Theo các chuyên gia kinh tế, đây thật sự là thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa khi tạo thế cân bằng trong “sân chơi” lớn nếu không có chiến lược làm ăn bài bản, dài hạn và liên kết chặt chẽ với nhau.
Nguy cơ bị “thôn tính”
Việt Nam hiện đã tham gia ký kết khá nhiều Hiệp định thương mại tự do đồng nghĩa với việc sẽ phải mở cửa thị trường phân phối, thực hiện tự do hóa lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và nhượng quyền kinh doanh. Như vậy, thị trường Việt Nam xuất hiện thêm nhiều tập đoàn phân phối khổng lồ của nước ngoài, có tiềm lực to lớn, tính chuyên nghiệp cao. Trong khi đó, hệ thống phân phối còn hoạt động kém hiệu quả, chi phí cao và thiếu liên kết.
Trong cuộc cạnh tranh không cân sức này, hệ thống phân phối thương mại hiện nay ở Việt Nam đang có nguy cơ "rơi" vào tay những tập đoàn nước ngoài lớn.
Điều này được minh chứng bằng những làn sóng mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng sôi động. Chẳng hạn như việc nhận chuyển nhượng 100% cổ phần từ Công ty cổ phần đầu tư An Phong, Tập đoàn Vingroup đã trở thành chủ sở hữu mới của hệ thống Trung tâm thương mại-siêu thị Maximark.
Đây là hệ thống phân phối hiện đại có uy tín tại khu vực Nam Trung bộ và Nam Bộ. Vingroup cũng mua lại 100% cổ phần của Vinatexmart thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) với giá trị 229,5 tỷ đồng.
Với thương vụ này, Vingroup đã sở hữu toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart với 39 cửa hàng.
Bên cạnh đó, Vingroup còn thực hiện thương vụ mua lại 80% cổ phần (tương đương 245 tỷ đồng) công ty Hợp Nhất và đổi tên thành công ty Vinlinks, với mục đích cung cấp dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh cho Vingroup, nhất là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ.
Hay như CityMart hợp tác với Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đổi tên thành hệ thống bán lẻ AeonCityMart từ tháng 11/2014. Hàng loạt các trung tâm của tập đoàn này cũng được khai trương như Aeon Tân Phú Celadon (Thành phố Hồ Chí Minh), Aeon Bình Dương Canary và Aeon Long Biên (Hà Nội). Nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Wall Mart-Mỹ; OuChan-Pháp… cũng gia tăng thăm dò thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi).
Hiện, mới chỉ có hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam và tỷ trọng tham gia bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài mới chỉ chiếm 3,4% doanh số bán lẻ chung. Đó là con số không đáng lo ngại nhưng nếu loại trừ các mặt hàng mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa được phép tham gia thì tỷ trọng bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lên đến 40-50%.
Thực tế cho thấy, một điểm bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài bán một ngày, thường có doanh số cao gấp 5-7 lần so với doanh số của một điểm bán lẻ của các doanh nghiệp trong nước.
Nguồn lực chưa cân sức
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới đang đặt nền kinh tế Việt Nam trước những cơ hội mới, đồng thời đối diện với những thách thức to lớn không những trên thị trường quốc tế nói chung mà ngay cả trên thị trường trong nước.
Trong cuộc cạnh tranh này, hệ thống phân phối hàng hóa với vai trò liên kết giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, có tác động trực tiếp đến lợi nhuận của nhà sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng nên bản thân hệ thống phân phối hàng hóa đã và đang trở thành lĩnh vực kinh doanh mang tính cạnh tranh cao độ.
Phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia cao cấp Viện nghiên cứu Thương mại phân tích, hiện nay thị trường trong nước có quá ít những doanh nghiệp phân phối đủ mạnh, có khả năng tài chính, có mạng lưới kinh doanh và có lực lượng nhân lực cũng như công nghệ quản lý điều hành phù hợp với xu thế hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa tương xứng với các đối tác quốc tế trong quá trình hội nhập mở cửa thị trường trong nước với bên ngoài.
Hay nói cách khác trên thị trường thiếu những doanh nghiệp và hệ thống phân phối nòng cốt, bảo đảm kiểm soát và chi phối được thị trường xã hội nhất là những tình huống căng thẳng, gay gắt…. trong khi các doanh nghiệp nước ngoài là những “đại gia” có nguồn vốn “khủng” và có sự thuận lợi để mở rộng mặt bằng nên dễ dàng thâu tóm thị trường bán lẻ của Việt Nam.
Hầu hết các doanh nghiệp thương mại đều chưa có cấu trúc phân phối được tổ chức mang tính hệ thống, bám sát quy trình vận động của hàng hóa từ thượng nguồn đến hạ nguồn, trải rộng trên các địa bàn; trong đó, quan trọng nhất là hệ thống phân phối chuyên nghiệp.
