BP - “Được cấp có thẩm quyền nhiều lần xem xét đề bạt làm cán bộ quản lý, nhưng tôi từ chối. Có người nói tôi dở hơi, nhưng mình chỉ thích làm chuyên môn. Còn đam mê sáng chế cũng chẳng biết bắt đầu từ khi nào. Lúc đầu chỉ nghĩ, mình nên tận dụng các vật dụng sẵn có chế tạo thành những sản phẩm giúp nâng cao năng suất, giảm bớt phần nào sức lao động cho người thân trong gia đình. Làm riết rồi mê và cũng nhờ đó mà tôi không còn thời gian rảnh để la cà, nhậu nhẹt, ảnh hưởng đến sức khỏe” - thầy Nguyễn Văn Năm, giáo viên Trường tiểu học Long Giang, thị xã Phước Long chậm rãi nói bằng chất giọng đặc trưng quê hương Quảng Ngãi.
COI HỌC TRÒ NHƯ CON
Sinh năm 1970, nhưng thầy Năm đã có 30 năm gắn bó với ngành giáo dục. Thầy kể: Năm 1960, gia đình tôi cùng rất nhiều đồng hương từ Quảng Ngãi vào Phước Long lập nghiệp và gắn bó với mảnh đất thôn Sơn Hòa 2, xã Long Giang đến nay nên vẫn giữ được chất giọng quê. Ở thập niên 90 của thế kỷ trước, Phước Long là huyện vùng sâu, xa, khó khăn của tỉnh Sông Bé, rất thiếu giáo viên. Từ nhỏ đã thích nghề dạy học, thế nên học xong phổ thông tôi xin được đứng lớp dạy chữ cho trẻ và gắn bó luôn tới giờ. Người thầy muốn dạy giỏi, ngoài năng khiếu, tình yêu nghề thì phải có kỹ năng sư phạm. Ý thức được điều này nên tôi chủ động tham gia học tập các lớp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị.
Ở Long Giang, hỏi thầy Năm hầu như ai cũng biết, bởi thầy không chỉ là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, được đồng nghiệp nể trọng, học trò quý mến mà còn là tấm gương về tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Trước đây, số học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 7, xã Long Giang ra lớp rất ít và thường xuyên bỏ học do đời sống, điều kiện đi lại khó khăn. Năm 2013, thầy xung phong giảng dạy ở điểm lẻ thôn 7 và cũng từ đó phong trào học tập ở đây được cải thiện rõ nét. Con em đồng bào đi học nhiều, tích cực học tập hơn nên sĩ số các lớp luôn được duy trì trong nhiều năm qua.
Thầy Nguyễn Văn Năm mài một số chi tiết cho sản phẩm sáng tạo mới
Thầy Năm chia sẻ, học trò S’tiêng rất nhút nhát. Nếu truyền đạt theo phương pháp thầy nói trò nghe hoặc quá nghiêm khắc trong giảng dạy, các em rất mau chán, rồi bỏ học. Do vậy, thầy Năm học “lỏm” tiếng đồng bào để trò chuyện, lắng nghe các em và dạy theo hình thức “học mà chơi, chơi mà học” giúp các em tự tin, cởi mở. Đồng thời, chủ động tuyên dương, khích lệ những em học tập tốt và khuyên nhủ, động viên, tận tình hướng dẫn, chỉ bảo các em học yếu. Nhất là phải kiên trì đeo bám không để các em nghỉ học để tránh bị hổng kiến thức. Nhiều em ở xa, cha mẹ lại không quan tâm đến việc học của con, thầy phải đến tận nhà đưa các em ra lớp. Đã có trường hợp nói với thầy “Học gì mà học hoài vậy! Cho nó nghỉ vài bữa đi thầy!”, khiến thầy cười ra nước mắt.
Thầy Năm còn sáng chế các dụng cụ giúp việc truyền đạt kiến thức tốt hơn và trực tiếp hỗ trợ học sinh làm những sản phẩm tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng các cấp. 3 năm qua, học sinh của Trường tiểu học Long Giang có 5 sản phẩm đạt giải cấp thị xã, được chọn dự thi cấp tỉnh và đã có 2 mô hình đạt giải. Trong đó, em Điểu Nhật Hào, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Long Giang có sản phẩm “Dụng cụ mài dao” đoạt giải ba cấp tỉnh. Hào nói: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi mới đi học em chỉ nghĩ học cho biết chữ rồi ở nhà phụ giúp ba mẹ. Được thầy Năm động viên, giúp đỡ và tận tình hỗ trợ khi phát hiện em có sáng kiến hay đã tạo động lực cho em học tập tốt hơn. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ công thầy”.
Thầy Năm giới thiệu máy ấp trứng đa năng được chế tạo từ những vật dụng sẵn có
Với sự nỗ lực phấn đấu, năm 1997, thầy Năm vinh dự được kết nạp Đảng, được Bộ GD-ĐT tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng, thì cũng ngần ấy năm thầy được các cấp và ngành tuyên dương, khen thưởng. Thầy Đặng Đình Thám, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Long Giang nói: Tuy không tham gia công tác quản lý và đã nhiều năm gắn bó với nghề nhưng thầy Năm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn nhất mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì cho bản thân. Thầy là tấm gương mẫu mực cho cán bộ, giáo viên trong trường học tập.
