Học sinh tiểu học đón năm học mới
Năm học 2013-2014, công nghệ giáo dục sẽ được thí điểm triển khai ở lớp 2 với các môn Toán 1, Văn 2, Giáo dục lối sống 1, Tiếng Việt 2. Có 6 tỉnh thành với 10 trường sẽ tham gia hoạt động này, gồm Hải Dương, Lào Cai, Lạng Sơn, Nam Định, Tây Ninh và Hà Nội.
Hiện công tác tập huấn cho các giáo viên cũng như cán bộ giáo dục các địa phương đang được tổ chức tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Nhà xuất bản Giáo dục đã biên soạn các bộ tài liệu này để thực hiện thí điểm. Nếu triển khai tốt, tài liệu này sẽ được nhân rộng trong những năm tiếp theo.
“Tôi mong các giáo viên bằng tâm huyết với nghề và trách nhiệm với học sinh, với khoa học giáo dục sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ triển khai thí điểm. Cái mới bao giờ cũng khó nhưng cần làm để đáp ứng yêu cầu đổi mới,” ông Hữu nói.
Trước đó, trong năm học 2012-2013, ngành giáo dục cũng đã thí điểm triển khai công nghệ giáo dục ở môn Tiếng Việt lớp 1 với sự tham gia của 19 tỉnh thành. Chỉ sau một năm triển khai, phương pháp mới này đã nhận được sự đánh giá tốt từ phía các nhà trường và học sinh. Vì thế, trong năm học 2013-2014, đã có trên 40 tỉnh thành đăng ký triển khai, nhưng do một số tỉnh đăng ký muộn nên Bộ chỉ đáp ứng được 37 tỉnh.
Trong số này, có địa phương đã triển khai đại trà, tiêu biểu như tại Nam Định. Theo đó, năm học mới này sẽ có 29.000 học sinh lớp 1 của Nam Định học môn Tiếng Việt 1 theo công nghệ giáo dục.
Công nghệ giáo dục là công trình nghiên cứu của giáo sư Hồ Ngọc Đại, bắt đầu thí điểm từ năm 1978 tới nay tại Trường phổ thông cơ sở Thực nghiệm (Hà Nội). Đến năm 1985, trường Thực nghiệm được phép mở rộng ra các tỉnh. Năm 1990, đề tài quốc gia Công nghệ Giáo dục được nghiệm thu, thành lập Trung tâm Công nghệ Giáo dục. Đến năm 2001, Công nghệ Giáo dục đã mở ra 43 tỉnh và thành phố, nhưng sau đó dừng lại vì nghị quyết “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”. Công nghệ giáo dục kể từ đó chỉ còn áp dụng tại trường thực nghiệm.
(Theo Vietnam+)