Hằng năm, Khu di tích văn hóa - lịch sử Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đều nhộn nhịp những đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước và quốc tế viếng thăm. Nơi đây từ nhiều năm nay đã đi vào tâm thức bao người hành hương, để được trở về cội nguồn nơi sinh thành và giáo dưỡng nên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôi trở về quê Bác làng Sen/ Ơi hoa sen đẹp của bùn đen!/Làng quen như thể quê chung vậy/ Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn”. (Theo chân Bác - Tố Hữu). Kim Liên - Nam Đàn, quê hương Bác Hồ đã trở thành quê chung không chỉ của mọi người con đất Việt mà còn là điểm đến ân tình của bạn bè quốc tế. Ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận Khu di tích Kim Liên là Di tích quốc gia đặc biệt.
Bác Hồ về thăm Kim Liên - Nam Đàn năm 1957. Ảnh tư liệu
Toàn bộ khu di tích Kim Liên rộng hơn 205 ha với nhiều điểm và cụm di tích. Đó là cụm di tích Hoàng Trù, quê ngoại của Bác; cụm di tích Làng Sen, quê nội của Bác; cụm di tích núi Chung, nơi gắn bó với tuổi thơ của Bác; khu mộ bà Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy Đại Huệ, thuộc địa bàn xã Nam Giang. Cụm di tích Hoàng Trù có khuôn viên rộng khoảng 3.500m2, bao gồm: Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác Hồ), ngôi nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Đây là ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại; cũng là nơi Nguyễn Tất Thành cất tiếng khóc chào đời và sống tới năm lên 5 tuổi.
Cụm di tích Làng Sen có ngôi nhà tranh 5 gian mộc mạc do bà con làng Sen xuất quỹ công dựng lên để mừng ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm xưa. Trong ngôi nhà đơn sơ này, cụ Sắc dành 2 gian rộng rãi để đặt ban thờ và tiếp khách. Ban thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc. Tại đây có bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và cũng là chỗ cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước chè xanh vào các buổi tối. Hiện nay, các kỷ vật trong gian nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn. Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ Phó bảng và hai con trai. Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh, con gái cụ. Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng 2 ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó.
Về quê Bác, chúng ta có thể cảm nhận một cách đầy đủ hơn về một làng quê Việt Nam và đặc trưng của một làng quê xứ Nghệ. Đó là những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc thời kỳ đó như: Lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý; nhà cụ đồ nho; nhà một lương y bốc thuốc nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc quanh nhà hay nhà một hộ nông dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo... nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm (ông nội của Bác Hồ); các di tích cây đa, giếng Cốc, sân vận động làng Sen; khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và nhà tưởng niệm Bác Hồ. Những cảnh quan và hiện vật quá đỗi thân thuộc, dung dị của lũy tre, đường làng, khung cửi, bờ dâu... cùng các hiện vật trong khu di tích, gắn liền với hình ảnh gia đình Bác Hồ như vẫn còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người.
Khu di tích văn hóa - lịch sử Kim Liên - Nam Đàn được Bác Hồ về thăm 2 lần, năm 1957 và năm 1961. Trong những năm qua, nơi đây đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhiều chính trị gia của các Đảng anh em, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ cùng đông đảo nhân dân trong nước và quốc tế. Trong tâm thức mỗi người, về thăm Kim Liên - Nam Đàn là về với ngọn nguồn văn hóa đã sinh ra và nuôi dưỡng một con người vĩ đại của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới. Kim Liên mãi mãi như là trái tim của xứ sở, ngày ngày vẫn thắp lửa cho bao trái tim trên khắp mọi miền. Đến với Kim Liên, mỗi con người, mỗi thế hệ lại thấy tâm trí mình sáng suốt hơn, giàu nghị lực hơn, để tiếp tục học tập, làm việc và cống hiến cho đất nước.
Ngày 19-5-1950, nhân dịp sinh nhật lần thứ 60, Bác Hồ đã làm một bài thơ tự cảm về tuổi tác của mình đáp lại tình cảm của mọi người: “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/So với ông Bành vẫn thiếu niên/Ăn khỏe ngủ ngon, làm việc khỏe/Trần mà như thế kém gì tiên!”. Bốn năm sau, ngày 19-5-1954, lễ mừng sinh nhật Bác hòa chung với không khí đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ bằng cuộc gặp gỡ của Người với đại biểu những chiến sĩ có thành tích tiêu biểu. Bác đã gắn huy hiệu của Người cho chiến sĩ Điện Biên và đặc biệt là chiến sĩ trẻ bắt sống tướng Đờ Cát.
|
Trung Lương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065