Hôm qua, QH đã dành cả một ngày làm việc tại hội trường để bàn thảo về các giải pháp kinh tế, xã hội với rất nhiều vấn đề cấp bách, từ chuyện cứu doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho đến các biện pháp cần làm để hỗ trợ ngư dân, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Chính sách cần được nhanh chóng cụ thể hóa
|
Phát biểu đầu tiên trong số 26 ý kiến thảo luận tại phiên sáng, ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) bày tỏ lo ngại trước tình trạng doanh nghiệp (DN) tiếp tục giải thể hàng loạt trong 4 tháng đầu năm; ngân hàng thừa vốn trong khi DN thì khó khăn chật vật tiếp cận tín dụng và vẫn đang phải “gồng mình trả lãi với lãi suất lên tới 15 - 16%”. “Các chủ trương chính sách của Đảng, QH, Chính phủ hỗ trợ khó khăn cho DN như giảm lãi suất, giảm thuế... là chủ trương đúng đắn, nhưng khi cụ thể hóa các chính sách lại rất chậm nên xảy ra tình trạng bệnh nặng đợi mãi thuốc mới về. Khi chữa thì đã quá muộn làm cho DN mất cơ hội...”, ông Sơn lo lắng.
Đề nghị NHNN có chính sách hạ lãi suất tiền vay xuống 8%, khoanh nợ các khoản vay cũ, các khoản vay quá hạn DN chưa trả được, ĐB này nhấn mạnh “cần áp dụng ngay lãi suất (cho vay) giảm dưới 10%, áp dụng hồi tố từ ngày 1-1-2013. Điều chỉnh thủ tục vay rườm rà, giúp DN đang gặp khó khăn dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng”.
Tiếp lời ông Sơn, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng bày tỏ lo lắng vì rằng sau nửa năm thực hiện NQ của QH tại kỳ họp 4 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bức tranh kinh tế ảm đạm hơn với trên 69% DN báo lỗ. Giải pháp hiện nay, theo ông Đồng, “không phải là cố gắng tạo ra tăng trưởng cao mà phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô để thực hiện tái cơ cấu và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực xã hội vào các mục tiêu phát triển”. Đồng thời với đó phải quyết liệt tháo gỡ hàng tồn kho của các DN.
Nhưng quan trọng hơn, theo ông Đồng, là cần phải “tháo gỡ vấn đề tồn kho thể chế, tồn kho kiến nghị và đặc biệt là tồn kho trách nhiệm và giải pháp để có thể ưu tiên cả trí lực và tài lực cho việc giải quyết rốt ráo các vấn đề cấp bách cũng như khởi động lại quá trình tái cơ cấu, tạo chuyển biến căn cơ cho nền kinh tế”.
|
Kiến nghị này được ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) hưởng ứng. Ông Vở đề nghị Chính phủ quan tâm, bổ sung làm rõ trong Báo cáo kinh tế xã hội nguyên nhân và trách nhiệm của bộ, ngành liên quan trong việc chậm trễ cụ thể hóa giải pháp QH đề ra trong NQ 31 về triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế vốn là một trong những nguyên nhân khiến khó khăn của nền kinh tế chậm được tháo gỡ.
Việc giảm thuế cho DN, nới lỏng chính sách tài khóa cũng là giải pháp nhiều ĐB đề nghị trong tình hình nguy cơ giảm phát cao hơn nguy cơ lạm phát như hiện nay. Theo ĐB Lê Công Đỉnh (Long An), bên cạnh việc tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, cần giảm thuế GTGT để giúp DN giảm giá bán sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho. “Trong năm 2013, các DN nhỏ và vừa phần lớn là lỗ nên giảm thuế TNDN sẽ có ý nghĩa không lớn, nhưng giảm thuế GTGT lại có ý nghĩa, tức là giảm giá bán sản phẩm để tăng sức cầu. Chính phủ cần kịp thời triển khai khi QH thông qua hai dự án luật Thuế TNDN và Thuế GTGT tại kỳ họp này”, ông Đỉnh phân tích.
Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cũng kiến nghị trước mắt trong hai năm 2013 và 2014 cần tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% GDP hiện nay. "Trong tình thế hiện nay, đầu tư công chính là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi mà chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. Tôi biết đây là một quyết định rất khó khăn của QH, nhưng là tình thế phải lựa chọn!”, ông nhấn mạnh.
Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cũng đề nghị cần sử dụng công cụ chính sách tài khóa để kích thích tổng cầu. “Cần tăng phát hành trái phiếu chính phủ để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản hàng chục ngàn tỉ đồng hiện nay, ưu tiên ứng vốn để tiếp tục hoàn thành các công trình xây dựng dở dang bằng vốn ngân sách”, ông Nghĩa gợi ý.
|
Cả hệ thống vào cuộc xử lý nợ xấu
|
Không đi thẳng vào các giải pháp cụ thể như phần lớn các ý kiến đã nêu, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ băn khoăn về tính xác thực của các số liệu “Đã từ nhiều năm nay, chúng ta cứ chấp nhận một thực tế vô lý về số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP quốc gia. Mấy năm gần đây, vấn đề sinh tử của nền kinh tế chúng ta là giải quyết nợ xấu và tồn kho bất động sản. Nhưng mức độ tin cậy của các số liệu là rất thấp”. Cho rằng ý kiến của nhiều ĐBQH băn khoăn về các số liệu thống kê là có cơ sở và những con số thiếu độ tin cậy có thể do kỹ thuật, có thể do phương pháp, có thể do trách nhiệm, do thiếu minh bạch và do cả bệnh thành tích nữa, ông Hiến nhấn mạnh: “Không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng được và như thế chúng ta sẽ gặp rất nhiều rủi ro”.
