BP - Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (gọi tắt Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020) của Bộ GD-ĐT được đánh giá là chương trình có nhiều ưu việt, giúp học sinh tích hợp để có đủ điều kiện bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế. Ở Bình Phước, bộ môn tiếng Anh lớp 10 đổi mới theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã được triển khai thí điểm từ năm học 2013-2014 và tiếp tục thí điểm mở rộng trong năm học 2017-2018, song chưa được các trường THPT sẵn sàng đón nhận; phụ huynh, học sinh vẫn còn thờ ơ.
ƯU ĐIỂM CỦA SÁCH TIẾNG ANH ĐỔI MỚI
Sách Tiếng Anh lớp 10 đổi mới theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được triển khai thí điểm lần đầu tiên tại Bình Phước từ năm học 2013-2014, với 1 lớp chuyên Anh tại Trường THPT chuyên Quang Trung. Đến nay, toàn tỉnh mới hoàn thành được 6 lớp tại các trường THPT: chuyên Quang Trung, chuyên Bình Long, Đồng Xoài, Hùng Vương, Phước Bình và Lộc Ninh.
Thầy Ngô Văn Tú, chuyên viên phòng trung học (Sở GD-ĐT) cho biết: Chương trình tiếng Anh mới có những ưu điểm vượt trội cả về nội dung, hình thức và phương pháp giảng dạy. Chương trình hướng trọng tâm nâng cao kỹ năng cho học sinh như nghe, nói, đọc, viết và kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm. Do đó, nhà trường và giáo viên cũng được trang bị đầy đủ từ cơ sở vật chất đến kiến thức, phương pháp hiệu quả để đáp ứng giảng dạy cả 4 kỹ năng cho học sinh. Song muốn đạt hiệu quả tốt nhất, học sinh nên bắt đầu học chương trình tiếng Anh đổi mới ngay từ khi bước vào bậc tiểu học.
Trong các kỳ thi quan trọng, bộ đề tiếng Anh vẫn nằm trong hệ thống sách cũ nên thầy trò chưa mặn mà với sách tiếng Anh mới (thí điểm)
Nhiều năm giảng dạy môn tiếng Anh, thầy giáo Nguyễn Văn Cường, Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường THPT chuyên Quang Trung thừa nhận: Nội dung sách giáo khoa Tiếng Anh đổi mới theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có nhiều ưu việt giúp học sinh tự tin, năng động khi giao tiếp. Sách mới thiết kế lượng từ vựng và hoạt động nhiều hơn, chủ đề nghe, nói phong phú, gần gũi giúp các em dễ dàng sáng tạo. Học theo chương trình sách đổi mới, các em tự chủ động luyện các kỹ năng nghe, đọc, nói, viết và làm việc nhóm, thuyết trình... Riêng học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung học sách đổi mới phần lớn là học sinh chuyên Anh nên có nhiều thuận lợi. Các em hào hứng và thích thú khi được trải nghiệm, tự rèn luyện các kỹ năng trong 3 tiết học/tuần. Bên cạnh đó, nhà trường còn bổ sung 3 tiết học chuyên sâu. Do đó, đối với lớp thí điểm ở trường, sau khi hoàn thành chương trình 35/35 em đều vượt qua kỳ thi B1 (tiêu chuẩn châu Âu), một số em còn đạt C1.
Thầy Trần Văn Lành, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Phước Long (Phước Long), cũng cho rằng: Chương trình tiếng Anh đổi mới theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có nhiều điểm hấp dẫn, thú vị. Nếu được tương tác tốt, chương trình mới sẽ giúp học sinh áp dụng tích cực vào đời sống. Việc thí điểm đổi mới của sách tiếng Anh lớp 10 là đổi mới phương pháp dạy và học. Học sinh tập trung rèn luyện kỹ năng, chứ không thiên về ngữ pháp như phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, những năm trước trường chúng tôi chưa thể ứng dụng bởi liên quan tới cơ sở vật chất và số lượng học sinh đăng ký tham gia. Năm nay, chúng tôi được tập huấn, bồi dưỡng sách tiếng Anh mới để thực hiện thí điểm. Tôi hy vọng sẽ được truyền giảng, hướng dẫn các em những vấn đề mới và thiết thực để giúp học sinh đổi mới tư duy, năng động, theo kịp thời đại mới.
