BPO - 5 năm qua, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh phát động, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo, đổi mới công tác tổ chức phong trào thi đua yêu nước đồng bộ ở cả 4 khâu: phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Từ đó đã phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, người lao động trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sôi nổi, có sức lan tỏa cả bề rộng lẫn chiều sâu, thu hút, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra.
DUY TRÌ TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Để có những con số “biết nói” như: Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,25%. Tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 20,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 43%, dịch vụ chiếm 36,5%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 67,3 triệu đồng. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt 22% cả giai đoạn. Ước thu ngân sách năm 2020 đạt 10.000 tỷ đồng, vượt hơn gấp đôi chỉ tiêu nghị quyết đề ra... đều từ các phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Từ phong trào “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đến nay trên địa bàn tỉnh có 192 hộ nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương, 805 hộ giỏi cấp tỉnh. Những nhà nông với nỗ lực làm giàu trên quê hương đã tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu như Sầu riêng Ba Đảo, Bơ sáp Mã Dưỡng hay nông dân Tâm Sầu riêng với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và nguồn vốn vài trăm triệu đồng cho hộ khó khăn.
Phong trào “Toàn tỉnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thăm hỏi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp
Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất phải kể đến anh Trần Quốc Khao, công nhân kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Auntex, Khu công nghiệp Đồng Xoài I và anh Vòng Vĩnh Nàm, công nhân kiêm Tổ trưởng Tổ công đoàn Công ty TNHH Freewell, Khu công nghiệp Đồng Xoài I, thành phố Đồng Xoài đã có những sáng kiến cải tiến trong quá trình lao động sản xuất được các bộ, ngành công nhận. Có nguồn lao động chất lượng cộng với chính sách thu hút đầu tư rộng mở, trong 5 năm toàn tỉnh có 800 dự án trong nước và 146 dự án FDI đến đầu tư với số vốn gần 1,5 tỷ USD.
Là tỉnh vẫn còn những khó khăn, song sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh đầu tư xây dựng trên 3.900km đường bê tông xi măng. Nổi bật trong phong trào này là tập thể cán bộ và nhân dân xã An Khương, huyện Hớn Quản. Đầu năm 2015, An Khương chỉ đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong 5 năm xã đã huy động nguồn lực hơn 74 tỷ đồng để hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận về đích nông thôn mới. Trong phong trào này còn rất nhiều cá nhân hiến hàng ngàn mét vuông đất, hàng trăm triệu đồng để mở rộng đường làng ngõ xóm, góp phần đưa số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 60/90 xã, 5/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 là 50% xã và 1 huyện).
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC, ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI
“Tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển bền vững và gắn với phát triển văn hóa, giải quyết tốt những vấn đề xã hội”, vì vậy các phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội đã có nhiều cách làm sáng tạo, song hành nâng cao đời sống của nhân dân. Phong trào “Toàn tỉnh chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,55%, giảm 3,6% so với năm 2015. Tiêu biểu là các mô hình của hội phụ nữ, MTTQ các cấp đã vận động tặng bò, dê giống, vốn vay, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo. Cùng với đó, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được chú trọng. Các cựu chiến binh Bùi Văn Tân (Bù Đốp), Nguyễn Thị Thịnh (TP. Đồng Xoài) hay Võ Hùng Chiến (Bù Gia Mập) là tấm gương sáng trong phong trào này. Ông Chiến mỗi năm trích 300 triệu đồng để tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đặc biệt là phong trào “Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19” đã đảm bảo vững chắc thành trì Bình Phước không có dịch bệnh xảy ra.
5 năm qua, toàn tỉnh đã có 28 tập thể được Chính phủ tặng cờ thi đua; 3 bác sĩ được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”; 3 thầy, cô giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”; 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm; 17 tập thể và 35 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; 35 tập thể và 261 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. |
Phong trào “Thi đua dạy tốt - học tốt” đã đem về nhiều giải thưởng danh giá trong nước, khu vực và quốc tế cho tỉnh nhà. Hiện toàn tỉnh có 145/435 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong số đó, Trường THPT chuyên Bình Long là điểm sáng về đào tạo mũi nhọn với thành tích năm sau cao hơn năm trước. Các phong trào sáng tạo cũng thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Trong số đó phải kể đến cuộc thi Robocon mini đã có trên 350 giải pháp cấp tỉnh và 15 giải pháp đạt giải toàn quốc.
BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH, ĐỐI NGOẠI BỀN VỮNG
Công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng trong hội nhập và hợp tác quốc tế, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc. Những năm qua, lực lượng công an trong tỉnh đã triển khai mới 42 mô hình phòng chống tội phạm, như “Camera an ninh” góp phần truy vết tội phạm hiệu quả và ngày càng được nhân rộng.
Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Trong ảnh, một góc trung tâm thành phố Đồng Xoài hôm nay - Ảnh tư liệu
Song song đó, trên mặt trận tư tưởng, với vai trò Chủ nhiệm chính trị, Bộ CHQS tỉnh, Đại tá Luyện Ngọc Khoát đã tích cực tham gia đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng việc đăng tải hàng ngàn bài viết, video clip và bình luận đấu tranh.
Ở nơi tuyến đầu biên giới, bộ đội biên phòng ngoài giữ vững an ninh nội, ngoại biên, còn triển khai các mô hình giúp dân như “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Bò giống nơi biên cương”… đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, xa, biên giới.
XÂY DỰNG ÐẢNG, CHÍNH QUYỀN GẦN DÂN, SÁT DÂN
Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, lâu dài, là nhiệm vụ then chốt và là giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm và làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Các phong trào thi đua gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW được cụ thể hóa bằng việc làm thiết thực. Làm theo Bác, nhân dân thôn 9, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng đã đóng góp làm gần 10km đường nông thôn trị giá trên 4 tỷ đồng. Nhân dân tự giải tỏa, hiến đất và tài sản trên đất không cần bồi thường thiệt hại 2 tuyến đường điện dài 2,3km; làm đèn đường trên 3,4km; góp 200 triệu đồng xây nhà văn hóa cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Lũy ở phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long nêu gương Bác trong mọi hoạt động. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 bà đã ủng hộ vật chất, tinh thần cho đội ngũ tuyến đầu phòng, chống dịch.
Với những thành tích đạt được trong phong trào thi đua, UBND tỉnh đã tặng thưởng cờ thi đua cho 228 tập thể. Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” cho 856 tập thể; danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” cho 43 tập thể; danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” cho 365 cá nhân; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 4.424 tập thể và 12.101 cá nhân. |
Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” phát huy được trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tận tụy phục vụ nhân dân. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, các chương trình, đề án, chiến lược thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI HƯỚNG VỀ CƠ SỞ
Các phong trào thi đua, cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể phát động hướng về cơ sở với nhiều cách làm sáng tạo. 5 năm qua, MTTQ các cấp đã tham gia vận động được gần 300 tỷ đồng, xây dựng 2.307 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo thông qua cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các ông Điểu Rét (Bù Đốp), Điểu Giót (Lộc Ninh) vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời, đẹp đạo, hăng hái tham gia lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo. Linh mục Nguyễn Minh Chánh, mục sư Điểu Hiêng đã giữ vững mối đoàn kết lương - giáo, đóng góp xây dựng địa phương. Các hội, đoàn thể cũng hăng hái lập thành tích với các phong trào , cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”… đã thực sự đi vào đời sống, tạo khí thế sôi nổi, tăng tinh thần đoàn kết, gắn bó các thành viên trong cộng đồng xã hội.
Với chủ đề xuyên suốt “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” cùng tinh thần “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm” và 6 giải pháp cốt lõi được đề ra, phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện thắng lợi quyết tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; giữ vững ổn định xã hội; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; tăng thu nhập, giảm nghèo; xây dựng đô thị hiện đại, nông thôn mới văn minh; quốc phòng - an ninh vững chắc.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065