HỒI SINH VÙNG ĐẤT HOANG VU
Trưởng ấp Trần Văn Cáo còn nhớ như in năm 1996, gia đình ông từ TP. Hồ Chí Minh lên biên giới Thạnh Phú: “Quê tôi ở Hà Tiên (Kiên Giang). Có lẽ bà con S’tiêng “rất thật” đã níu kéo bước chân tôi dừng lại lập nghiệp...”. Ấp Thạnh Phú trước đây là một phần của ấp 7, xã Lộc Tấn nhưng là nơi du canh, du cư của đồng bào S’tiêng ấp Bù Núi. Là vùng đất hoang vu nên người dân sinh sống co cụm “sóc” ở nơi khô ráo. Ấp nhiều không: không đường, không ánh sáng, không nước sạch, không phương tiện đi lại, “mù” tiếng phổ thông... Phương tiện sản xuất chỉ có chiếc gùi và xà bần phát cỏ để tỉa lúa, bắp.
Năm 2006, sau khi chia lại địa giới hành chính xã Lộc Tấn, ấp Thạnh Phú được thành lập thuộc xã Lộc Thạnh. Thạnh Phú có 70 hộ người S’tiêng và 32 hộ người Kinh (di dân tự do). Ông Cáo nói: Ấp nghèo, muốn thay đổi tập quán du canh của bà con thì phải bố trí lại dân cư. Theo đó, tôi vận dụng kiến thức khi còn là Chánh văn phòng xã ở quê hương Hà Tiên (Kiên Giang), đầu tiên bố trí lại khu dân cư trên cơ sở đó hình thành diện mạo ấp. Tuy nhiên, muốn tiếp cận người dân để vận động bà con định cư theo quy hoạch rất khó. Vì vậy, phải cho trẻ em học chữ để từng bước tiếp cận với cha mẹ và dần thay đổi phong tục tập quán lạc hậu. Thương cha và cảm thông với bà con dân tộc, con gái cả Trần Khắc Thanh Ngữ (1985) đã gác giấc mơ vào đại học, cắt rừng tiếp cận với đồng bào tập hợp trẻ em để xóa mù chữ. Lớp học đầu tiên có 30 em, trong đó có cả con em người Kinh (di cư tự do). Sách giáo khoa, tập trắng, bút các con tôi vận động ở TP. Hồ Chí Minh. Dạy đến lớp 3, xã đề nghị Ban giám hiệu Trường tiểu học Lộc Thạnh kiến nghị Phòng GD-ĐT huyện xin mở điểm trường cho con em đi học có nền nếp.
“Theo đó, tôi và Ban điều hành ấp cùng lãnh đạo xã bắt đầu quy hoạch để hình thành diện mạo khu dân cư. Trong đó khảo sát hình thành các trục giao thông và vận động người dân làm nhà hai bên đường để thuận lợi cho đầu tư của Nhà nước như đường, điện thắp sáng, giếng nước tập trung gắn với bảo vệ an ninh trên tuyến biên giới. Quy hoạch khu dân song hành với nâng cao nhận thức cho người dân bằng việc gia đình tôi phải làm gương để bà con dần học theo từ việc vệ sinh, ăn uống đến bỏ tập quán lạc hậu trong trồng trọt, chăn nuôi để vận dụng kỹ thuật vào sản xuất...” - ông Cáo nhớ lại.
GIỮ VỮNG KHU DÂN CƯ VĂN HÓA TIÊU BIỂU
Năm 2018, Thạnh Phú có 134 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, chủ yếu là người S’tiêng; còn 7 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, chủ yếu là người già neo đơn; 97% trẻ em trong độ tuổi đến trường. Thạnh Phú có 17km đường biên giới cùng với ấp K’Liêu, xã Lộc Thành được tỉnh chọn xây dựng 2 mô hình điểm bảo vệ chủ quyền biên giới.
Hiện nay, Thạnh Phú có trục chính 5km đã được láng nhựa, người dân đồng lòng đầu tư đèn đường thắp sáng; 1,7km bê tông theo chương trình nông thôn mới, không còn đường đất. Nhờ quy hoạch dân chủ yếu làm nhà hai bên đường nên đều được hưởng lợi các công trình đường, điện do Nhà nước đầu tư. Cuối năm 2018, đã có 98% hộ dân ở Thạnh Phú được hưởng điện lưới quốc gia. Thạnh Phú cũng kêu gọi doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài xã đầu tư các công trình phúc lợi như điểm trường mầm non, tiểu học; công trình nước sạch đưa nước về tận gia đình.
Giữ vững khu dân cư văn hóa tiêu biểu, nhiều năm nay Thạnh Phú được huyện Lộc Ninh chọn điểm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (19-11). Thạnh Phú tự hào là ấp văn hóa tiêu biểu: không xảy ra các tệ nạn xã hội như cờ bạc, đá gà, trộm cắp, ma túy... Trong 10 năm qua, Thạnh Phú nỗ lực xóa đói, giảm nghèo bằng chính nội lực của mỗi gia đình. Không để cho thanh niên, người trong độ tuổi lao động quen với cảnh nông nhàn, chính quyền, hội, đoàn thể phối hợp dạy nghề cạo mủ, vận động trang trại thu nhận công nhân; tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên...
Hồi sinh một vùng đất hoang vu để xây dựng và giữ vững khu dân cư văn hóa tiêu biểu, Trưởng ấp Trần Văn Cáo đã được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc. Và không phải là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở khu dân cư 70% dân số đồng bào dân tộc thiểu số nhưng Trưởng ấp Trần Văn Cáo đã được bà con tin tưởng bầu là người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Thạnh Phú là điển hình trong sử dụng hiệu quả, bảo quản tốt 7 công trình giếng nước tập trung theo Chương trình 135. Nhà văn hóa ấp Thạnh Phú được xây dựng từ quỹ đất của trang trại tặng. Ngoài kinh phí xây dựng của Nhà nước, Ban điều hành ấp Thạnh Phú vận động doanh nghiệp, trang trại hỗ trợ 87 triệu đồng làm hàng rào, sân bê tông và công trình vệ sinh... phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065