Bao gồm hệ thống phân phối trực thuộc doanh nghiệp và hệ thống đại lý do doanh nghiệp lập ra và quản lý, kiểm soát hoạt động. Tại Việt Nam có quá nhiều loại hình tổ chức mua bán và thương nhân nhỏ lẻ (chợ, cửa hàng độc lập, hộ kinh doanh cá thể) không được định hình phát triển, không được tổ chức thành đối tượng của quản lý Nhà nước, hoạt động tự do và độc lập ngoài vòng kiểm soát làm cho thị trường trở nên manh mún, lộn xộn và rối loại; pháp luật của Nhà nước và lợi ích của người tiêu dùng không được tôn trọng.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Thọ Xuân, nguyên nhân đó là nhận thức về lưu thông hàng hóa và thương mại chưa đầy đủ, rõ ràng và thiếu nhất quán. Lâu nay trong nhận thức và quan điểm luôn coi sản xuất là gốc, mọi vấn đề đều xuất phát từ sản xuất.
Lẽ ra trong thời hiện đại hiện nay, lưu thông hàng hóa và thị trường phải là khâu năng động và linh hoạt nhất của chu trình tái sản xuất, là điểm nút xung yếu và có tác động chi phối sự vận hành trôi chảy của toàn bộ dây chuyền trong đời sống kinh tế-xã hội.
Những điều đó đã khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước khó cạnh tranh được những Tập đoàn nước ngoài giàu kinh nghiệm phát triển hệ thống bán lẻ hàng chục năm như Lotte, Aeon, Big C.
Đồng tình với quan điểm hiện nay nguồn cung cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn nhỏ bé, manh mún, năng suất thấp, chất lượng không ổn định, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho hay, nông dân sản xuất hầu hết không có hóa đơn chứng từ, không có quy trình an toàn thực phẩm.
Như vậy, đầu vào cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam ở những sản phẩm nông nghiệp đang là thế mạnh bị hạn chế.
Để doanh nghiệp Việt đứng vững trên "sân nhà"
Thực tế cho thấy, bên cạnh việc nhiều thương hiệu bị mua lại thì vẫn có những doanh nghiệp trong nước đứng vững tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối và khẳng định thương hiệu đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Cụ thể là Sài Gòn Corp liên doanh với NTUC Singapore lập siêu thị Coop Xtra tại quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) có diện tích 25.000m2; mở trung tâm thương mại Sese City tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ có diện tích 22.000m2. Riêng số siêu thị của Sài Gòn Corp hiện đã lên tới 60 siêu thị.
Là một thương hiệu bán lẻ được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến, mạng lưới “Hapro” hiện đã có mặt trên 70 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc điều hành Tổng công ty Hapro bày tỏ, trong bối cảnh hội nhập, nếu doanh nghiệp không kiên trì theo đuổi, có hướng đi riêng và bảo vệ sẽ mất thương hiệu; đồng thời sẽ bị các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài mua lại.
Đối với khu vực nội thành, Hapro tập trung phát triển mạng lưới các cửa hàng tiện ích quy mô nhỏ còn tại các khu vực xa trung tâm. Hapro cho hình thành các siêu thị lớn tại những điểm nút giao thương và tránh các khu vực có sự hiện diện của các nhà phân phối nước ngoài.
Vì vậy, tại Hà Nội, chỉ sau một năm thương hiệu Hapro Mart có mặt trên thị trường, Tổng công ty đã phát triển được chuỗi cửa hàng tiện ích gồm 18 địa điểm. Tại các tỉnh lân cận, Hapro cũng thành lập được 5 đại siêu thị.
Bên cạnh đó, Hapro cũng xây dựng mối quan hệ hợp tác với các địa phương để tạo nguồn cung cấp hàng hóa cho cả hệ thống bán lẻ của Hapro.
Theo ông Vũ Vinh Phú, bài toán hội nhập và cạnh tranh đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, giảm bớt những khâu trung gian không cần thiết. Đưa thẳng hàng hóa từ sản xuất đến bán lẻ, nâng cao năng suất lao động, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa nội địa, có như vậy mới phục vụ nguồn cung hàng hóa cho các doanh nghiệp bán lẻ tồn tại phát triển.
Còn phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Thọ Xuân lại cho rằng, để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp phân phối Việt cần phát triển mạnh đồng thời hai mạng lưới cửa hàng bán lẻ trực thuộc hệ thống phân phối của Tập đoàn, Tổng công ty và cửa hàng của hệ thống Tổng đại lý, đại lý bán lẻ đối với một số vật tư hàng hóa chiến lược; gắn kết các cửa hàng trực thuộc và cửa hàng của các đại lý, tổng đại lý trong hệ thống phân phối của mình với quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh các mặt hàng chiến lược trên các địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, chú trọng đến các khu vực, vùng trọng điểm như khu sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Cùng với việc phát triển một số hệ thống phân phối chủ lực về hàng tiêu dùng, hướng tới mô hình các tập đoàn phân phối mạnh, cần phát triển các mô hình phân phối văn minh, hiện địa, chất lượng dịch vụ cao tại các thị trường đô thị.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống phân phối kết hợp siêu thị hiện đại gắn cung cấp vật tư và hàng tiêu dùng với thu mua nông sản thực phẩm trên thị trường nông thôn. Ngoài ra, xây dựng mô hình trung tâm logistic kho bán buôn tạo tiền đề để xây dựng cơ chế chủ động điều tiết cung cầu bằng dự trữ lưu thông.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065