Giải thích thêm sự khác nhau về con số thống kê tại phiên chiều, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, ngoài số liệu của Tổng cục Thống kê còn phải căn cứ vào số liệu các bộ ngành: “Các số liệu của chúng ta hiện nay độ chính xác chưa cao, thậm chí có nhiều chỉ tiêu từ các ngành phụ thuộc vào sự chủ quan của cơ sở. Có một số số liệu mang tính khép kín nên chúng ta không đủ cơ sở để đánh giá mà cơ quan tổng hợp như chúng tôi rất vất vả khi xử lý những dữ liệu này”. Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng cách thống kê của VN là phù hợp với thông lệ của quốc tế.
Giải trình thêm sau đó về xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhiều lần đề cập cụm từ “tích cực” trong hành động của toàn bộ hệ thống ngân hàng và cho hay, chỉ sau gần 1 năm thực hiện, tức là từ tháng 4 năm ngoái đến nay, tổng số nợ mà hệ thống ngân hàng cơ cấu lại cho nền kinh tế và các DN là trên 284.000 tỉ đồng, xấp xỉ 10% tổng dư nợ.
Cũng theo Thống đốc, hệ thống ngân hàng đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn này. Năm 2012, tổng số nợ xấu được xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro xấp xỉ 70.000 tỉ đồng, 4 tháng đầu năm đã có 7.500 tỉ nợ xấu được xử lý bằng nguồn này. Với sự nỗ lực của ngân hàng, đã tháo gỡ được một phần rất lớn nợ xấu, kiềm chế được sự gia tăng nợ xấu. Ngoài ra, với việc thành lập công ty quản lý tài sản nợ VN, trong năm nay có thể góp phần giải quyết nợ xấu khoảng từ 40.000 - 70.000 tỉ đồng. “Chúng tôi rất cảm động vì đến nay cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để xử lý nợ xấu, NHNN không còn đơn độc nữa”, Thống đốc nói.
Không triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nếu ảnh hưởng môi trường Giải trình về ý kiến của các ĐB tỉnh Đồng Nai và Bình Dương về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết hiện nay các dự án này chưa được triển khai và chủ đầu tư vừa gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường đến Bộ Tài nguyên - Môi trường để xem xét, thẩm định. “Tôi xin khẳng định đến giờ phút này thì các dự án chưa được phê duyệt và khi chưa phê duyệt thì Chính phủ chưa trình QH. Nếu qua xem xét đánh giá tác động môi trường mà thấy ảnh hưởng lớn đến môi trường thì chúng tôi đề nghị không triển khai dự án”, ông Hoàng nói. |
Bài học quá khứ vẫn còn đó... Chúng ta núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển với nước Trung Hoa đang trỗi dậy, nhưng luôn gợi lại những bài học quá khứ mà ông cha ta đã phải đương đầu. Nói cách khác đó là căn bệnh thời khí không thể không tính đến nếu muốn thân thể quốc gia cường tráng, đủ sức chịu đựng những thách thức của thời đại mà chúng ta đã hội nhập ngày càng sâu sắc. Sự ví von này không ngoài mục đích nhắc nhở rằng sức khỏe của một quốc gia không thể chỉ quan tâm ngắn hạn và một khi không triệt để chữa trị sớm đều dễ dẫn đến bùng phát vào thời điểm ta không lường trước được, đe dọa sự an nguy của quốc gia... Tôi xin đề cập đến lĩnh vực mà lâu nay hình như sinh hoạt QH ít đề cập tới. Đó là vấn đề ngoại giao, quốc phòng. Nó ít xuất hiện trên chương trình nghị sự chung của QH và cũng thường được trình bày rất thoáng qua trong báo cáo Chính phủ. Đấy là 2 vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, đòi hỏi phải có phương thức tiếp cận đặc thù, nhưng nó lại là vấn đề an nguy đến quốc gia và toàn thể quốc dân. Nhưng điều đáng nói là một nền quốc phòng toàn dân không thể chỉ dựa vào ý chí của nhà nước nếu nó không tạo sự chia sẻ, đồng thuận cao trong toàn thể nhân dân. Đó là bài học của lịch sử nếu ta nhớ đến Hội nghị Diên Hồng thời Trần, đến Hội thề Lũng Nhai gắn với thời Lê, đến những câu chuyện đã thành kinh điển trong ứng xử với dân và với nhau của các nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhằm xây dựng sự đoàn kết, sức mạnh vua tôi đồng lòng, tướng sĩ đồng tâm. Cuối cùng, tôi muốn chuyển lời kiến nghị của những người làm công tác sử học tới Chính phủ là sang năm, vừa đúng 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của VN năm 1974, và 35 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Chính phủ nên chỉ đạo cuộc sinh hoạt chính trị thế nào để ghi nhận từ lịch sử dân tộc một bài học sâu sắc về chiến tranh, cũng là bài học về hòa bình. Chỉ có thấm nhuần những bài học lịch sử mới bảo vệ vững chắc được chủ quyền và giữ gìn được hòa hiếu lâu bền với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. (Nhà sử học Dương Trung Quốc, ĐBQH tỉnh Đồng Nai) |
(Theo TNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065