung Quốc đang sử dụng phương sách “viễn giao cận công”, giao hảo với những nước lớn ở xa nhưng với những nước ở gần thì họ gây sức ép, sức ép với Việt Nam, sức ép với Philippines và sức ép cả với Nhật Bản.
Từ chỗ chính trị như vậy thì hành xử trên đường lối, trên ngoại giao, hành xử cả trên thực tế của họ càng thể hiện rõ. Và ở đâu thể hiện được uy quyền của họ, sức mạnh của họ thì họ thể hiện, đặc biệt là trên biển Đông.
Với Việt Nam mình thì họ đã chiếm Hoàng Sa từ năm 1956 và sau đó chiếm trọn vào năm 1974. Hoàng Sa là của Việt Nam, cả về lịch sử, về truyền thống quản lý. Nhưng bây giờ Trung Quốc bảo Hoàng Sa là của họ, bất khả bàn cãi, vì họ nắm hết tất cả rồi và họ có sức mạnh.
Trung Quốc cũng biết rằng Việt Nam chưa thể dùng vũ lực để thu hồi Hoàng Sa được. Vậy thì họ củng cố để ngang ngược khẳng định là họ có chủ quyền. Như thế là càng ngày họ càng lấn lướt, càng thể hiện sức mạnh của họ.
* Trung Quốc càng lúc càng lấn tới như thế. Số ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc uy hiếp ngày càng nhiều, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Thiếu tướng đánh giá thế nào về cách giải quyết của Việt Nam? Chúng ta đã phản ứng “đủ liều” hay chưa?
|
- Cách giải quyết của Việt Nam, tôi nghĩ rằng vừa qua Nhà nước mình có những bước đi như vậy thì cũng tương đối phù hợp. Vì mình muốn giữ lấy cái hòa hảo chung trong khu vực Đông Nam Á, làm thế nào để nội bộ Đông Nam Á đoàn kết với nhau, đồng thời với Trung Quốc và các nước khác cũng cần có sự ổn định, hòa bình để cùng nhau phát triển. Đó là đường lối chung và cách giải quyết như vậy là đúng đắn.
Còn đi vào cụ thể thì có những lúc chúng ta hơi chậm, mà cũng chưa rõ ràng, chưa đủ liều. Có những sai phạm của họ thì ông Lương Thanh Nghị (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - PV) trao công hàm phản đối, nhưng rồi ông Hồng Lỗi (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - PV) tuyên bố rằng việc làm đó là đúng và chính đáng, sau khi công luận kịch liệt phản đối thì họ (Trung Quốc - PV) im lặng. Nhưng lần này thì họ phủ nhận hoàn toàn, cho rằng đây là chuyện Việt Nam vu cáo, và đề nghị Việt Nam nên dạy cho ngư dân Việt Nam cách xử sự, tiếp xúc trên biển.
Tôi nghĩ rằng lời nói này là lời nói trịch thượng của một ông quan thiên triều ngày xưa, kiểu như ra lệnh ngược lại. Cái đó hoàn toàn không được.
Tôi nghĩ khi ông Hồng Lỗi nói như vậy thì ta phải có chứng cứ rõ ràng, chứng cứ đưa lên như hình ảnh, nhân chứng cụ thể… Anh đâm tôi ngày nào, ở vị trí nào, tàu nào đâm?… Phải làm như thế để phản bác lại tuyên bố của Trung Quốc là ngụy biện.
Chúng ta phải có bằng chứng thuyết phục. Điều đáng tiếc là hiện chúng ta chưa có những bước làm tiếp theo này, cho nên khi sự việc xảy ra, chúng ta lên tiếng, đưa công hàm phản đối xong rồi thì họ phản bác lại, rồi cũng chìm vào quên lãng. Thế thì đúng là chúng ta làm chưa đủ đô, chưa chặt chẽ.
* Chúng ta phải làm như thế nào cho “đủ đô”, cho chặt chẽ để phía Trung Quốc không lật ngược được tình thế sau những vụ việc ngang ngược tương tự như họ vừa gây ra đối với ngư dân Việt Nam?
- Tôi nghĩ bản thân ngư dân cũng phải được trang bị kiến thức về luật biển quốc tế, luật Biển Việt Nam, rồi cả kiến thức về đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải.
Bên cạnh đó, phải trang bị cho ngư dân đầy đủ phương tiện về thông tin liên lạc để khi có sự việc như vậy, thì họ báo về liền.
Và tốt hơn nữa thì phải trang bị cho ngư dân, tối thiểu là máy chụp ảnh và quay phim, dạy cho họ cách sử dụng để trong quá trình tàu Trung Quốc tấn công, chuẩn bị đâm thì mình quay lại để làm bằng chứng; đồng thời hướng dẫn họ phải biết cách bảo vệ được tư liệu, chứ quay được rồi nhưng bị Trung Quốc nó lấy mất thì cũng vô ích.
Sau đó đưa những hình ảnh đó về cho cơ quan chức năng để đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho ngư dân, đồng thời vạch rõ sai trái của phía Trung Quốc.
|
* Kiến nghị của thiếu tướng là như thế, nhưng thực tế hiện nay đó đang là những điểm yếu của ngư dân chúng ta. Vậy theo ông, cơ quan nào sẽ là đầu mối để sớm khắc phục những yếu điểm này?
- Trước hết phải là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rồi các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, các phòng thủy sản trực thuộc phải quan tâm, giải quyết vấn đề này. Còn về vấn đề đầu tư thì Nhà nước phải có hỗ trợ.
Tôi nghĩ rằng cũng nên vận động xã hội hóa vấn đề này. Bây giờ điện thoại cầm tay nếu tương đối tốt thì cũng có thể chụp, quay được.
