* Điều 11 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gồm có 3 khoản, là quy định về những hành vi bị nghiêm cấm như sau: 1. Sử dụng đất, thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; 2. Lấn, chiếm đất đai; không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; hủy hoại đất; không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất; 3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lý đất đai.
Như vậy, so với điều 15 Luật Đất đai năm 2003, Điều 11 của Dự thảo đã bổ sung thêm Khoản 1 với nội dung cụ thể như sau: 1. Sử dụng đất, thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo tôi, lý do của việc Ban soạn thảo đã bổ sung Khoản 1 là nhằm khắc phục tình trạng giao dịch ngầm về chuyển quyền sử dụng đất đã và đang diễn ra trong thực tế từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, nếu không bổ sung nội dung của Khoản 1 vào Điều 11 thì điều luật vẫn đảm bảo các yêu cầu đặt ra, vì các lý do sau:
Thứ nhất, tại Khoản 2, Điều 64 cũng quy định rõ về nghĩa vụ của người sử dụng đất đã có yêu cầu đối tượng sử dụng đất phải: Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Thứ hai là tại Khoản 2 trong Điều 11 cũng đã quy định rõ về nội dung này như sau: 2... không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất. Do đó, tôi đề nghị trong Điều 11 bỏ Khoản 1, vì không cần thiết phải bổ sung thêm.
* Điều 57 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có 4 khoản, là những quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Tại Khoản 4 của điều này có quy định như sau: 4. Người có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này không được ủy quyền. Theo ý kiến của cá nhân tôi, việc điều luật quy định như vậy là nhằm gắn trách nhiệm cho các cá nhân người có thẩm quyền với trách nhiệm của mình, tránh sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực nhạy cảm này.
Tuy nhiên, theo yêu cầu nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, trong khi các thủ tục hành chính đều có thời hạn cụ thể và được niêm yết công khai. Và các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai cũng không phải là ngoại lệ (được quy định tại Chương XII, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi). Nếu giữ nguyên quy định trên trong điều luật như vậy, thì với trường hợp người có thẩm quyền theo quy định tại điều luật có lý do chính đáng mà không thể trực tiếp giải quyết công việc trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ: Bị đau ốm, đi công tác xa lâu ngày, nghỉ phép...) mà nếu không ủy quyền cho người khác thì công việc sẽ ùn tắc, không đảm bảo yêu cầu cải cánh hành chính và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể sử dụng đất.
Vì vậy, để đảm bảo yêu cầu thực tiễn, tôi kiến nghị cần bỏ từ “không” và thêm cụm từ “theo từng công việc và thời gian cụ thể”. Như vậy, sau khi sửa đổi, bổ sung, Khoản 4, Điều 57 được viết lại như sau: Người có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2, 3 và điều này được ủy quyền theo từng công việc gắn với thời gian cụ thể.
* Điều 196 là những quy định về hòa giải tranh chấp đất đai và tại Khoản 2 có nội dung như sau: 2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở đây cần bổ sung thêm từ “tự” vào sau cụm từ “các bên tranh chấp không” và cụm từ “hoặc tổ hòa giải cơ sở hòa giải không thành” vào sau cụm từ “hòa giải được”. Bởi vì lý do sau: Ngay tại Khoản 1 của điều luật này có quy định 2 hình thức hòa giải tranh chấp đất đai là tự hòa giải và hòa giải cơ sở, nhưng Khoản 2 lại chỉ nói đến hình thức hòa giải chung chung. Mặt khác, hiệu quả hòa giải cơ sở hoạt động theo Pháp lệnh Hòa giải cơ sở đã được thực tế chứng minh. Hơn nữa, hiện nay chúng ta đã có dự thảo Luật Hòa giải cơ sở và trong dự thảo luật này đã đề cao vai trò của tổ hòa giải ở cơ sở. Điều này chứng tỏ Nhà nước ta rất ghi nhận hiệu quả và coi trọng vai trò của tổ hòa giải cơ sở.
Vì vậy, để phù hợp với quy định tại khoản 1 và để ghi nhận, khuyến khích phát huy vai trò của hòa giải cơ sở, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung và viết lại Khoản 2 như sau: 2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không tự hòa giải được hoặc tổ hòa giải cơ sở hòa giải không thành thì gửi đơn đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Như Nhất
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065