NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI
Năm học 2011-2012, tỷ lệ huy động trẻ vào lớp 1 trong tỉnh là trên 17 ngàn học sinh, đạt tỷ lệ 98,9%. Đây là sự nỗ lực phối hợp rất lớn từ các cấp, ngành đến hội, đoàn thể và lãnh đạo cơ sở trong công tác “Toàn dân đưa trẻ đến trường”. Tuy nhiên, đến nay, số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học (GDTH) đúng độ tuổi mới chỉ có 74/111 xã, chiếm tỷ lệ 66,7%, tăng 13 xã so với đầu năm 2011. Trong đó, ba thị xã: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long và huyện Chơn Thành đã hoàn thành phổ cập GDTH ở tất cả các phường, xã. Về công tác phổ cập giáo dục mầm non, trong năm học này vẫn còn có trẻ đến tuổi đi học mà chưa được ra lớp.
Một lớp học xóa mù chữ ở phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài
Theo nhận định của ngành giáo dục, ở đâu có sự quan tâm của lãnh đạo địa phương thì ở đó, sự nghiệp phát triển giáo dục, mạng lưới trường lớp được đầu tư mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục (CMC-PCGD) ở một số huyện, thị xã như: Đồng Xoài, Bù Đăng... có được kết quả cao hơn nhiều nơi khác là do lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ thêm kinh phí, giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Các huyện, thị có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời đội ngũ cán bộ, giáo viên chuyên trách thực hiện tốt nhiệm vụ.
Nhiều năm trở lại đây, ngành giáo dục - đào tạo đã làm tốt công tác phối hợp với các đoàn thể để đưa trẻ đến trường, vận động trẻ bỏ học hoặc mù chữ trở lại lớp. Riêng Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành, hội, đoàn thể như: Liên đoàn Lao động huy động trẻ 3-5 tuổi ra học mẫu giáo; Hội Liên hiệp Phụ nữ huy động trẻ 5 tuổi ra học lớp lá; Đoàn thanh niên huy động trẻ 6 tuổi ra lớp 1; trẻ thất học được Hội cựu chiến binh huy động ra các lớp XMC-PCGD. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bộ đội Biên phòng Bình Phước cũng đã huy động gần 1.400 học sinh vùng sâu, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện đến lớp chính quy ra học tại 42 lớp phổ cập; mở 72 lớp xóa mù chữ cho 2.341 học viên...
KHÓ KHĂN CÒN ĐÓ
Mạng lưới trường, lớp hầu hết đã phủ khắp toàn tỉnh gồm: 105 trung tâm học tập cộng đồng, 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, 126 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 94 trường THCS, 24 trường THPT... Trong đó hiện có 40 trường từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, dân cư không tập trung và nhận thức của người dân còn hạn chế đã ảnh hưởng rất lớn tới việc học của học sinh. Nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nên không tạo điều kiện để con em đến tuổi ra lớp, ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động trẻ ra lớp theo đúng độ tuổi. Song song đó, đời sống kinh tế - văn hóa nghèo nàn, thiếu hoạt động vui chơi giải trí đã làm cho công tác XMC-PCGD không đạt kết quả như mong muốn. Ngoài ra, dân số gia tăng cơ học, dân di cư tự do vào tỉnh còn nhiều và hầu hết có đời sống nghèo khổ, không ổn định, trình độ dân trí thấp càng gây sức ép cho quá trình thực hiện XMC-PCGD. Bên cạnh đó, số lượng không nhỏ trong độ tuổi lao động đang làm ăn xa tại các khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố lớn bị mù chữ cũng ảnh hưởng tới việc huy động học sinh ra lớp theo kế hoạch.
Năm học 2011-2012, cả tỉnh chỉ hoàn thành chương trình tiểu học cho trẻ ở độ tuổi 11 đến 14, đạt trên 88% và trên 77% học sinh từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS. Điều đó cho thấy chất lượng phổ cập vẫn còn thấp.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo nhận định: Ngoài những khó khăn kể trên thì kinh phí chưa được cung cấp kịp thời và tương xứng với nhiệm vụ của đội ngũ làm công tác XMC-PCGD cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ đề ra. Mục tiêu được công nhận PCGD tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2015 sẽ còn nhiều gian nan, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để góp phần phát triển giáo dục - đào tạo nói chung và công tác XMC-PCGD nói riêng.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065