BP -Giúp hàng trăm người không cần đền đáp, tập hợp đông thanh niên tham gia tổ chức đoàn, hội hay động viên, hướng dẫn thanh niên kiên trì lao động vượt qua đói nghèo... đó là những việc làm thiết thực trong học tập và làm theo Bác của các anh Điểu Xem, Điểu Nam, Điểu Xôn ở xã Đắk Nhau (Bù Đăng). Việc “làm theo” đó đã minh chứng Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã và đang từng ngày đi vào thực tiễn cuộc sống, thấm vào mọi hành động của mỗi người dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên.
ĐI ĐẦU TẬP HỢP THANH NIÊN
Lâu nay, bài toán khó của những cán bộ đoàn cơ sở là tập hợp, đoàn kết thanh niên nông thôn, dân tộc thiểu số (DTTS) vào tổ chức đoàn, hội. Thế nhưng, tại thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau, không kể những ngày lễ, hội, mỗi kỳ sinh hoạt chi đoàn luôn duy trì từ 25-30 đoàn viên, thanh niên tham gia. Con số ấn tượng đó là mục tiêu phấn đấu của nhiều chi đoàn nông thôn trong tỉnh và khu vực. Tham gia hoạt động đoàn từ năm 19 tuổi, nay đã 33 tuổi, anh Điểu Xem vẫn giữ nhiệt huyết trong vai trò thủ lĩnh phong trào đoàn ở thôn Đăng Lang. Anh nói: “Mình có cái chữ, ham hoạt động văn nghệ, thể thao thì làm phong trào thôi. Vấn đề lớn nhất của tổ chức đoàn cơ sở là tập hợp, đoàn kết thanh niên tham gia tổ chức hội, đoàn thể, qua đó tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời giúp thanh niên, đồng bào mình tìm hướng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống no ấm hơn”.
Đảng viên trẻ Điểu Xem hạnh phúc bên gia đình
Sau khi làm Phó bí thư, rồi Bí thư Chi đoàn thôn Đăng Lang, anh Điểu Xem đã có nhiều hình thức tập hợp, đoàn kết thanh niên hiệu quả. Việc đầu tiên là gây dựng và phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể thao. Sau khi đội bóng đá nam, nữ, bóng chuyền, đội văn nghệ, cồng chiêng... được thành lập, thanh niên trong chi đoàn từ 15 đã lên tới 25-30 bạn thường xuyên tham gia sinh hoạt. Nhiều thanh niên đã lập gia đình cũng tích cực tham gia hoạt động phong trào, như chị Thị Xin, Thị Mơ...
Đắk Nhau còn được biết đến là địa bàn “nóng” về bệnh sốt rét nên mỗi lần sinh hoạt chi đoàn, anh Điểu Xem đều lồng ghép tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh để thanh niên trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong gia đình và cộng đồng. Anh Điểu Xem còn giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thanh niên trong chi đoàn “bám” các đoàn y tế tham gia phòng, chống dịch bệnh... Khi chúng tôi đặt vấn đề, nơi vùng sâu, đông đồng bào DTTS, những thanh niên Mơnông nghĩ gì về việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đảng viên trẻ Điểu Xem trả lời ngay: “Học Bác là làm theo đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Học và làm theo Bác đã đem lại đời sống ấm no cho người dân Mơnông. Vì thế, đồng bào luôn ghi nhớ và học tập Bác từ những việc nhỏ nhất”.
GIÚP NGƯỜI KHÔNG MONG ĐỀN ĐÁP
Ở thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, mọi người đều thương cảm hoàn cảnh anh Điểu Xôn (32 tuổi). Bởi hơn 2 năm nay, anh sống cảnh “gà trống nuôi con”, vợ mất, người cha già sau cơn tai biến nằm một chỗ không đi lại được, người em gái hôn nhân nhưng đổ vỡ về bấu víu vào anh trai. Thương anh, nhiều người trong thôn khuyên đi bước nữa để có người chăm nom gia đình. Vậy nhưng, anh Điểu Xôn chỉ cười xòa và tiếp tục làm những việc mình yêu thích mà nhiều người trong vùng cho là “gàn dở”.
Trong vườn cây xen canh tiêu - điều - cà phê, anh Điểu Xôn kể lại những câu chuyện cứu người
Trong buổi chiều cuối năm, khi những vạt cao su đã rụng lá còn trơ lại cành xơ xác, chúng tôi lặng người với câu chuyện bị cho là “gàn dở” của anh Điểu Xôn. Đó là việc anh thường xuyên bỏ việc nhà đi giúp đỡ những người bị tai nạn hay bệnh tật. “Một ngày đi rẫy về, nghe nói thằng bạn thân bị tai biến, chân tay co quắp nhưng người nhà không dám cho đi bệnh viện, mình đã đến nhà thuyết phục gia đình cho nó đi chữa trị bằng phương pháp đông y của một thầy thuốc ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Thuyết phục được gia đình, mình trực tiếp cùng anh trai bạn chở đi bằng xe máy. Sau 1 tháng điều trị, bạn đã khỏe hoàn toàn. Từ đó, hễ có ai gặp trường hợp tương tự, mình đều mách nước và tình nguyện dẫn đường”.
