“Tôi đến với bóng bàn cùng chiếc nạng”
Đó là câu chuyện của ông Trần Hoài Ngọc (56 tuổi), vận động viên (VĐV) người khuyết tật huyện Bù Đăng. Tham gia hội thao với tinh thần vui vẻ và lòng đam mê bóng bàn, ít ai biết ông Ngọc bị liệt chân phải từ năm 2 tuổi sau một trận sốt nặng. 6 tuổi, ông bắt đầu sử dụng nạng thay chân phải. Không nản lòng vì bệnh tật, ông làm quen các môn nghệ thuật như vẽ, chơi ghita để giải khuây. Tới năm 2012, được sự giúp đỡ của bạn bè, ông tập chơi bóng bàn và yêu môn thể thao này lúc nào không hay.
130 vận động viên khuyết tật của 11 huyện, thị tham gia hội thao
“Môn bóng bàn yêu cầu VĐV không quá khó nên phù hợp với thể trạng của tôi. Chơi bóng bàn giúp tôi nâng cao khả năng phản xạ. Đồng thời, vận động khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, các mô cơ cũng được hoạt động, giúp tôi giảm nguy cơ bị teo cơ chân. Nhờ luyện tập thể dục thể thao đều đặn nên tay và chân của tôi rất khỏe, có thể làm việc, sinh hoạt như người bình thường. Hiện tôi đã mua một bàn đánh bóng tại nhà để chơi mọi lúc” - ông Ngọc cho biết.
Để chơi được bóng bàn, ông Ngọc phải trải qua thời gian làm quen khá chật vật. Do liệt chân phải nên ông tập bóng bàn bằng tay trái. Sau nhiều năm chơi thể thao, ông Ngọc không còn mặc cảm như trước và sống có ích hơn với gia đình. Những lần thi đấu thể thao trong tỉnh, ông còn giao lưu, kết bạn với nhiều người khuyết tật. Tham gia Hội thao người khuyết tật Bình Phước lần 3, ông hướng tới mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch bóng bàn hội thao trước.
Chơi thể thao giúp người khuyết tật sống tốt hơn
Vóc người nhỏ nhắn, ít ai biết VĐV Trần Hữu Phúc là đương kim vô địch nội dung đua xe lắc cự ly 200m của hội thao người khuyết tật lần 2. Tại hội thao lần này, anh cũng là niềm hy vọng “vàng” của đoàn VĐV người khuyết tật huyện Bù Đăng.
Gắn bó với xe lăn từ năm 4 tuổi sau khi bị liệt 2 chân do một trận sốt bại liệt, từ năm 2014 anh Phúc được bạn bè giới thiệu môn đua xe lắc. Đối với anh, việc làm quen và học cách điều khiển xe lắc không khó. Để đạt kết quả tốt môn, VĐV cần rèn luyện cổ tay thật dẻo và dai sức. Đua xe lắc giúp người chơi trở nên kiên trì, nhẫn nại hơn và là cơ hội rèn luyện sức khỏe tuyệt vời. Sau một thời gian tập luyện, bệnh huyết áp cao, mệt mỏi và mất ngủ của anh đã giảm hẳn, sức khỏe cũng tốt hơn.
“Nhìn chung người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội gặp nhiều khó khăn, nhất là người khuyết tật khu vực nông thôn. Nhiều khi muốn đi làm mà không ai thuê, mọi sinh hoạt đời thường đều phải nhờ người trợ giúp khiến người khuyết tật thêm tự ti, khó hòa nhập cuộc sống” - anh Phúc nói. Đua xe lắc cũng như các môn thể thao khác là cơ hội để người khuyết tật kết giao bạn bè, mở rộng hiểu biết. Ngoài ra, tham gia hội thao cũng giúp VĐV người khuyết tật không ngừng nâng cao thành tích, xây dựng tinh thần phấn khởi, thêm tin yêu cuộc đời.
Bình Phước hiện có 48.047 người khuyết tật (chiếm 5,5% số dân toàn tỉnh), trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng là 6.333. Hội thao người khuyết tật lần thứ 3, năm 2016 có 130 VĐV tham gia đến từ 11 huyện, thị xã, diễn ra hai ngày 20 và 21-4. VĐV tranh tài ở 6 nội dung, gồm: Điền kinh, đua xe lăn, xe lắc, cầu lông, bóng bàn và cờ tướng. |
Trên sân vận động tỉnh, các VĐV khuyết tật hào hứng tranh tài nội dung chạy 200m. Người về đích đầu tiên vui mừng với chiến thắng, người về đích cuối cũng chẳng buồn phiền, vì họ đã nỗ lực để hoàn thành phần thi của mình. Trong 2 lần tham gia hội thao người khuyết tật tỉnh, đoàn thể thao người khuyết tật thị xã Phước Long đều nằm trong top 3 và một lần nhất toàn đoàn. Tuy vậy, anh Lê Trung Úy, huấn luyện viên điền kinh đoàn thể thao người khuyết tật Phước Long cho biết, những sân chơi cho người khuyết tật hiện nay rất thiếu.
Nhiều người khuyết tật là trụ cột gia đình, phải bươn chải mưu sinh hằng ngày, không có điều kiện chơi thể thao. “Sửa chữa máy tính, chẻ điều thuê, làm phụ hồ... là những công việc chủ yếu của người khuyết tật tại thị xã Phước Long hiện nay. Nhiều người khuyết tật dù muốn chơi thể thao nhưng do không thể tự chủ sinh hoạt nên đành gác lại niềm đam mê. Rất nhiều người phải vượt qua quãng đường cả chục kilômét đến sân chơi nhưng họ vẫn duy trì, đó là điều mà không phải ai cũng làm được” - anh Úy cho biết.
T.Tường - N.Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065