BP - Trong những ngày vừa qua, nhân dân cả nước hướng về các tỉnh Bắc miền Trung, nơi vừa phải chịu sự tàn phá khốc liệt của cơn bão số 10. Bão đã đi qua nhưng hậu quả để lại thật nặng nề. Số liệu công bố, bão số 10 đã làm 9 người chết, 4 người mất tích, 112 người bị thương; chìm 7 tàu cá, gây ra 29 sự cố đê biển tại các tỉnh, làm tràn một số điểm đê sông. Về thủy lợi có 26.620m kênh mương bị sạt lở, 10 đập thủy lợi loại nhỏ bị sạt lở, hư hỏng. Về truyền thông và lưới điện, bão đã làm 1 cột phát thanh - truyền hình bị đổ tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; 1.559 cột điện hạ thế bị đổ gãy khiến 528.481 khách hàng mất điện... Thiệt hại do bão gây ra là rất lớn, chính quyền, quân đội và nhân dân các tỉnh miền Trung với sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương và cả nước đã và đang khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra.
Thống kê của Liên hiệp quốc về các thảm họa toàn cầu cho biết, từ năm 2000-2010, mỗi năm trung bình có gần 400 thảm họa thiên tai. Việt Nam là một trong những nước trên thế giới được dự báo chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thiên tai. Những năm gần đây, nước ta liên tục phải “gồng mình” để đối đầu với thiên tai và đã có những thiệt hại rất lớn về người và của. Đó là những cơn bão mạnh, những trận lũ lụt kinh hoàng, rồi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn... diễn ra gay gắt ở nước ta. Ngày 17-7-2010, cơn bão nhiệt đới đầu tiên trong mùa mưa đổ bộ vào khu vực Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định với cấp bão 11, 12, gây thiệt hại lớn cho các địa phương. Những trận lụt ở các tỉnh miền Trung trong năm 2011 đã làm hàng trăm người chết và mất tích, nhấn chìm hàng trăm ngàn căn nhà và hàng chục ngàn héc ta hoa màu. Tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Quảng Bình, với hàng ngàn ngôi nhà bị ngập. Trong những tháng đầu năm 2016, diễn ra hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, 10 tỉnh phải công bố tình trạng thiên tai. Từ giữa tháng 10 tới giữa tháng 12-2016 đã có 5 đợt mưa lũ lớn liên tiếp xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung, cùng với việc thủy điện xả lũ đã làm 232 người thương vong...
Nhắc lại những thiệt hại do thiên tai gây ra thời gian gần đây để một lần nữa chúng ta cùng cảnh giác về thảm họa khi “ông trời nổi giận”. Thiên tai là hiệu ứng của một tai biến tự nhiên. Nhưng thiệt hại do thảm họa tự nhiên lại phụ thuộc vào khả năng chống đỡ và phục hồi của con người. Với cơn bão số 10 năm nay, chúng ta đã có sự chuẩn bị đối phó rất tốt. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã liên tiếp có những cảnh báo nguy hiểm. Tiếp đó, Thủ tướng đã có công điện khẩn thực thi các biện pháp ứng phó với bão số 10. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại miền Trung để kiểm tra công tác ứng phó trước khi bão vào. Các địa phương cũng đã nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp như “cấm biển”, di dời hàng ngàn người dân ở các vùng xung yếu, giúp dân chằng chống nhà cửa, cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn... Đặc biệt, người dân vùng tâm bão đã ý thức được việc phải tự bảo vệ mình trước thiên tai. Vì vậy, mặc dù cơn bão số 10 đã gây ra những thiệt hại lớn với đồng bào miền Trung, nhưng quan trọng nhất là không có những cái chết oan ức như nhiều năm trước. Tiêu biểu là tỉnh Hà Tĩnh, dù trong tâm bão nhưng địa phương này không có thương vong về người.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065