BP - Đoàn thí sinh Việt Nam vừa kết thúc thắng lợi cuộc thi tay nghề Asean lần thứ 10 bằng một thành tích xuất sắc: đứng nhất toàn đoàn với 15 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 7 huy chương đồng. Kết quả đạt được của đoàn Việt Nam thực sự thuyết phục, bởi đây là lần thứ 3 Việt Nam xếp vị trí nhất toàn đoàn qua 10 lần dự thi tay nghề Asean. Xét về chuyên môn, Việt Nam luôn đứng trong Top 3 nước dẫn đầu. Và không chỉ thi tay nghề mà từ trước tới nay, bất kể thi Toán, Lý, Hóa hay thi Robocon, người Việt mình hễ thi đâu là thắng đó!
Thế nhưng trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 5-10, khi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được ốc vít cho Tập đoàn Samsung (nhưng cũng không quên nói rằng, việc đưa sản phẩm vào chuỗi sản xuất của Samsung lại là chuyện khác) đã làm dấy lên hai luồng ý kiến. Một số tỏ ra mừng rỡ vì cuối cùng ta đã làm được điều tưởng chừng không thể. Nhưng số đông thì ngậm ngùi bởi người Việt thông minh thế mà những vật dụng đơn giản như con ốc vít hay cái sạc pin điện thoại vẫn chưa làm được, hoặc đã làm nhưng lại chưa được đưa vào chuỗi sản xuất của một tập đoàn kinh tế lớn đặt ngay trên đất nước mình. Có người nói, thế giới người ta chế tạo ra máy bay, tàu ngầm, người máy từ lâu, giờ ta mới làm được con ốc vít đã la toáng lên là sao(!?) Lại có người tự hỏi, ta đào tạo được hàng ngàn tiến sĩ mỗi năm, số lượng giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ đông nhất thế giới, sao chỉ có con ốc vít mà phải trầy trật thế?
Những phản ứng có phần thái quá của một số người nhân chuyện con ốc vít xuất phát từ một thực tế đáng buồn về sự bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo ở nước ta hiện nay. Với một đất nước có tới 70% số dân sống bằng nghề nông, nhưng suốt nhiều năm qua ta không quan tâm đến dạy nghề mà lại mải miết đào tạo trình độ cao, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoài hệ thống trường đại học tập trung ở các thành phố lớn, hầu như tỉnh nào cũng đều có hoặc sắp có trường đại học. Ngay Bình Phước chúng ta, số dân chưa tới 1 triệu người, cách không xa các trung tâm đào tạo lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương mà không bao lâu nữa cũng sẽ có hai trường đại học! Hệ quả là tình trạng thừa thầy thiếu thợ tràn lan. Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ, cả nước hiện có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. Trong khoảng 10 năm gần đây, tỷ lệ tiến sĩ tăng 7%/năm và thạc sĩ tăng 14%/năm. Trong khi đó, tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí thạc sĩ không kiếm được việc làm khá phổ biến. Nhiều trường hợp đã phải cất bằng đại học, bằng thạc sĩ đi học một nghề trung cấp để có việc làm nuôi sống bản thân. Đây quả là chuyện ngược đời xưa nay và chỉ có ở Việt Nam!
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2020 đặt ra yêu cầu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình. Và để đạt được điều đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đã phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 là 55% và đến năm 2020 là 70%. Đây quả là bài toán không dễ chút nào khi nhìn lại hệ thống đào tạo cao đẳng, đại học và dạy nghề ở nước ta hiện nay.
T.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065