Cứ thế, bên rặng tiêu xanh mướt đã cho những trái bói đầu tiên, anh Điểu Xôn tiếp tục kể chuyện về ông Điểu Ly trong thôn bị bệnh phù chân tay. Anh tự nguyện lấy xe máy chở ông Ly về huyện Tuy Đức chữa trị. Sau 2 trường hợp chữa trị bằng đông y thành công, nhiều người dân trong thôn được anh Điểu Xôn dẫn đi chữa trị một cách tận tình mà không nề hà chi phí. Đặc biệt, khi biết nhiều người dân trong thôn mắc bệnh nặng nhưng ngại đến các bệnh viện lớn chữa trị, anh Điểu Xôn đã thuyết phục và tình nguyện đi theo hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính.
Anh Điểu Xôn vẫn còn nhớ chuyến đưa ông Điểu Nốt hơn 60 tuổi cùng người con trai thứ của ông ngồi xe dịch vụ về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) lúc gần 1 giờ sáng. Tới Bệnh viện Chợ Rẫy là hơn 4 giờ, trong khi ông Điểu Nốt lả người vì đau thì người con trai lóng ngóng không biết làm thủ tục nhập viện, anh Điểu Xôn nhanh chóng đi làm giúp giấy tờ. Nhưng khi quay lại, ông Điểu Nốt vẫn phải chờ. Lúc đó, anh Điểu Xôn đã không kiềm chế được cơn tức giận nên tranh cãi với bác sĩ. Liền sau đó, ông Điểu Nốt được đưa vào cấp cứu kịp thời. Sau khi giúp ông Điểu Nốt hoàn tất các thủ tục, anh Điểu Xôn lặng lẽ bắt xe trở về tổ ấm của mình.
Có những hoàn cảnh anh Điểu Xôn không chỉ giúp làm thủ tục nhập viện, hướng dẫn chỗ mua thức ăn... mà còn trực tiếp quay trở về Bảo hiểm xã hội huyện để giúp làm lại thẻ bảo hiểm y tế. Đi giúp người nhiều lần đến quen mặt nên cán bộ làm thẻ hỏi anh Điểu Xôn, sao người nhà không đi làm mà toàn thấy anh làm thay? Anh Điểu Xôn trả lời: “Mình biết thì mình giúp, hơn nữa sống phải biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau”. Đến nay, anh Điểu Xôn đã giúp đỡ hàng trăm lượt người trong thôn tiếp cận phương pháp chữa trị đông y và còn trực tiếp tình nguyện đến các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh như Chợ Rẫy, Hòa Hảo, Đại học Y Dược, Phạm Ngọc Thạch, 175, Ung Bướu, Nhi Đồng... hỗ trợ thủ tục hành chính, hậu cần, giúp người bệnh an tâm điều trị...
VƯƠN LÊN TỪ NGHÈO KHÓ
Gia đình thuộc diện khó khăn ở xã Đắk Nhau nên từ nhỏ Điểu Nam (SN1995) đã phải trông em và phụ việc nhà để cha mẹ vào rẫy làm thuê. Học xong lớp 9, Nam rời quê về TP. Hồ Chí Minh kiếm sống và học nghề sửa chữa xe máy. Nam nói: “Về thành phố học nghề và mưu sinh nhưng vì khó khăn nên em phải xin ở nhờ Mái ấm Lái Thiêu (Bình Dương). Nơi đó, em được các sơ cho ăn, ngủ và tiền đóng học phí. Vất vả ngược xuôi hơn 3 năm nhưng thu nhập không khá hơn, em quyết định quay về Bình Phước lập nghiệp. Em nhờ gia đình vay 60 triệu đồng mở tiệm sửa xe máy. Những ngày đầu, nhiều khách hàng phàn nàn khiến em chán nản tính bỏ nghề ở nhà làm rẫy. Nhưng rồi sau những lần tham gia các hoạt động đoàn thể, phong trào, được gặp gỡ và giới thiệu nhiều tấm gương vượt khó, tối nằm suy nghĩ em đã tự răn bản thân vượt qua khó khăn để đi tiếp con đường đã chọn. Và em đã thành công”.
Lượng khách đến tiệm sửa xe ngày càng đông, giúp Nam có thu nhập ổn định và tham gia các hoạt động phong trào
Hiện nay, tiệm sửa xe của Nam được trang bị khá đầy đủ trang thiết bị với chi phí đầu tư thêm hơn 100 triệu đồng, lượng khách tìm đến thường xuyên. Nam nói: “Nếu không kiên trì, chịu khó thì em đã không có cơ ngơi thế này”. Nam còn cho biết, chính những người ban đầu phàn nàn về chất lượng sửa xe của tiệm nay đã trở thành khách hàng thân thiết, thậm chí ở các xã khác như Đường 10, Bình Minh, Bom Bo cũng lựa chọn tiệm để sửa chữa, làm mới xe khi vào rẫy. Nam luôn sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho thanh niên trong xã có nhu cầu. Sau những năm vất vả, Nam xây được căn nhà khang trang, tiệm sửa xe honda tấp nập khách đã nâng thu nhập gia đình lên hơn trăm triệu đồng/năm. Đó là “trái ngọt” của một chàng trai trẻ mới ngoài 20 tuổi biết đứng lên từ nghèo khó.
Trên con đường nhựa chạy dài giữa những vườn điều đơm bông và bạt ngàn cà phê nở hoa trắng muốt, tôi cảm nhận rõ mùa xuân đang gõ cửa từng ngôi nhà truyền thống pha lẫn hiện đại của đồng bào Mơnông ở Bù Đăng. Họ bám đất, bám rẫy làm nên hạt lúa, củ mì, giữ bản sắc dân tộc nhưng cũng không ngừng hòa nhập cùng sự đổi thay của đất nước.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065