BPO - Mới sáng sớm đến cơ quan, anh bạn cùng phòng kể câu chuyện xảy ra ở gần nhà anh - ấp 1A xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài: hai gia đình cùng nuôi gà để bán vào dịp tết nguyên đán Đinh Dậu 2017. Thế nhưng chỉ còn vài ngày là đến tết thì bọn đạo chích vào khoắng sạch số gà của nhà bên này mà không đụng đến con nào của nhà bên kia. Một mất mười ngờ, gia đình bị mất gà dù không nói gì nhưng cứ băn khoăn không biết vì sao bọn trộm lại “ưu ái” nhà hàng xóm đến vậy. Và dường như để “công bằng”, ngay tối hôm sau, bọn trộm lại ra tay với nhà bên kia, cũng không sót một con. Đến lúc ấy cả hai gia đình mới “ngộ” ra: không có “ngoại lệ” nào với bọn trộm cả! Cũng chỉ mới vài hôm trước tết nguyên đán, người viết được biết một câu chuyện bi hài: một giám đốc trung tâm có nhà ngay khu trung tâm hành chính tỉnh trong giờ nghỉ trưa bị kẻ trộm lẻn vào nhà. Đồ đạc không mất gì, chỉ mất vài trăm ngàn đồng để trong bót. Tên trộm vui tính trước khi đi còn để lại một mảnh giấy “cảnh cáo” gia chủ: Nhà giàu mà đ. có tiền!
Ảnh minh họa
Đó là hai câu chuyện vừa mới diễn ra ngay tại thị xã Đồng Xoài trong những ngày giáp tết Đinh Dậu 2017. Ngược về thời gian trước, khi người viết bài này còn nhỏ, đời sống vật chất của mọi nhà nhìn chung còn rất thiếu thốn. Làm quần quật cả năm cũng chỉ lo được nồi bánh chưng với nồi thịt đông để dâng cúng ông bà, tổ tiên và thụ lộc sau khi cúng kiếng trong ba ngày tết. Thế nhưng có gia đình mới sáng mồng một đã phát khóc. Do phải thức canh bánh chưng trong đêm giao thừa, mọi người đều mệt và thèm ngủ nên trộm vào khuân cả nồi thịt đông lẫn thùng bánh chưng mà không biết. Bởi thế, tháng giáp tết, dân gian vẫn truyền nhau câu nói “tháng củ mật cẩn thận cửa nẻo”.
Thực ra, chẳng có nào là “củ mật” nào cả. Từ “mật” chỉ được ghép với những loại củ có vị ngọt như khoai mật, mía mật. Sở dĩ tháng Chạp được gọi là tháng củ mật bởi đây là tháng dễ bị mất cắp nhất. Lý do rất đơn giản bởi đây là tháng giáp tết, ai cũng bận bịu làm ăn. Tâm lý người Việt nói chung là muốn có những cái mới để đón chào năm mới. Thế nên mới có chuyện cả năm rềnh rang, đến cận tết mới bày ra sửa nhà, sửa sân, sửa bếp, sắm sanh bàn ghế… Để kết thúc một năm cũ suôn sẻ, mọi người thường phải thức khuya dậy sớm và thường ít chú ý đến nhà cửa, đồ đạc. Chính điều này đã tạo sơ hở và bọn trộm thường lợi dụng để trộm cắp. Nhiều người sau một ngày làm việc mệt nhoài đã buông hết để ngủ ngon lành, có khi còn quên cả khóa cửa. Trong khi đó, phường đạo chích cũng hoạt động hết công suất để “lo Tết” nên chuyện mất trộm là dễ hiểu. Thế nên ngày xưa, cứ đến tháng chạp là mõ làng hằng đêm lại đánh mõ nhắc nhở người dân phải cẩn thận đề phòng để ngăn ngừa trộm cắp. Và trong cuộc sống hiện đại hôm nay, cứ vào những ngày giáp tết Nguyên đán, các địa phương đều khuyến cáo người dân chú ý đề phòng không để kẻ gian lợi dụng sơ hở, gây thiệt hại về tài sản cho gia đình.
Không chỉ là thời gian trộm cắp hoành hành, nhiều người còn coi “tháng củ mật” là thời gian không may mắn, thường gặp xui xẻo. Những người chăm đi bói thường được thầy khuyên cẩn thận vào những ngày cuối năm. Có người “cẩn thận” đến mức không ra khỏi nhà, nhưng lại tổ chức nhậu nhẹt quá đà trong nhà, rồi cãi lộn, đánh nhau với chính những người mà họ mời đến nhà dự “tất niên”. Sau đó lại ngồi để gật gù “chiêm nghiệm” rằng họa là không thể tránh! Những ngày giáp tết, thời tiết khô hanh nên cũng dễ xảy ra cháy nổ; do vội vàng nên dễ xảy ra tai nạn trong lao động, trong lưu thông…
Từ những điều chia sẻ trên đây, mong rằng mọi người hãy cẩn trọng. Không chỉ “cẩn thận cửa nẻo” như tiền nhân đã dạy, trong tháng cuối năm mọi người còn phải thận trọng trong mọi phương diện, từ sinh hoạt, việc làm đến các giao dịch để tránh xảy ra những điều đáng tiếc. Có như thế thì những ngày đầu xuân mới có thể an lành, vui vẻ, mở đầu cho một năm mới vạn sự hanh thông!
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065