Thay đổi từ nhận thức
Xã Thuận Lợi có 6 thành phần dân tộc (19,5% số dân toàn xã), sống tập trung ở 2 ấp Thuận Tiến và Thuận Tân. Trước đây, đồng bào DTTS chủ yếu sống du canh, du cư nên không ổn định, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Vì vậy, chuyện thiếu đói, thất học của trẻ em khá phổ biến; người dân trong độ tuổi lao động thất nghiệp, thiếu việc làm nhiều. Một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2000, hơn 40 hộ đồng bào DTTS ở ấp Thuận Tân được hưởng dự án định canh, định cư tại địa phương. Mỗi hộ được cấp 1 căn nhà tôn và 8 sào đất sản xuất. Tuy nhiên sau khi nhận đất, không ít hộ đã sang nhượng, cầm cố và lại rơi vào nghèo đói. Bên cạnh đó, trong đời sống người DTTS còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu đã kìm hãm sự phát triển của đồng bào. Và do nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động.
Đồng bào DTTS tích cực học nghề cạo mủ cao su để có việc làm ổn định
Trước tình hình đó, hàng năm Đảng ủy xã đã ra nghị quyết về các giải pháp xóa nghèo bền vững cho đồng bào DTTS trên địa bàn; đồng thời triển khai cho 8 khu dân cư thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, trong đó đặc biệt chú ý 2 ấp đồng bào DTTS. Thông qua hoạt động của MTTQ, khối dân vận, ban dân tộc, tôn giáo, ban điều hành ấp “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân không sang nhượng, cầm cố đất, bán điều non, không du canh, du cư. Đảng ủy, chính quyền xã phối hợp tốt với hội đồng già làng, chức sắc, chức việc để họ đi sâu, sát, nắm tình hình, có cách thuyết phục hiệu quả hơn. Các trưởng ban điều hành ấp là người DTTS nên dễ trao đổi, hiểu được nguyện vọng của người dân.
Ông Hà Xuân Đỉnh, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Thuận Tiến cho biết: Để làm tốt công tác tuyên truyền, tôi đã tự học tiếng Xêtiêng. Nhờ vậy trong giao tiếp, tôi hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào nên việc vận động càng thêm thuyết phục. Nhận thức của đồng bào DTTS từng bước chuyển biến tích cực. Người dân ổn định sản xuất, không còn sang nhượng, cầm cố đất, bán điều non; đặc biệt không du canh, du cư, biết giữ đất sản xuất và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
... Và hiệu quả thực tế
Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai Nguyễn Thành Nuôi: Hiện tỉnh Gia Lai có 1,4 triệu người, 34 thành phần dân tộc, trong đó 17% hộ nghèo, đa số là đồng bào DTTS. Với những kinh nghiệm được trao đổi, chia sẻ về công tác xóa nghèo bền vững trong đồng bào DTTS, chúng tôi thấy cần học tập Bình Phước về các phong trào như: Xây dựng các quỹ xoay vòng hỗ trợ phát triển kinh tế; thành lập các câu lạc bộ sản xuất - kinh doanh; tập huấn khoa học - kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm; phát huy vai trò của già làng, chức sắc chức việc trong tuyên truyền, vận động đồng bào; giao lưu văn hóa giữa các dân tộc... |
Ông Đinh Văn Hương, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Thuận Tân chia sẻ: Quan trọng nhất là công tác tập hợp đồng bào cùng sinh hoạt, lao động tập thể. Trong ấp đã duy trì được phong trào vần đổi công, thăm hỏi lúc ốm đau, động viên khi ma chay, cưới hỏi, giúp cây - con giống. Tất cả đều được đưa vào bình xét tiêu chí gia đình văn hóa. 3 năm qua, người dân đã giúp nhau 2.000 ngày công lao động, gây quỹ cho 25 hộ vay không lãi để phát triển sản xuất 250 triệu đồng. Người dân còn đóng góp được gần 100 triệu đồng và hàng trăm ngày công để làm đường nông thôn, mua cống thoát nước; có 179 hộ đóng góp được 3 tỷ 218 triệu đồng tự kéo 12,5km đường điện về khu dân cư.
Ông Võ Trọng Khang, Chủ tịch UBND xã Thuận Lợi cho biết: Đảng ủy, chính quyền xã luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh của người dân gắn với xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các hội, đoàn thể đã hình thành nhiều câu lạc bộ hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật phát triển kinh tế. Ưu tiên hộ đồng bào DTTS vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tư các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp; thực hiện dự án “Ngân hàng bò” cho hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, xã vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà cho đồng bào nghèo ổn định cuộc sống. Từ năm 2010 đến nay, các hội, đoàn thể xây dựng quỹ cho 85 hộ đồng bào vay 850 triệu đồng; có 152 lượt nông dân DTTS đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp; giảm 33 hộ đồng bào nghèo; xây được 23 căn nhà tình thương, đại đoàn kết, đồng đội trao cho 23 hộ khó khăn về nhà ở. Duy trì 2 đội cồng chiêng của đồng bào Xêtiêng và mỗi năm một lần, chính quyền xã tổ chức hội diễn văn hóa - văn nghệ giao lưu giữa các DTTS.
Ông Ma Ly Phước, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng: Làm thay đổi nhận thức của đồng bào trong phát triển kinh tế và trao cho họ “cần câu” là điều cơ bản nhất để xóa nghèo bền vững. Từ việc tuyên truyền, thuyết phục đồng bào giữ đất sản xuất; chuyển giao khoa học - kỹ thuật sẽ kích thích đồng bào đổi mới, sáng tạo và chủ động trong sản xuất với những mô hình kinh tế hiệu quả.
H.Châu - K.Diễm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065