ĐƯỜNG 14 - PHƯỚC LONG: HƯỚNG CHIẾN DỊCH CHỦ YẾU
Cuối năm 1974, Trung ương Cục - Bộ Tư lệnh Miền mở chiến dịch Mùa khô năm 1974-1975 trên toàn miền Đông Nam bộ, trong đó chọn chiến dịch đường 14 - Phước Long là hướng chủ yếu. Lực lượng ta sử dụng trong chiến dịch này gồm: Sư đoàn 3 (2 trung đoàn 271 và 201), 3 Trung đoàn 165, 209 và 141 của Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), Trung đoàn đặc công 429, các đơn vị pháo binh, công binh và bộ đội địa phương, du kích Phước Long. Sở dĩ chọn khu vực đường 14 - Phước Long làm hướng chiến dịch chủ yếu vì: Quốc lộ 14 là con đường quan trọng nối liền miền Đông Nam bộ với Nam Tây nguyên, đầu mối giao thông quan trọng nhất của đường 14 là Đồng Xoài - ngã tư của 4 con đường (liên tỉnh 13, liên tỉnh 1, quốc lộ 14 và đường số 2); chi khu quân sự Đồng Xoài là một căn cứ khá lớn, nằm án ngự một đầu mối giao thông chiến lược quan trọng của miền Đông Nam bộ; thị xã Phước Long cách Sài Gòn 120km về hướng đông bắc, nằm sâu trong căn cứ chiến khu Đ và vùng giải phóng của ta; khu vực đường 14 - Phước Long địch tương đối yếu và sơ hở, trong khi phong trào đấu tranh của quân và dân ở đây ngày càng mạnh.
NỀN TẢNG VỮNG CHẮC
Để chuẩn bị bước vào chiến dịch, các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của chiến dịch, tổ chức huấn luyện chiến đấu hiệp đồng, phối hợp chiến đấu giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương, giáo dục nhận thức, sinh hoạt chính trị, tư tưởng... Đồng thời chuẩn bị bảo đảm đủ vũ khí, phương tiện kỹ thuật, lương thực thực phẩm, thuốc quân y cho chiến dịch.
Tượng đài chiến thắng Phước Long
Đối với địa phương, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Phước Long lãnh đạo đẩy mạnh 3 mũi giáp công để kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch tại chỗ, phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng tỉnh Phước Long. Tỉnh ủy và Tỉnh đội Phước Long phối hợp với các đơn vị chủ lực Miền và Quân đoàn 4 khẩn trương chuẩn bị các mặt cho chiến dịch, tập trung chuẩn bị địa bàn đứng chân cho bộ đội chủ lực; khẩn trương thu hoạch mùa cung cấp lương thực cho bộ đội chủ lực và dự trữ cho chiến dịch. Đối với vùng ta đang còn yếu, các đội công tác, đoàn thể, cán bộ các cấp ngày đêm bám trụ địa bàn, xây dựng cơ sở cách mạng, vận động đưa dân ra vùng giải phóng. Nhân dân trong tỉnh khẩn trương xây dựng hầm, hào tránh bom, pháo của địch, xây dựng hệ thống chiến đấu làng, xã. Tỉnh ủy đã thống nhất với Quân đoàn 4 chuẩn bị vùng an toàn để đón nhân dân vùng tạm chiếm; phối hợp với Hậu cần Miền chuẩn bị các trạm xá để cứu chữa thương binh và nhân dân bị thương, chuẩn bị các trại giam giữ tù, hàng binh; chuẩn bị lực lượng làm công tác bảo đảm các mặt và lực lượng phối hợp tác chiến, đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp phát động quần chúng nổi dậy.
PHỐI HỢP TÁC CHIẾN
Đêm ngày 12, rạng ngày 13-12-1974, chiến dịch đường 14 - Phước Long bắt đầu với trận mở màn đánh chi khu Bù Đăng và tuyến án ngữ của địch trên quốc lộ 14. Sau 27 giờ chiến đấu, ta đã làm chủ hoàn toàn khu vực Bù Đăng (8 giờ 45 phút ngày 14-12). Cùng thời gian tiến công Bù Đăng, quân ta tiến công tiêu diệt địch ở Bù Na, ngày 15-12 ta tiêu diệt và đánh dứt điểm căn cứ Bù Na.
Phối hợp cùng chiến đấu mở màn với hướng Bù Đăng, dưới sự trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy các đồng chí Đỗ Văn Nuống (Tư Nguyện), Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hùng, Tỉnh đội trưởng và các đồng chí Nguyễn Đôn Kính, Năm Nhường, Ba Minh, vào đêm 12, rạng ngày 13-12-1974, một đại đội của Tiểu đoàn 208 và các Đại đội đặc công 11, 13, Đại đội cối 82 của tỉnh và một đại đội địa phương Bù Đốp nổ súng tiêu diệt chi khu quân sự Bù Đốp. Cũng trong thời gian này, Tiểu đoàn 208 thiếu làm nhiệm vụ chặn viện binh của địch từ Phước Long và Đại đội bộ binh Bù Đốp chốt chặn ngã ba Phước Lộc đánh địch từ Phước Bình xuống chi viện cho địch ở chi khu Bù Đốp.