10 TRƯỜNG THPT TỪ CHỐI TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM
Mặc dù có nhiều ưu việt so với sách giáo khoa tiếng Anh truyền thống, song để tham gia tiếng Anh đổi mới phải trang bị đủ cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ngoại ngữ. Đó là bảo đảm đủ phòng học, phòng lab, máy tính, máy chiếu, máy cát sét... Đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh cũng phải đạt chuẩn C1. Trong khi đó, học sinh sau khi đăng ký tham gia phải vượt qua kỳ thi khảo sát chất lượng theo nội dung chương trình A2 của Bộ GD-ĐT. Bởi vậy, năm học 2017-2018, ngay khi Sở GD-ĐT triển khai văn bản thực hiện thí điểm tiếng Anh lớp 10 theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, về các trường THPT, THCS-THPT, tính tới ngày 19-8 có 10/34 trường THPT đã gửi phản hồi không thể tham gia.
Điều kiện để tham gia Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 phải hội đủ từ cơ sở vật chất đến trình độ giáo viên và học sinh nên khó triển khai đại trà trong các trường học trên toàn tỉnh hiện nay
Thầy Ngô Văn Tú cho biết thêm: Một số trường THPT trên địa bàn tỉnh từ chối tham gia chương trình do những trường này chưa bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ giáo viên chưa đủ chuẩn. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 75/238 giáo viên chưa đạt chuẩn C2. Đặc biệt còn tùy thuộc vào số lượng đăng ký và chất lượng khảo sát đầu vào của học sinh. Trong một trường phải bảo đảm từ 1-2 lớp, mỗi lớp phải đạt trên 35 em mới có thể triển khai chương trình tiếng Anh mới.
KHÓ THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC TRUYỀN THỐNG
Tiếng Anh là bộ môn bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia và đề thi cũng gói gọn theo sách giáo khoa tiếng Anh truyền thống. Do đó, hầu hết giáo viên và học sinh tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh vẫn bám sát nội dung, chương trình và phương pháp dạy - học truyền thống. Giáo viên và phụ huynh, học sinh chủ yếu quan tâm tới kết quả điểm số các đợt kiểm tra và kỳ thi cuối cấp. Bởi vậy, đề án chưa được giáo viên, học sinh, phụ huynh hào hứng đón nhận.
Thầy Nguyễn Văn Cường cho biết thêm: Mặc dù Trường THPT chuyên Quang Trung đã thực hiện thí điểm được 3 lớp qua 3 khóa học nhưng khi tham gia các kỳ thi, thậm chí kỳ thi THPT quốc gia, bộ đề vẫn theo chương trình truyền thống nên học sinh phải bám nội dung, phương pháp sách cũ. Thậm chí, nhiều giáo viên tiếng Anh cũng ngại khi thay đổi giáo án sang phương pháp mới. Nhiều giáo viên trang bị phương pháp và từ vựng nhằm giúp học sinh vượt qua các kỳ thi, chứ chưa phải để các em vận dụng tiếng Anh vào đời sống.
Khi giáo viên và học sinh khu vực đô thị chưa mặn mà với chương trình tiếng Anh mới thì khó thay đổi được phương pháp truyền thống của giáo viên, học sinh khu vực vùng sâu. Bởi thế, khi chúng tôi trao đổi về vấn đề đổi mới sách tiếng Anh lớp 10 thí điểm, cô Mai Thị Thanh Hằng, Trường THPT Đắk Ơ (Bù Gia Mập) nói: Tôi đã dạy tiếng Anh ở Trường THPT Đắk Ơ được gần 10 năm. Hầu hết học sinh ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn từ vựng không có, yếu ngữ pháp. Do đó, khi tiếng Anh trở thành bộ môn bắt buộc, chúng tôi cần phải giúp các em có đủ vốn từ, ngữ pháp để vượt qua các kỳ thi, sau đó mới tính tiếp đến việc trang bị kỹ năng ngoại ngữ. Do đó, theo tôi, tiếng Anh đổi mới theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 chưa thật phù hợp với điều kiện thực tế khu vực vùng sâu, đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Đổi mới sách giáo khoa tiếng Anh hay phương pháp dạy là tiến trình vận động theo hướng tích cực giúp nền giáo dục Việt Nam nâng cao chất lượng phù hợp với xu thế thời đại hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, chất lượng chỉ được nâng cao khi cả cơ sở vật chất, người dạy và người học đã sẵn sàng thích ứng và vận dụng.
Cẩm Liên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065