LTS: Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1- năm 2007. Sau hơn 7 năm được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật này đã và đang xuất hiện nhiều tồn tại, hạn chế và đặc biệt là những bất cập này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Cụ thể là do luật chưa quy định chặt chẽ nên người dân không thể an tâm khi mua nhà. Mặc dù có Luật Kinh doanh BĐS, nhưng tính an toàn trong giao dịch gần như không có, không cơ quan nào đảm bảo giao dịch an toàn cho người dân. Vì vậy, đã có hàng loạt vụ tranh chấp xảy ra và người dân là những người nắm dao đằng lưỡi… Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng soạn thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và bộ này vừa công bố dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Dưới đây là những điểm mới trong dự thảo luật này.
Theo dự thảo luật này, các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và phải có vốn pháp định tối thiểu là 50 tỷ đồng. Nếu tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản nhưng không thường xuyên thì không bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh bất động sản nhưng phải kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh BĐS bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp hoặc HTX và phải có vốn pháp định tối thiểu là 50 tỷ đồng - Ảnh: H.T
Dự thảo luật này cũng quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản không bắt buộc phải thông qua sàn. Đồng thời, hoạt động môi giới bất động sản bắt buộc phải có giấy phép hành nghề do Bộ Xây dựng sát hạch và cấp. Điều kiện để được cấp giấy phép là cá nhân người xin cấp phải có trình độ từ đại học trở lên.
Điểm mới thứ ba trong dự thảo luật này là cho phép chủ đầu tư được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành. Điều này tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư huy động vốn, khai thác từng phần công trình trong quá trình xây dựng; người thuê tham gia cùng với chủ đầu tư dự án trong việc hoàn thiện thiết kế, giám sát quá trình thi công xây dựng, hoàn thiện bất động sản. Kết quả cuối cùng là tránh được việc người thuê phải cải tạo, sửa chữa lại cho phù hợp với công năng, mục đích, yêu cầu sử dụng của mình, gây tốn kém, lãng phí.
Điểm mới thứ tư là quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản giống các tổ chức, cá nhân trong nước. Cụ thể, tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản theo 4 hình thức: đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.
Điểm mới thứ năm trong dự thảo luật này là Việt kiều có quyền sở hữu 1 hay nhiều nhà ở (bao gồm cả nhà đất và nhà chung cư). Như vậy, Việt kiều sẽ có quyền bình đẳng về sở hữu nhà ở như những công dân trong nước. Trong khi đó, theo quy định hiện hành thì chỉ có người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam, nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ 6 tháng trở lên được thì mới được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.
Quy định trên đây là một trong những nỗ lực hiện thực hóa Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp sửa đổi, bổ sung 2013 có quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam! Với quy định này, Hiến pháp đã thừa nhận Việt kiều là máu thịt của quê hương và vì thế họ có quyền bình đẳng với tất cả những công dân Việt Nam khác. Điều này thể hiện tính nhân văn sâu sắc của dân tộc đối với những người con xa xứ.
Cụ thể, dự thảo luật quy định việc sở hữu nhà ở của Việt kiều được thực hiện thông qua các hình thức: Mua, nhận, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân. Hoặc mua, thuê mua nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Hay nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới được phép chia lô bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt.
Ngoài các quy định chung về sở hữu nhà ở đối với mọi công dân Việt Nam, Việt kiều còn được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu nhà ở bằng các hình thức: Được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở được sở hữu; được xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở nhận chuyển nhượng trong dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; bán, tặng cho, để thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của luật này.
Đối với trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó; thế chấp nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam; được cho thuê nhà ở, ủy quyền cho người khác quản lý nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình...
Với những quy định mới trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và những quy định này được Quốc hội thông qua, chắc chắn thị trường bất động sản ở nước ta sẽ nóng lên trong thời gian tới.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065