Học sinh Trường THPT Trần Phú trong giờ học môn Lịch sử
“Sợ” môn sử
Lớp 12A2 là một trong những lớp có số học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử cao nhất Trường THPT Đắk Ơ (Bù Gia Mập). Lớp có 27 học sinh nhưng chỉ có 7 em chọn Lịch sử làm môn thi tốt nghiệp. Toàn trường có 147 học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia, trong đó 16 em chọn thi môn Lịch sử - một con số ít ỏi đáng suy ngẫm.
Vẫn như năm trước, năm học này, Lịch sử lại tiếp tục không được các em chú trọng. Số ít lựa chọn môn Lịch sử do có niềm yêu thích đặc biệt hoặc đã xác định Lịch sử là môn thi xét tuyển đại học. Em Phạm Thị Vân Anh, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Đắk Ơ cho biết: “Em theo khối C nên chọn Lịch sử để vừa làm môn xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học”.
Đối với những trường học ở vùng sâu, vùng xa, học sinh phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, khối C (bao gồm 3 môn Văn, Sử, Địa) vẫn còn chiếm ưu thế hơn so với các khối thi khác. Tuy vậy, số học sinh lựa chọn môn Sử cũng không nhiều. Điều này lý giải vì sao ở nhiều trường học sinh chủ yếu theo các khối tự nhiên, nhiều trường “trắng” học sinh thi môn Sử.
Phần đông các em không lựa chọn môn Sử là do giải pháp an toàn. Bởi áp lực từ xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn nên các em thường lựa chọn những môn tự nhiên, vừa không nặng về lý thuyết vừa dễ kiếm điểm hơn. Do đó, cũng dễ hiểu vì sao trong số 5 môn thi tự chọn, Lịch sử luôn là môn có tỷ lệ lựa chọn thấp nhất. “Em thấy môn Sử kiến thức rất nhiều. Em nghĩ mình không đủ thời gian và khả năng tiếp thu được hết. Những sự kiện khó nhớ nên em nghĩ mình không hợp và em không chọn môn Sử” - Hứa Thị Vân, lớp 12A1, Trường THPT Đắk Ơ chia sẻ.
Để vào được các trường đại học như mong muốn, học sinh sẽ tập trung học và đăng ký môn theo những khối thi mà mình đã lựa chọn. Lo ngại với môn Sử, môn Địa lý đã trở thành “cứu cánh”. Những năm gần đây, số thí sinh chọn thi môn Địa lý đã tăng lên rất nhiều. Điều này dễ dẫn đến tình trạng các em bỏ lơ môn Sử từ các cấp học dưới bởi đã tìm được môn học thay thế an toàn hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cô Trần Thị Thủy, giáo viên Trường THPT Trần Phú, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản nói: “Đối với môn Địa, các em chỉ cần dựa vào kiến thức sẵn có và cuốn Atlat, cộng với vẽ biểu đồ là đã có điểm”. Tương tự, Trường THPT Trần Phú cũng chỉ có 4 em lựa chọn thi môn Lịch sử để xét tuyển tốt nghiệp THPT. Đó là chưa kể đến khối thi xã hội đang bị yếu thế hơn so với khối thi tự nhiên nên số học sinh quan tâm đến môn Sử cũng ngày càng ít đi.
Môn sử có thật sự bị “quay lưng”?
Mặc dù số học sinh lựa chọn môn Lịch sử luôn ít đi nhưng khi trao đổi với chúng tôi các em vẫn cho rằng bản thân môn Sử không phải là môn học đáng sợ hay quá ngán ngẩm. Nhiều em chia sẻ rất thích học Lịch sử để hiểu thêm về truyền thống hào hùng của dân tộc. Tuy nhiên, cách dạy - học khô khan, nặng về lý thuyết như hiện nay lại khiến các em cảm thấy môn Sử khó tiếp thu.
Trong khi đó, thay vì những bài giảng khô khan, khi được tiếp thu qua tranh ảnh hoặc clip, phim lịch sử thì học sinh lại rất hào hứng. Cô Trần Thị Thủy chia sẻ: “Hôm nào vào tiết học là các em cũng nói cô kể chuyện hoặc chiếu phim lịch sử. Thực tế các em rất hào hứng với những mẩu chuyện hay thước phim lịch sử. Còn với kiến thức trong sách giáo khoa, bản thân giáo viên cũng còn cảm thấy nặng nề. Bởi có những bài phải dạy đến 3, 4 tiết. Các em khó tiếp thu được cũng là điều dễ hiểu”.
Học sinh “quay lưng”, thờ ơ với môn Sử hay có những nhầm lẫn đáng tiếc về các sự kiện, nhân vật lịch sử - lỗi không phải do các em. Vì vậy, phải nhìn nhận lại môn học này về cả cách dạy và cách học để học sinh không quên, không nhầm lịch sử. Hơn thế, người trẻ sẽ có cảm hứng và cảm xúc, hiểu mình là một phần trong dòng chảy lịch sử.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy: Tại kỳ thi THPT quốc gia 2015 chỉ có 15,3% thí sinh đăng kí dự thi môn Lịch sử và có rất nhiều trường không có thí sinh đăng ký thi môn Sử. Kỳ thi năm nay, tình trạng này có lẽ cũng không khả quan hơn khi Lịch sử vẫn là môn tự chọn cùng với 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Anh văn. |
Hạ Băng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065