THỜI GIAN KHÓ
Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phạm Hoàng Xuân - người đã 35 năm làm trong ngành y tế dự phòng kể: Những năm 90, mỗi lần đến một số huyện Bình Long, Phước Long, Bù Đăng... chúng tôi thường lập “chốt điểm”. Ngoài thuốc phòng, chống bệnh, dụng cụ cần thiết, trong ba lô mỗi người đều chuẩn bị sẵn gạo, mì tôm, cá khô... đủ ăn khoảng 1 tháng lúc ở chốt điểm. Ngày đó, cán bộ tiêm chủng phải xách thùng đá đựng vắc-xin đi nhờ xe bò vào nhà dân, thực hiện tiêm chủng mở rộng ở huyện Bình Long. Anh em làm dự phòng phải cưỡi voi mới vượt qua suối sâu, xuyên rừng đến với người dân vùng sâu, vùng xa Đắk Nhau, Bom Bo (Bù Đăng). Dù vậy, đường đi vẫn chưa khó bằng việc giúp người dân dần thay đổi lối sống, bảo vệ sức khỏe. Đồng bào dân tộc thiểu số quen mời thầy cúng, thầy hung đuổi con ma mỗi khi bị bệnh. Do đó, để tiếp cận và giúp họ sử dụng các dịch vụ y tế, cán bộ dự phòng phải đi cùng các đoàn dân vận, công an, bộ đội, cùng ăn, cùng ở, tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan và tiêm vắc-xin phòng bệnh, cấp thuốc cho người dân theo mùa...
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh soi lam xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét
Đối tượng tiếp cận của thầy thuốc là bệnh nhân còn cán bộ làm công tác dự phòng phải tiếp cận với cộng đồng dân cư. Nếu chẩn đoán sai, phương pháp xử lý không phù hợp sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân. Để trụ được với nghề, ngoài trình độ chuyên môn, đòi hỏi cán bộ dự phòng phải tâm huyết và kỹ năng cộng đồng.
Ông Xuân cho biết: “Có khi cách dập dịch chỉ dựa vào quan sát, xử lý các yếu tố môi trường như dịch bệnh lạ “tử vong trong lúc ngủ” xảy ra ở xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh năm 1998. Bệnh lạ đã khiến 5 người lần lượt tử vong khi đang ngủ. Vì ở vùng sâu, xa nên sau khi làm đám ma xong, người dân mới phản ánh đến chính quyền xã. Tôi cùng 20 cán bộ dự phòng túc trực ở nơi xảy ra bệnh lạ. Khi đó có người 4 ngày không dám ngủ, vì sợ ngủ sẽ chết như những ca trước. Tâm lý hoang mang khiến họ tự làm bản thân mình kiệt sức. Do đó trước tiên chúng tôi phải cấp các loại vitamin bổ sung dưỡng chất cho người dân trong vùng. Khi phát hiện người nào có dấu hiệu bệnh, chúng tôi lập tức dùng hai xe cứu thương túc trực đưa đến bệnh viện huyện, không để xảy ra tình trạng hoảng sợ tập thể, dẫn đến “ngất theo” như trước. Quan sát môi trường sống của dân cư khu vực này, đặc biệt là nơi ngủ của 5 ca tử vong, tôi nhận định do người dân có thói quen thu phân bò vắt thành cục rồi phơi ở sân nhà, nước bẩn thấm xuống đất, khi nắng nóng khí độc bốc lên. Đây chính là “bẫy độc hóa chất” mà chỉ 5 người ngủ võng ở độ cao từ 0,5-0,8m trúng vào tầng bẫy và tử vong. Giải pháp chúng tôi đưa ra là vệ sinh môi trường sạch sẽ, tăng cường thể chất cho người dân. Sau 10 ngày đêm, nơi đây không còn ca nào có biểu hiện ngạt thở, tử vong trong lúc ngủ”.
NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG TRÂN TRỌNG
Liên tục trong nhiều năm, chiến dịch cho trẻ em dưới 5 tuổi uống vắc-xin bại liệt được duy trì và đạt tỷ lệ cao, trên 95% trẻ em dưới 5 tuổi được uống đủ 2 liều vắc-xin phòng bệnh bại liệt. Nhờ đó, toàn tỉnh đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000. Thông qua già làng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ dự phòng dùng hình ảnh trực quan so sánh đứa bé khỏe mạnh và những đứa bé bị bệnh sởi có biến chứng khô giác mạc dẫn đến mù lòa để tuyên truyền người dân tiêm chủng. Năm 2003, ngành y tế tỉnh đã thực hiện thành công chiến dịch tiêm vắc-xin sởi (2 mũi) cho trên 150 ngàn trẻ từ 1-10 tuổi. Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, tỉnh đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho 250 ngàn trẻ em từ 1-14 tuổi, đạt 95%.
Bằng nhiều giải pháp, năm 2005, Bình Phước đã cùng cả nước loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh và giữ vững kết quả cho đến nay. Những năm gần đây, nhiều loại vắc-xin phòng các bệnh mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng như: Viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu... đã phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC LÂU DÀI
Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật, song tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh đã đưa ra định hướng chiến lược y tế dự phòng đến năm 2020 với các giải pháp nhằm nâng cao năng lực mạng lưới y tế dự phòng theo hướng hiện đại hóa. Khống chế, loại trừ tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành như: Các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn, giun, sán...); các bệnh do côn trùng truyền (sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản...); bệnh dại. Đồng thời áp dụng các biện pháp tích cực để ngăn chặn có hiệu quả bệnh dịch nguy hiểm và các bệnh mới xuất hiện (SARS, cúm A(H5N1), bệnh do vi rút zika...; chủ động đối phó với nguy cơ khủng bố sinh học, hóa học.
Tuyết Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065