CHẾT NHANH - CHẾT CHẬM NHƯNG SẢN LƯỢNG TĂNG
Cuối năm 2016, phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa thông tin hiện tượng tiêu chết hàng loạt ở các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định. Tiêu chết xảy ra vào đầu mùa mưa và đầu mùa khô ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Từ tháng 11 đến 12-2016, diện tích hồ tiêu chết ở các tỉnh Tây Nguyên tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ những năm trước. Nhiều nhất là ở Gia Lai (hơn 2.081 ha, chiếm hơn 50%), khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ.
Theo lý giải của những người trồng tiêu có kinh nghiệm thì nguyên nhân là do ảnh hưởng khô hạn khắc nghiệt lịch sử xảy ra trong mùa khô năm 2016 nên hồ tiêu thiếu nước dẫn đến bộ rễ phát triển kém và khi mùa mưa đến tuyến trùng, các loại nấm bệnh phát sinh xâm nhập tấn công dẫn đến tiêu dễ nhiễm bệnh chết hàng loạt.
Tuy nhiên, tiêu chết cũng do “phát triển nóng” diện tích hồ tiêu tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Nông và Bình Phước. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, hiện diện tích hồ tiêu đã vượt gấp 2 lần quy hoạch, khoảng 110.000 ha. Ông Nguyễn Phước Bính, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) dự đoán thực tế diện tích hồ tiêu cả nước khoảng 150.000 ha. Tiêu chết do giống kém chất lượng, nhiều hộ thiếu kiến thức trồng tiêu ở những nơi đất không phù hợp...
Mùa tiêu 2017 mới vào vụ ở Bình Phước nhưng theo phản ánh của nông dân thì năng suất tăng hơn 2016 do năm nay mưa nhiều, tập trung vào tháng cuối mùa mưa nên tiêu đủ nước để nuôi trái. Năng suất tăng cùng diện tích hồ tiêu thu hoạch tăng nên sản lượng tăng là điều tất yếu. Cụ thể, theo khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vào cuối năm 2016, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, khu vực Tây Nguyên (chiếm 93% diện tích, 97% sản lượng hồ tiêu cả nước), niên vụ 2016-2017, dự báo sản lượng hồ tiêu của Việt Nam ước khoảng 180 ngàn tấn, tăng ít nhất 15% so với niên vụ trước.
Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới khi chiếm 50% lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu. Do vậy, chỉ cần Việt Nam tăng sản lượng, ngay sau đó, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới sẽ có xu hướng giảm.
RÀO CẢN KỸ THUẬT
Giá tiêu đạt điểm đỉnh trong năm 2015 (180-200 ngàn đồng/kg). Quý 4/2016, giá tiêu bắt đầu giảm dần không theo quy luật như những năm trước (giá tăng) do đang là mùa lễ hội của các nước Trung Đông, Ấn Độ và mùa đông khắc nghiệt châu Âu, cũng là thời điểm giáp hạt mùa tiêu Việt Nam. Giá tiêu ngày 19-2 ở Lộc Ninh 118 ngàn đồng/kg (tiêu 450 gram/lít), Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thu mua của các thành viên trong câu lạc bộ hồ tiêu phát triển bền vững 130-135 ngàn đồng/kg (tiêu 550-600 gram/lít). Giá giảm trong đầu mùa thu hoạch 2017 khiến người trồng tiêu lo lắng vào chính vụ sẽ còn giảm mức nào?
Chất lượng là yếu tố quyết định giữ thị trường xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam
Theo VPA, dù Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua nhưng chất lượng hồ tiêu cũng đang trở thành một rào cản khi các thị trường lớn đưa thêm những “rào cản kỹ thuật” đối với mặt hàng hồ tiêu, trong đó chủ yếu là vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Trở ngại hiện nay là dư lượng hóa chất metalaxyl trong hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam. Trước đây, hồ tiêu xuất khẩu vào thị trường EU, lượng tối đa cho phép (MRLs) đối với hóa chất metalaxyl là 0,1ppm, nhưng năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đang kiến nghị áp dụng MRLs cho phép chỉ 0,05ppm. Nếu kiến nghị này được thông qua, hồ tiêu Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào châu Âu.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, thực tế với hàm lượng metalaxyl là 0,1ppm được cho là bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng mà không cần phải xuống đến mức 0,05ppm. Đây cũng là chứng cớ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng VPA đấu tranh giữ mức metalaxyl là 0,1ppm trên hồ tiêu xuất khẩu. |
Cụ thể, trong thư gửi VPA của Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA) vào cuối tháng 1-2017, ESA cho biết, trong năm 2016, họ đã phân tích 799 mẫu tiêu đen Việt Nam nhập vào EU thì chỉ 17% số mẫu có dư lượng tối đa dưới 0,05ppm. Như vậy, nếu kiến nghị của EC áp dụng MRLs cho phép đối với hồ tiêu nhập khẩu được thông qua, hơn 80% lượng hồ tiêu xuất khẩu vào EU của Việt Nam sẽ khó khăn (năm 2016, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vào EU là 40 ngàn tấn, tương đương 23% lượng hồ tiêu xuất khẩu).
Tại thị trường Mỹ, nơi có lượng hồ tiêu xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (30-35% sản lượng), nhiều khả năng các nhà xuất khẩu cũng sẽ phải đón nhận những thông tin không vui. Theo VPA, cơ quan quản lý của Mỹ cũng cho biết đang chuẩn bị ban hành hàng loạt quy định mới về yêu cầu chất lượng nông sản nhập khẩu, trong đó có hồ tiêu.
Do đó, các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu đang trong trạng thái chờ xem kiến nghị của EC có được thông qua hay không nên giảm lượng giao dịch. Điều này được thể hiện khi lượng hồ tiêu xuất khẩu trong tháng 1-2017 của Việt Nam chỉ đạt 8.000 tấn, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo đó, VPA dự báo xuất khẩu hồ tiêu của nước ta năm 2017 sẽ hết sức vất vả. Và dù EC có giữ mức metalaxyl là 0,1ppm trong hồ tiêu xuất khẩu hay không thì lâu dài chất lượng vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nhất tác động đến thương mại hồ tiêu của Việt Nam trong năm nay và tương lai. Và việc quản lý chất lượng hạt tiêu nguyên liệu từ các vùng sản xuất cũng là điều khó khăn mà ngành hồ tiêu phải vượt qua để duy trì kim ngạch xuất khẩu.
Phương Hà
(Bài có sử dụng tư liệu của VPA)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065