CHÍNH SÁCH THU HÚT VÀ GIỮ CHÂN HỘI VIÊN
Hội thảo chia 3 nhóm thảo luận với 3 chuyên đề: Bàn giải pháp phát triển hội viên; giải pháp nâng cao chất lượng hội viên; giải pháp xây dựng chi, tổ hội theo nghề nghiệp. Nhiều ý kiến tâm huyết đã được nêu ra tại buổi hội thảo.
Ông Trần Bá Hải, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đốp cho rằng: “Để thu hút hội viên tham gia tổ chức hội, trước hết phải hỗ trợ nông dân theo hướng đem lại lợi ích thiết thực, chính đáng như: Vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm, thông tin thị trường, tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả. Hiện nay, đội ngũ nhân sự ở các chi hội đều chưa qua trường lớp, thường xuyên thay đổi, khả năng tổ chức hạn chế. Từ đó dẫn đến hội viên nhàm chán khi tham gia sinh hoạt. Hội nông dân cần liên kết với các công ty để cung cấp phân bón chất lượng, thỏa thuận bán trả chậm cho nông dân. Hiểu biết pháp luật của nông dân còn hạn chế, do đó khi xảy ra khiếu kiện trong hội viên, cán bộ hội cần hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời”.
Tại hội thảo, đại diện hội nông dân các huyện, thị đặt câu hỏi: Khi tham gia tổ, hội, nông dân được hưởng lợi gì?
“Phát triển hội viên đảm bảo chất lượng và số lượng, phân công 1 hội viên giúp đỡ, vận động 1 hộ nông dân vào hội. Phấn đấu đến cuối năm 2018, tổng số hội viên đạt thấp nhất 80% so với tổng số hộ nông nghiệp toàn huyện. Riêng các cơ sở hội đã đạt 100% số hộ nông nghiệp thì phát triển đến các đối tượng là lao động nông nghiệp. Đặc biệt quan tâm đến cán bộ hưu trí là hội viên nông dân, các gương tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi vì đây là lực lượng dễ tiếp cận, có tâm huyết trong các phong trào, hoạt động và định hướng chính trị trong sinh hoạt hội” - ông Nguyễn Văn Chơ, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định.
Ông Trịnh Xuân Khiều, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Chơn Thành thẳng thắn: “Cán bộ cơ sở, chi, tổ hội cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của từng hội viên. Từ đó có biện pháp động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho con em hội viên, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh để thu hút nông dân vào hội”.
Hiện toàn tỉnh có 83.456 hội viên nông dân trong tổng số 135.162 hộ nông nghiệp, chiếm 61,74%. Toàn tỉnh đã xây dựng và củng cố được 878 chi hội, 3.499 tổ hội với trên 17.400 hội viên nòng cốt. Các chi, tổ hội thu hút trên 87% hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện hội nông dân các huyện, thị xã dự hội thảo cho rằng công tác phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp ở các cấp hội vẫn còn những hạn chế như: Thiếu phương pháp, kỹ năng vận động nông dân vào hội, số lượng hội viên giảm hằng năm còn cao nhưng chưa phân tích được nguyên nhân, việc quản lý hội viên chưa chặt chẽ...
TẠO TIỀN ĐỀ THÀNH LẬP HỢP TÁC XÃ
Trong các giải pháp xây dựng chi, tổ hội theo nghề nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập chi, tổ hội cần tránh hình thức, phải đảm bảo mục tiêu “5 cùng”: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi.
“Thành lập chi, tổ hội không khó nhưng để duy trì hoạt động thì không dễ. Điều nông dân quan tâm khi tham gia tổ, hội là được hưởng lợi gì, muốn học nghề thì học ở đâu, hay tự học lẫn nhau. Những thắc mắc về khoa học - kỹ thuật trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi thì ai giải đáp? Từ khâu chọn giống, chăm sóc đến đầu ra của sản phẩm ai là người đứng ra đảm bảo? Hội Nông dân tỉnh có thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản cũng như thành lập tổ thu mua nông sản cho nông dân, tránh bị thương lái ép giá không?... Nếu làm tốt các khâu này, nông dân sẽ chủ động tham gia” - ông Bùi Tín, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thác Mơ, thị xã Phước Long băn khoăn.
Ngoài thành lập các chi, tổ hội trồng trọt, chăn nuôi, nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập các tổ dịch vụ kinh doanh, ăn uống. Khi vào chi, tổ hội, các hộ tiểu thương sẽ được sinh hoạt, tập huấn thường xuyên, có quy định cụ thể để tạo uy tín trong làm ăn buôn bán. Như vậy việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ rất dễ. Thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp trước mắt phải đào tạo nghề cho những hội viên chưa có nghề ổn định. Bên cạnh đó cần tính toán đầu tư khoa học - kỹ thuật, vốn, đầu ra cho sản phẩm.
Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Chi hội, tổ hội nghề nghiệp hình thành trên cơ sở tập hợp, gắn bó hội viên vì có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, tạo cơ chế tự liên kết trong sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị chính là giải pháp cụ thể, chủ động, tự thân bảo vệ hội viên trong môi trường cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Việc xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp cần thực hiện từng bước, phải thận trọng, có nghiên cứu và tập trung chỉ đạo điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065