Vấn đề này phải giải quyết một cách kiên trì, lâu dài và thật sự nghĩ đến ngư dân, không phải làm theo kiểu cho có.
Chúng ta biết rõ rằng tàu Trung Quốc luôn luôn có vũ trang, nhưng mà không vì thế mà chúng ta cứ lo sợ, vì họ không phải ngang ngược là mới một tí đã đưa súng ra để bắn. Gây nên án mạng là lớn chuyện rồi. Họ không dại gì mà làm như thế.
Tất nhiên việc họ dùng tàu sắt đâm tàu gỗ của ngư dân Việt Nam thì cũng đã rất nguy hiểm rồi. Cho nên việc họ dùng vũ khí đánh lại mình, thì chuyện đó chúng ta phải luôn luôn đề phòng.
Tôi nghĩ ngư dân Việt Nam phải luôn kiên định làm ăn trên biển, không phải sợ va chạm.
Vấn đề quan trọng nữa là các lực lượng như hải quân, cảnh sát biển và các lực lượng chức năng khác... cần nâng cao năng lực để bảo vệ lợi ích của đất nước, quyền khai thác kinh tế hợp pháp của ngư dân.
* Thế nhưng tàu Trung Quốc cứ liên tiếp tấn công, chủ đích uy hiếp, đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam; và cứ sau mỗi lần đi biển trở về, ngư dân sẽ chịu không nổi tổn thất do hư hỏng phương tiện?
- Cái đó đang là chuyện khó khăn của ngư dân mình. Cho nên mình phải làm những bước để chứng minh rõ ràng sự ngang ngược của họ, việc họ làm sai và phải thống kê được thiệt hại trong tháng này, trong năm này Trung Quốc bao nhiêu lần vi phạm, bao nhiêu lần bắt bớ, bao nhiêu lần gây tổn hại để bắt buộc họ đền bù. Làm được như vậy thì họ không chối được, chứ như bây giờ thì họ cứ chối.
Phải mạnh lên để thoát khỏi kiềm tỏa
Thiếu tướng Lê Kế Lâm gắn bó với hải quân từ năm 1955-2003. Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia nhiều hoạt động liên quan đến biển đảo và giữ chức Chủ tịch Hội biển TP.HCM từ 2008 đến nay. Vị tướng hải quân này bảo rằng dù về hưu rồi nhưng ông vẫn rất quan tâm đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông. “Vấn đề này rất là lớn, liên quan đến cả chiến lược quốc gia mà nó cũng hết sức tế nhị. Vấn đề biển Đông mà người ta hay nói rất là nhạy cảm. Nhạy cảm không chỉ đối với Việt Nam mà nhạy cảm đối với cả các nước Đông Nam Á và nhạy cảm với nhiều nước trên thế giới. Những nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ… đều hết sức quan tâm đến vấn đề biển Đông. Trung Quốc là nước ven bờ biển Đông thì họ càng thể hiện sự quan tâm”, ông nhìn nhận và cho rằng sự quan tâm của Trung Quốc là quá mức, trở thành tham vọng để độc chiếm biển Đông, làm cho tình hình ngày càng căng thẳng. Khi trò chuyện với phóng viên, ông bảo liên quan đến biển Đông thì từng nội dung cụ thể mà để giải quyết cho nó rõ ràng là một vấn đề khó. Ông kể một câu chuyện cũ “để dễ hình dung”: trong một làng có hai gia đình ở gần nhau. Một gia đình như ngày xưa ta gọi là địa chủ, giàu về kinh tế, có uy quyền về chính trị, nhiều con cái và nhiều gia nhân. Một gia đình nông dân bình thường. Gia đình đó (địa chủ - PV) không hữu hảo với các gia đình bên cạnh. Họ thường gây sự. Khi thì họ lùa con heo, con gà sang phá vườn nhà bên cạnh; khi thì họ xua chó cắn gà của nhà bên cạnh lỡ sang vườn nhà họ. Chưa kể những việc họ làm có thể còn xấu xa hơn như vứt chuột chết sang nhà người ta, cố tình làm những việc ngang trái để gây ra căng thẳng… Đoạn ông đặt vấn đề: “Như vậy anh nghĩ gia đình nông dân bình thường xử sự thế nào với gia đình địa chủ luôn khiêu khích kia?”, rồi tự trả lời: “Chắc là cũng phải đôi phần nín nhịn. Nó có hiện tượng như thế”. Ông nói tiếp: “Cho nên nói rộng hơn, mình ở bên cạnh Trung Quốc, mình là một nước nhỏ, đang từng bước phát triển nhưng mà tính ra vẫn kém phát triển. So với Trung Quốc, mình mở cửa chậm hơn 10 năm. Bây giờ kinh tế của họ đứng thứ 2 thế giới mà họ lại có tham vọng bành trướng, bá quyền, thì rõ ràng đối với những nước lân bang như Việt Nam rất là khó khăn và càng ngày càng khó khăn”. Thiếu tướng hải quân Lê Kế Lâm nói: “Việt Nam đã thống nhất 38 năm rồi”, và bày tỏ mong muốn chúng ta phải làm sao “để phát triển như Hàn Quốc, chứ chưa nói đến phát triển như Nhật”. “Tất cả mọi cái phát triển lên. Tất cả người Việt Nam có chung tâm huyết xây dựng được một đất nước Việt Nam hùng cường. Tôi nghĩ đến lúc đó Trung Quốc có muốn kiềm chế mình, muốn cương tỏa mình cũng không được”, ông chia sẻ. |
(Theo TNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065