Đặc biệt, dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, tối 15-11, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Những câu chuyện, sẻ chia của 48 thầy, cô chăm sóc cho trẻ khuyết tật đến từ nhiều vùng miền trên cả nước đã khiến người xem vô cùng xúc động. Đó không chỉ là những giáo viên đang công tác trong các trung tâm, cơ sở chăm sóc, dạy trẻ khuyết tật mà còn có cả những thầy, cô dạy trẻ khuyết tật trong các trường phổ thông. Nhưng cho dù ở đâu, mỗi thầy, cô đều luôn yêu thương hết lòng với học sinh khuyết tật, kém may mắn. Những câu chuyện người thật, việc thật trong chương trình đã mang đến một xúc cảm chủ đạo với người xem, lấn át những thông tin không hay, không đẹp về nghề giáo thi thoảng xuất hiện trên mạng xã hội.
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin nên mọi chuyển động của xã hội đều được cập nhật thường xuyên trên mạng. Thế nhưng quan niệm từ ngàn xưa: Nhà giáo là phải chuẩn mực, thanh liêm dường như vẫn tồn tại một cách máy móc trong nhận thức của nhiều người, khiến người ta luôn đòi hỏi ở nhà giáo nhiều hơn khả năng của họ. Và vì thế, nhà giáo thường được “chăm sóc” quá mức. Có phụ huynh gửi tin nhắn đến cô giáo chủ nhiệm xin cho con nghỉ học vì bị sốt, cô giáo nhắn lại “Ok” thì vị phụ huynh nọ chụp màn hình tin nhắn rồi “quăng” lên mạng. Thế là cộng đồng mạng lao vào “ném đá” cô giáo, cho rằng cô thiếu văn hóa trong ứng xử. Có thầy giáo phải phụ vợ bưng đồ ăn cho khách thì bị lén chụp hình đưa lên mạng với lời bình ác ý. Có phụ huynh dự cuộc họp kết thúc năm học, vừa nghe kết quả học tập, rèn luyện của con mình loại trung bình yếu đã “ném” ra những câu bất lịch sự và đổ hết trách nhiệm, rằng tôi đã đóng học phí đầy đủ, con tôi hư hay học kém là do thầy, cô...
Thầy cô trước hết là người bình thường với tất cả hỉ, nộ, ái, ố cùng những nhu cầu tâm - sinh lý thông thường. Họ đâu phải “thánh sống” để không bao giờ được bực dọc, lo lắng hay mưu sinh khi đồng lương nhà giáo chưa đủ sống. Ở lớp, mỗi thầy, cô phải quán xuyến trên dưới 40 học sinh, tùy cấp học, trong đó có cả những trường hợp cá biệt. Họ nào có “phép thần thông” gì để vừa truyền đạt kiến thức chung cho cả lớp; vừa uốn nắn dạy dỗ, rèn luyện nhân cách cho những em cá biệt, học lực yếu. Họ làm sao có đủ thời gian để nhắn tin một cách lễ phép đến tất cả phụ huynh trong giờ học? Làm sao họ có thể bảo đảm tất cả các em đều có thành tích học tập ngang nhau? Nhà giáo cũng cần phải sống. Họ bưng đồ ăn cho khách hay bán xôi, làm hàng xay hàng xáo, sửa xe... thì đều là những việc làm lương thiện, chính đáng, không ảnh hưởng gì đến nhân cách nhà giáo. Nhưng đáng buồn thay, tâm lý đám đông, lối hành xử thiếu suy nghĩ và trào lưu “ném đá” vô tội vạ trên mạng xã hội là nguyên nhân dẫn đến thái độ bất kính của học sinh, phụ huynh đối với thầy, cô.
Hãy công bằng với thầy, cô, đừng vì một vài cá nhân thiếu chuẩn mực hay vi phạm đạo đức nhà giáo mà “vơ đũa cả nắm”, hành xử bất công tất cả những người đang mang trọng trách “trồng người”.
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065