Một điểm khá đặc biệt năm nay lễ vinh danh nông dân và doanh nhân diễn ra chỉ cách nhau ít giờ, là tối 12 và sáng 13-10, và đều diễn ra tại Hà Nội. Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” đã lựa chọn 63 nông dân xuất sắc tiêu biểu, đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, không thiếu một địa phương nào và mỗi địa phương có 1 người được vinh danh. Đại diện cho Bình Phước, được vinh danh là nhà nông Phạm Mạnh Thêm. Còn trong số 100 doanh nhân được vinh danh năm nay, có nhiều doanh nhân người nước ngoài đến làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam...
Ngoài tầng lớp hoàng tộc, quan lại cai trị, xếp thứ bậc trong xã hội phong kiến thời xưa là “nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ cổ” (cổ - buôn bán), thường ngắn gọn lại là “sĩ, nông, công, thương”. Tức là tầng lớp nho sĩ được coi trọng nhất, rồi tới nông dân, tiếp đến thợ thủ công, cuối cùng mới tới thương - được gọi một cách phân biệt là “con buôn”. Thương - thương nhân, bị xem là người không tạo ra của cải cho xã hội mà chỉ “thừa nước đục thả câu”, trung gian “buôn nước bọt” để làm giàu. Thực tế họ cũng thường giàu hơn 3 tầng lớp sĩ, nông, công, nên bị “đánh hội đồng”, bị xem là thấp kém, song cũng phải đúc kết lại “phi thương bất phú”.
Ngày nay, xã hội không chỉ có 4 tầng lớp đó, nhưng căn bản thay đổi không đáng kể. Tầng lớp chính trong xã hội vẫn là trí thức, công nhân, nông dân và doanh nhân. Sự thay đổi lớn là vai trò của các tầng lớp trong sự phát triển. Chiến lược phát triển của Việt Nam cũng như tất cả quốc gia khác, mỗi tầng lớp giữ một vai trò nhất định, không thể thiếu bất kỳ đội ngũ nào. Vấn đề là từng cá thể đóng góp như thế nào mà thôi.
Đội ngũ trí thức có đóng góp rất lớn cho quốc gia, dân tộc. Nhưng ở góc độ cá thể, không ít người được xem là trí thức, song chỉ có bằng cấp chứ không có trình độ thật sự, thậm chí có bằng kiểu “học giả bằng thật”, không có thực lực, không có chút “chất xám” nào, chỉ biết “gọi dạ bảo vâng”, xu nịnh để tiến thân, “thượng đội hạ đạp”... Những trí thức này thì chỉ báo cô, ăn bám xã hội. Là nông dân, công nhân không đóng góp gì vào báo cáo thành tích về mặt bằng trình độ bằng cấp của thôn ấp, xã phường, huyện thị, công ty... nhưng lại trồng trọt, chăn nuôi giỏi, làm giàu cho mình, có “bàn tay vàng”, luôn nỗ lực lao động hết mình, thì có giá trị gấp vạn lần những trí thức ăn bám.
Doanh nhân thì đã hoàn toàn khác xưa, ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn. Từ năm 1945, ngày 13-10, ngay sau nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới công thương. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “...Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này... Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng...”.
Hơn lúc nào hết, hướng tới một quốc gia hùng mạnh, đất nước đang rất cần không chỉ hàng trăm, hàng ngàn, mà là cả một thế hệ nông dân, doanh nhân xuất sắc tiêu biểu.
Hưng Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065