Người ta hay nghĩ về khu vực phi quân sự (DMZ), nơi chia cắt bán đảo Triều Tiên, là “nơi đáng sợ nhất trái đất” - như lời cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng nói.
Nhưng có những điều mà phải đến tận nơi, nhìn tận mắt mới biết đó là miền thanh bình đang trải dài ra như mong ước hòa bình của hàng triệu người cho đất nước đang bị chia cắt này.
Một góc công viên Pyeonghwa-Nuri ngập tràn trong sắc màu của hàng ngàn chiếc chong chóng giữa những dải đồi mướt xanh - Ảnh: Đinh Hằng |
Đồi chong chóng hòa bình
Chỉ vài bước chân ra khỏi cây cầu Tự Do, nơi chằng chịt dây thép gai đã bị chặn lại sau khi hoàn thành chương trình trao đổi tù nhân giữa hai miền, người ta ngạc nhiên khi trải tầm mắt về phía những ngọn đồi xanh mướt, nơi hiện diện một công viên với cái tên rất dịu dàng Pyeonghwa-Nuri (Thế giới hòa bình). Dưới ánh mặt trời, những đồi cỏ công viên ánh lên rực rỡ sắc màu của hàng ngàn cánh quạt chong chóng. Không phải vô lý mà chương trình CNNGo của Đài truyền hình CNN (Mỹ) chọn đây là một trong 50 điểm đáng để đến nhất tại Hàn Quốc.
Nằm ở thành phố biên giới Paju, chỉ 7km cách đường ranh giới phân chia hai nửa bán đảo, Pyeonghwa-Nuri nằm trong khu vực được xây dựng vài thập kỷ sau khi kết thúc chiến tranh liên Triều. Nơi đây được Hàn Quốc xem như niềm hi vọng vào một ngày không xa trong tương lai, sự chia cắt đầy nghiệt ngã cuối cùng sẽ kết thúc.
Trên những dải đồi rộng 100.000m2, dưới ánh trời trong xanh, 3.000 chiếc chong chóng đủ sắc màu mải miết xoay theo gió. Kin Eon Kyeong, nghệ sĩ sắp đặt, người đã tạo ra ngọn đồi này, gọi vòng quay đầy gió trên đôi cánh của những chiếc chong chóng đang sáng bừng dưới ánh mặt trời là tiếng lòng của tự do và hòa bình.
Nổi lên giữa những ngọn lau đang ngả rạp trên mặt hồ phẳng lặng và những triền dốc đầy cỏ là bốn bức tượng người bằng tre khổng lồ. Bức thấp nhất 3m, bức cao nhất đến 11m, tất cả đều hướng đầu về phía bắc. Ước vọng giản đơn của sự thống nhất hai miền được gửi gắm trong những hình hài tạc khắc vào chân trời.
Phía trên những ngọn đồi phủ cỏ có sức chứa đến 10.000 người, du khách có thể phóng tầm mắt lên những dải chân trời xa tít tắp, thứ mà khó có thể tìm thấy từ một công viên nào đó ở đô thị sầm uất Seoul. Bạn có thể nằm giữa những luồng gió lộng chạy loắng quắng khắp trời, trầm mặc suy nghĩ về những bức tượng tre khổng lồ hay nghiêng ánh mắt để đong đầy sắc màu xinh xắn của những chiếc chong chóng.
Loạt dài dải lụa gắn trên hàng rào kẽm gai ghi lời ước nguyện của người dân Hàn Quốc và du khách quốc tế về một ngày thống nhất hai miền - Ảnh: Đinh Hằng |
Nơi chia cắt trở thành chốn sum vầy
Có bước trên chiếc cầu Tự Do, có nhìn những dọc dài rào thép gai treo đầy những bức thư ước nguyện thống nhất, người ta mới hiểu được niềm hi vọng gửi gắm trong những chiếc chong chóng giản dị trên ngọn đồi lộng gió này. Mảnh đất mang trong mình vết thương chiến tranh và nỗi đau quá khứ giờ đây đang lặng lẽ chuyển mình thành một không gian của ước vọng và niềm tin hòa bình.
Với ngành du lịch Hàn Quốc, DMZ là nơi gợi cho du khách về thảm kịch chiến tranh, nhưng là động lực để mọi người đối thoại với nhau về hòa bình. Ngày nay, cái tên DMZ chỉ là một phần thuộc PLZ (Khu Hòa bình và cuộc sống), bao gồm một khu vực rộng lớn mà Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy du lịch sinh thái, trên mảnh đất đang hồi sinh từ đống tro tàn chiến tranh.
Mỗi năm, hơn 6 triệu du khách đến DMZ để được nhìn thấy nơi gần nhất của đất nước bí ẩn Triều Tiên, còn người dân Hàn Quốc thì đến đây mỗi chiều cuối tuần cùng người thân, mang theo thức ăn và những chai bia mát lạnh. Họ đến đây để tận hưởng không khí trong lành cùng một bữa ăn gia đình, một chuyến chạy bộ, một chiều đi dạo dưới chiếc dù, một buổi triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hay chiếu phim ngoài trời diễn ra quanh năm. Những ngọn đồi chong chóng được xây ở nơi chia lìa biết bao gia đình, giờ đây lại là nơi để hàng ngàn tổ ấm khác sum vầy.
Sự yên bình ấy là có thật. Miền thanh bình ấy hiện diện ở nơi mà có mơ người ta cũng không thể hình dung về một khu vực đầy đồn gác, lính canh, dây thép gai và ngập trong không khí chia cắt tang thương.
Phần cuối cầu Tự Do đã bị chắn là dải đường sắt chạy sang Bắc bán đảo. Biết bao gia đình khát khao thông lại cầu và gặp lại người thân ở phía bên kia biên giới - Ảnh: Đinh Hằng |
Trên đường đến Seoul, du khách thường bắt gặp những đoàn xe quân sự. Các anh lính dễ thương, vui vẻ chụp hình cùng du khách - Ảnh: L.N.M. |
Người Hàn Quốc có thói quen xây những hòn đá chồng lên nhau và gửi gắm vào đó những mong ước tốt lành cho mình và cho người thân yêu - Ảnh: L.N.M. |
(Theo TTO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065