Các bạn đoàn viên, thanh niên trong ngày ra mắt hợp tác xã gạo
Giúp thanh niên thoát nghèo
3 năm trước, gia đình anh Điểu Dạt ở ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương còn là hộ nghèo. Không vườn rẫy, nghề nghiệp, anh Dạt phải làm thuê quanh năm nhưng vẫn không đủ ăn. Mọi chuyện thay đổi khi anh tham gia tổ hợp tác (THT) nuôi dê do đoàn thanh niên Bình Long phát động. Anh Dạt được tín chấp vay 20 triệu đồng vốn từ Ngân hàng chính sách để nuôi dê. Đến thăm anh Điểu Dạt vào những ngày cao điểm của Tháng Thanh niên năm 2015, thấy anh đang chăm sóc đàn dê chuẩn bị đến kỳ sinh sản. Anh chia sẻ: “Mô hình nuôi dê rất phù hợp với điều kiện nơi tôi sinh sống. Tôi trồng cỏ, trồng tiêu bằng cây keo, rồi tận dụng lá nuôi dê. Dê ăn tạp lại ít dịch bệnh và giá cả ổn định nên phù hợp với các bạn có ít đất. 2 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con, với 3 con dê giống ban đầu không ngừng sinh sản, tăng đàn, chỉ 3 năm nuôi dê tôi đã trả được vốn vay 20 triệu đồng, bán được vài lứa dê thịt và hiện còn 25 dê cái sinh sản, dê giống và cả dê thương phẩm... Qua nuôi dê, gia đình tôi có thu nhập 70 triệu đồng/năm. Nhờ nuôi dê tôi đã thoát nghèo”.
Anh Mai Xuân Tuân, Phó bí thư Thị đoàn Bình Long cho biết: “THT nuôi dê là ý tưởng mới của hoạt động Đoàn thanh niên thị xã Bình Long. Mục tiêu là hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững thông qua các nhóm đồng sở thích, trong đó nuôi dê là mô hình thành công. Hiệu quả kinh tế đạt khá cao, mở ra hướng phát triển bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số”.
THT chăn nuôi dê Thanh Lương hiện thu hút 7 thành viên. Đàn dê lúc mới thành lập chỉ có 20 con, nay đã lên 150 con, chưa kể dê thương phẩm đã xuất bán. Anh Nguyễn Minh Hậu, Tổ trưởng THT hồ hởi: Sở dĩ nhiều thanh niên chọn mô hình này vì dê nuôi ít bệnh. Sau 2 năm, mô hình nuôi dê ở Thanh Lương đã trở thành địa chỉ cung cấp dê giống và dê thương phẩm có chất lượng trong vùng.
Một trong những nguyên nhân thành công là việc điều hành quản lý nhóm, xác định quyền lợi và trách nhiệm của từng thành viên. Sự thành công của mô hình nuôi dê không chỉ ở những con số, thu nhập được cải thiện, quan trọng hơn là góp phần giúp đoàn viên làm quen với cách làm mới, phát huy tính chủ động và tăng sự gắn kết trong cộng đồng. “Từ tham gia THT, tôi thấy mình làm chủ được cuộc sống, biết tính toán, tích lũy đồng vốn và khi nhà có công việc thì nhờ cả nhóm đến làm giúp rất vui. Tôi tự hào vì nhờ có anh em giúp đỡ nên mới ổn định được đời sống, có tiền lo cho con ăn học” - anh Điểu Dạt vui vẻ nói.
Tạo nhiều “cần câu” cho thanh niên
Cùng với sự thành công của mô hình THT nuôi dê, Thị đoàn Bình Long còn có mô hình Hợp tác xã gạo thanh niên tại phường Hưng Chiến. Từ nguồn vốn hỗ trợ 70 triệu đồng của thị đoàn, nhóm bạn trẻ đã mạnh dạn góp vốn, thành lập THT thương mại, dịch vụ với gạo là mặt hàng chủ lực. Chỉ mới đi vào hoạt động từ trước tết Nguyên đán Ất Mùi nhưng hợp tác xã gạo đã tạo được uy tín về chất lượng và giá cả. Gạo nhập từ đầu mối miền Tây, có chất lượng thơm ngon, giá bằng với giá thị trường nên người dân, doanh nghiệp đã tin tưởng ủng hộ. Anh Hà Văn Hưng, Bí thư Đoàn phường Hưng Chiến, Chủ nhiệm hợp tác xã nói: “Chúng tôi chọn mô hình Hợp tác xã gạo vì rất dễ thực hiện, biết tìm nguồn hàng uy tín thì chắc chắn sẽ có lãi. Đây là mô hình đoàn kết thanh niên rất hiệu quả vì các bạn vừa được hoạt động phong trào vừa có thu nhập”.
Để nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho thanh niên, Ban Chấp hành Thị đoàn Bình Long hiện kết nối với các ngân hàng để giúp thanh niên vay vốn ưu đãi, bước đầu đã ký kết với Ngân hàng Liên Việt giải ngân cho các bạn có mô hình, dự án phù hợp. Song song đó, Ban chấp hành Thị đoàn sẽ tìm ra nguồn tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên để họ mạnh dạn phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp.
Trong điều kiện hiện nay, vai trò kinh tế hợp tác là rất quan trọng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cách thức triển khai hoạt động theo nhóm như những mô hình ở Thị đoàn Bình Long cần được nhân rộng. Bởi mô hình này đã và đang phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong từng đoàn viên, thanh niên, giúp họ phát huy sức mạnh của mình vì mục tiêu: “giảm nghèo bền vững, giúp đoàn viên, thanh niên tự khẳng định mình và đóng góp nhiều hơn cho xã hội”.
Hưng Cát
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065