Cùng thời điểm trên, ở hướng Bù Đăng, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng chí Tư Tuyết - Bí thư Huyện ủy Bù Đăng chỉ đạo lực lượng vũ trang, dân quân du kích và đội công tác Bù Đăng phối hợp với Đại đội 568 của Bù Gia Mập cùng với bộ đội chủ lực tiến công tuyến án ngữ gồm 25 đồn bót, đồng thời hỗ trợ nhân dân cùng tiêu diệt ác ôn, phá bỏ bộ máy thống trị ngụy quyền, truy bắt tàn binh, kêu gọi dân vệ và phòng vệ dân sự giao nộp vũ khí trở về gia đình ở nơi được giải phóng (kêu gọi được 3 trung đội, 8 toán phòng vệ dân sự tự giác giao nộp vũ khí và bắt hàng trăm tên).
Sau chiến thắng đợt 1, vào đợt 2, ngày 22-12-1974, ta tiến công tiêu diệt đồn Phước Tín, chi khu Bù Đốp (lần thứ hai). 5 giờ sáng ngày 26-12-1974, ta tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Đồng Xoài. Sau khi đánh chiếm Bù Đốp, Đồng Xoài để chuẩn bị giải phóng Phước Long, Tỉnh ủy đã tập trung các phân đội trực thuộc Tiểu đoàn 208 thành lập Đại đội 54 lấy thêm Đại đội 14 và Đại đội 1 Bù Đốp thành lập Tiểu đoàn Bà Rá do đồng chí Bùi Văn Bạc làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Ngoan làm Chính trị viên.
Đợt hai chiến dịch kết thúc, tinh thần bộ đội ngày càng cao, nhân dân rất phấn khởi, quân và dân Phước Long đang khao khát giải phóng quê hương. Trong khi đó mất Bù Đăng, đường 14, Đồng Xoài, Bù Đốp làm cho lực lượng địch ở Phước Long hoàn toàn bị cô lập.
Trận đánh vào thị xã Phước Long bắt đầu đúng 5 giờ 30 phút ngày 31-12-1974, đến 17 giờ ngày 6-1-1975, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” được cắm lên Tòa thị chính Phước Long. Chiến dịch đường 14 - Phước Long kết thúc, tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng.
KẾT HỢP 3 THỨ QUÂN
Trong chiến đấu giải phóng tỉnh Phước Long, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội phối hợp cùng bộ đội chủ lực, quân và dân tỉnh Phước Long đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tất cả các hướng, các mũi chiến đấu của bộ đội chủ lực; nhân dân tiếp tế hàng trăm tấn lương thực thực phẩm, đạn dược, thuốc quân y bảo đảm kịp thời đầy đủ cho bộ đội chủ lực và chuyển tải thương binh về tuyến sau. Các đội công tác tích cực vận động nhân dân nổi dậy, phát loa kêu gọi binh lính, dân vệ bỏ súng trở về với gia đình. Giải phóng đến đâu phát động phong trào phá bỏ hệ thống ngụy quyền đến đó và thu gom chiến lợi phẩm để tăng thêm số lượng và chất lượng binh khí kỹ thuật, phương tiện chỉ huy, phương tiện vận tải cho bộ đội chủ lực. Nhờ tinh thần được tăng thêm, bộ đội đã chiến đấu rất quyết liệt trên từng góc phố, căn nhà, ngả đường và từng công sự.
Sau 25 ngày đêm chiến đấu liên tục, bộ đội chủ lực và quân, dân tỉnh Phước Long đã tiêu diệt hoàn toàn các cụm cứ điểm chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài, Phước Bình, chi khu Bù Đốp lưu vong, yếu khu Bù Na, thị xã Phước Long. Quân ta tiêu diệt 500 tên, bắt sống 1.179 tên, phá bỏ toàn bộ chế độ ngụy quân, ngụy quyền; thu 1.498 súng, hơn 10.000 viên đạn các loại; bắn rơi 12 máy bay, thu 191 máy thông tin, 80 xe cơ giới và nhiều phương tiện chiến tranh khác; giải phóng hơn 50.000 dân, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Về ta, liệt sĩ Đoàn Đức Thái, chiến sĩ Trung đoàn 271 hy sinh trong trận đánh chi khu Bù Đăng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
“ĐÒN TRINH SÁT CHIẾN LƯỢC”
Thắng lợi trong chiến dịch đường 14 - Phước Long là thắng lợi của sự kết hợp ba thứ quân; là thắng lợi của chiến đấu hợp đồng quân, binh chủng, sự phối hợp giữa quân chủ lực với bộ đội địa phương; là sự thắng lợi của công tác binh vận, địch vận và phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân. Phước Long là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng ngay ở cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn mà quân ngụy không thể lấy lại được, Mỹ không dám can thiệp. Đây là sự kiện trở thành một “đòn trinh sát chiến lược” trước cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Từ chiến thắng này, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá chính xác tình hình và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Đại tá Nguyễn Phi Hùng
Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065