ĐAM MÊ SÁNG TẠO
Không chỉ nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục, thầy Nguyễn Văn Năm còn là tấm gương về đam mê sáng tạo. Sản phẩm do thầy sáng chế đều bắt nguồn từ những công việc liên quan đến thực tiễn lao động sản xuất với mong muốn giảm bớt phần nào sức lao động của người nông dân. Tuy có nhiều mô hình được ứng dụng vào thực tế, mang lại lợi ích thiết thực nhưng thầy chỉ gửi 2 sản phẩm (máy xắt LT và máy ấp trứng) dự hội thi sáng tạo kỹ thuật thị xã Phước Long và đều đoạt giải. Riêng sản phẩm máy xắt đạt giải khuyến khích cấp tỉnh và được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Thầy Năm chia sẻ: “Trước đây, điều kiện kinh tế khó khăn, các con còn nhỏ, trong khi thu nhập chính chỉ dựa vào tiền lương giáo viên. Để cải thiện đời sống, gia đình phải nuôi thêm heo rừng lai, có thời điểm nuôi hàng trăm con. Nuôi nhiều heo, lượng rau tiêu thụ lớn nên hằng ngày vợ tôi phải dành nhiều thời gian thái cây chuối, rau củ các loại rất cực khổ đã tạo động lực để tôi chế tạo máy thái thức ăn gia súc, gia cầm. Sau nhiều lần thử nghiệm, năm 2016, sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên ra đời được tôi đặt tên là máy xắt LT (lưỡi thẳng). Máy này thái được nhiều loại rau, như thân cây chuối, củ mì, rau lang, các loại cỏ và củ quả khác. Các loại rau được thái theo nhiều kích cỡ khác nhau, tùy vào nhu cầu chăn nuôi và không bị giập nát. Đã có 12 nông dân ở trong và ngoài thị xã đặt hàng do máy dễ thao tác, bảo đảm an toàn cho người sử dụng và có thể thái liên tục với năng suất cao”. Là người sử dụng máy xắt LT hơn 3 năm phục vụ nuôi heo, gà số lượng lớn, ông Lữ Khách Phong Lưu ở khu phố 2, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long khẳng định, máy xắt LT không chỉ thái đa năng mà chất lượng cũng rất tốt và bền.
Người dân ở đây phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy, những sản phẩm do thầy Năm chế tạo rất quan trọng, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho nhà nông. Ông Phạm Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Giang nói |
Máy ấp trứng cũng được thầy chế tạo xuất phát từ thực tiễn chăn nuôi của gia đình. Thầy Năm cho hay, có thời gian gia đình nuôi rất nhiều gà nên nhu cầu con giống cao, trong khi phương pháp ấp truyền thống hiệu quả không cao. Tìm hiểu thực tế các hộ chăn nuôi đã mua máy ấp trứng trên thị trường nhận thấy, tỷ lệ đạt không mấy khả quan và giá thành rất cao. Vì vậy, thầy chủ động nghiên cứu, chế tạo máy ấp trứng đa năng (có thể ấp được nhiều loại trứng khác nhau). Loại máy này tận dụng được hầu hết vật liệu sẵn có tại địa phương, như gỗ tạp, tre, nứa, thậm chí cả lồng máy giặt cũ hay vỏ tủ lạnh hư. Nhờ bố trí hợp lý và hiệu quả các thiết bị, bảo đảm việc lưu thông nhiệt, khí, gió... nên tỷ lệ trứng ấp đều đạt trên 85%.
Cũng vì đam mê sáng chế mà thầy Năm xây riêng một gian nhà nhỏ làm xưởng chế tạo với đầy đủ các loại máy móc, như máy hàn, máy tiện, máy khoan... Ngoài máy thái, máy ấp, các sản phẩm khác trong nhà, như chuồng nuôi chim cút tiện dụng, máy phát cỏ an toàn, máy thái gia vị... cũng được thầy sáng chế, cải tạo từ những vật dụng sẵn có. “Mình làm tốt công tác chuyên môn và có thời gian dành cho sáng chế cũng là nhờ người vợ thảo hiền hằng ngày chăm lo tốt công việc trong nhà. Mình cũng luôn ý thức phải làm gương cho con cái nên hằng ngày chủ động sắp xếp công việc một cách khoa học. Hiện ngoài đứng lớp, tham gia các hoạt động chung của trường, tôi dành hầu hết thời gian còn lại phụ vợ chăn nuôi, chăm sóc vườn rẫy... và tập trung tìm tòi những ý tưởng sáng tạo mới” - thầy Năm nói. Noi gương thầy, con gái lớn theo học ngành sư phạm, hiện là giáo viên Trường tiểu học Phước Bình, thị xã Phước Long; còn con trai út cũng ý thức tự lập từ nhỏ nên luôn cố gắng trong học tập và đang học Trường sĩ quan Lục quân II.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065