VÀI NÉT VỀ HÀ NỘI
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, du lịch và thương mại của quốc gia. Hà Nội là thủ đô cổ, thành lập năm 1010 trong triều đại nhà Lý. Phía Bắc của thành phố có những kiến trúc độc đáo với các biệt thự và những con đường có hàng cây già cỗi. Hà Nội là một thành phố có 18 hồ nước xinh đẹp khác nhau, được xem như lá phổi của thành phố, với những vườn cây bao xung quanh hồ cung cấp nguồn năng lượng xanh cho cư dân thành phố. Hà Nội là thủ đô, đồng thời là thành phố đứng đầu Việt Nam về diện tích tự nhiên và đứng thứ hai về diện tích đô thị sau thành phố Hồ Chí Minh và đứng thứ hai về dân số với trên 6 triệu người. Hà Nội là một trong 17 thủ đô lớn nhất thể giới, nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị, tôn giáo ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam. Sau đợt mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8-2008, Hà Nội hiện có diện tích 3.344,7km², gồm một thị xã, 11 quận và 18 huyện ngoại thành. Năm 2009, sau khi mở rộng, GDP của thành phố tăng gần 7%, tổng thu ngân sách đạt khoảng 70.054 tỷ đồng.
Khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long - Ảnh internet
Hà Nội hiện có 9 di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Đó là: Đền Ngọc Sơn - hồ Hoàn Kiếm; khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; đền Hai Bà Trưng; thành Cổ Loa; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; đền Phù Đổng; đền Hát Môn; đình Tây Đằng và Hoàng thành Thăng Long. Chín di tích quốc gia đặc biệt của thủ đô là những pho sử liệu sống động chứa đựng những sự kiện lịch sử chân thực, nhiều nét đẹp văn hóa, giáo dục truyền thống, cùng với những truyền thuyết thấm đượm chất nhân văn, anh hùng ca về địa danh, con người Việt Nam kiên trung, bất khuất, trí tuệ và thanh lịch trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử.
DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI
Ngày 31-7-2010 tại thủ đô Brasilia của Brazin, Ủy ban di sản thế giới của UNESCO đã thông qua nghị quyết công nhận khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Với việc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (một trong những di sản quý báu và lâu đời nhất của Việt Nam) chính thức trở thành báu sản của toàn nhân loại.
Trang website du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor bình chọn Thủ đô Hà Nội được yêu thích thứ 2 ở châu Á. Theo đó, Hà Nội xếp thứ 2 trong top 25 điểm đến châu Á được du khách yêu thích nhất và được nhận giải thưởng Asia Destination Awards năm 2014 của TripAdvisor. Đứng đầu top 25 điểm đến châu Á năm 2014 là Bắc Kinh (Trung Quốc). Những địa danh còn lại lọt vào top 10 là: Hà Nội (Việt Nam), Siêm Riệp (Campuchia), Thượng Hải (Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan); Chiang Mai (Thái Lan); Hồng Kông; Ubud (Indonesia); TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Kathmandu (Nhật Bản).
|
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có tổng diện tích 18,395 ha, bao gồm: khu khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn. Cụm di tích này nằm ở quận Ba Đình và được giới hạn bởi phía Bắc là đường Phan Đình Phùng; phía Nam là đường Bắc Sơn và Nhà Quốc hội; phía Tây là đường Hoàng Diệu, đường Độc Lập; phía Tây Nam là đường Điện Biên Phủ và phía đông là đường Nguyễn Tri Phương.
Trong lịch sử, Hoàng thành Thăng Long trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Tại đây, các nhà khảo cổ học còn khai quật được một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong hoàng cung qua nhiều thời kỳ. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong hoàng cung Thăng Long qua các triều đại, là minh chứng cụ thể về trình độ phát triển cao của kinh tế và văn hóa người Việt. Ngoài ra, nhiều tiền đồng, đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á... được tìm thấy ở đây là bằng chứng cho thấy Thăng Long là trung tâm giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và là nơi tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại.(*)
Đức Hồng
(*) Nguồn “Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội”
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065