Sở dĩ nói nội dung bài viết không lạ bởi xã hội ngày xưa rất chú trọng việc dạy người nên học trò được gọi chung là người đi học chữ. Việc học chữ chính là học làm người. Do đó, mục đích đào tạo trước hết là làm người, sau đó mới ra làm quan hoặc về quê mở lớp dạy học, bốc thuốc cứu nhân độ thế, nên mới có chuyện Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vì chán chường thế sự suy vi mà từ quan về quê. Ngày nay, chúng ta đào tạo con người theo nhu cầu xã hội, nếu thạc sĩ mà không đáp ứng nhu cầu xã hội thì vẫn có thể thất nghiệp, vẫn phải chạy xe ôm kiếm sống chứ chẳng lạ.
Nội dung câu chuyện không lạ, vì hiện nay, cùng với các công việc lao động phổ thông khác như chạy bàn, tiếp viên nhà hàng, phụ quán cà phê, phụ quán ăn... thì chạy xe ôm cũng là nghề rất đường hoàng, chân chính, được xã hội thừa nhận, thậm chí ở ta, có cả những công ty lớn mở hẳn dịch vụ xe ôm rất tiện ích - xe ôm công nghệ. Vì vậy, cũng có nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ của ta đang chạy xe ôm, phụ quán cà phê, làm tiếp viên nhà hàng... để tạm thời mưu sinh chờ đợi, tìm kiếm một cơ hội việc làm khác tốt hơn, đúng với chuyên môn, ngành nghề đào tạo. Những “thạc sĩ xe ôm” này rất đáng trân trọng, vì họ không cho phép mình được thất nghiệp, họ chấp nhận làm công việc phổ thông để tích lũy thêm kinh nghiệm, vốn sống và bản lĩnh trước khi thực sự cống hiến trong những tập đoàn, tổng công ty danh tiếng. Vì vậy, có là thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư hay gì gì đi chăng nữa đều có thể chạy xe ôm để kiếm sống, miễn là không vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Khi giật tít “Thạc sĩ du học Mỹ chạy xe ôm kiếm ăn - một thế hệ trí thức đang bị đánh cắp”, tác giả đang miệt thị, coi thường những ngành nghề phổ thông hiện nay, xem đó là những nghề hạ đẳng trong xã hội, không xứng đáng để được ghép đôi, đứng ngang hàng với danh xưng mỹ miều “thạc sĩ” sao?
Cái sự lạ ở đây nữa là việc “chạy xe ôm để kiếm ăn” của anh thạc sĩ tên Thái kia chính là do anh tự nguyện chứ có phải bị ai ép uổng gì đâu. Anh ta tốt nghiệp thạc sĩ một trường bên Mỹ chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình, nhưng lại nộp đơn xin vào làm tại một công ty chuyên quản lý thực phẩm, để rồi khi không đáp ứng được yêu cầu công việc, anh ta liền “than thân trách phận” là được giao nhiệm vụ không đúng ngành nghề chuyên môn đào tạo. Thật phi lý hết sức, chẳng lẽ với trình độ thạc sĩ của mình, anh ta lại không phân biệt được ngành nghề của công ty mình xin vào làm việc hay sao? Mặt khác, xây dựng là một nghề rất “hot” hiện nay, với tấm bằng thạc sĩ Mỹ chuyên về “kỹ thuật xây dựng công trình” thì nguyên cớ làm sao mà anh ta lại không mạnh dạn nộp đơn xin đầu quân cho các công ty, xí nghiệp xây dựng - vốn rất nhiều ở nước ta hiện nay - mà phải chấp nhận xin vào công ty thực phẩm? Việc anh ta phải xin nghỉ làm để “chạy xe ôm kiếm ăn” có thể được lý giải bằng các lý do rất chính đáng như “không đúng chuyên môn” hay “lương không đủ sống”. Thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, nếu anh thực sự có tài thì chỉ cần qua một thời gian thử thách, anh sẽ được chủ doanh nghiệp trọng dụng, được trả lương ngất ngưởng vài chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Cũng chẳng có doanh nghiệp nào khi đăng tin tuyển dụng lại ghi rõ tiêu chuẩn cần bằng thạc sĩ Mỹ này nọ. Họ sẵn sàng tuyển dụng những cử nhân nếu anh ta đáp ứng yêu cầu công việc mà họ đang cần. Vì vậy, chúng ta có quyền nghi vấn về thực chất tấm bằng thạc sĩ du học Mỹ của anh ta.
Ngày nay, có rất nhiều gia đình khá giả, họ sẵn sàng bỏ ra cả chục tỷ đồng để cho con đi du học tự túc bên trời Tây. Cái thời này, chuyện sang Tây học không có gì là to tát, khó khăn. Cái chính là, sang đó du học, kiến thức mà anh ta tiếp thu có thực chất không, hay cũng chỉ là làng nhàng để tốt nghiệp cho qua chuyện, để có tấm bằng thạc sĩ Mỹ hòng lấy le với bà con họ hàng, láng giềng, người quen? Có cái gì đó bất hợp lý ở chỗ này mà chúng ta cần phải phân tích, suy xét và đặt nghi vấn. Phải chăng tài năng anh ta không xứng với bằng cấp nên anh ta không đủ tự tin để làm việc đúng với chuyên môn đào tạo của mình? Phải chăng anh ta cố tình làm vậy để nhằm một mục đích sâu xa nào đó? Phải chăng có kẻ đứng đằng sau giật dây, bố trí, sắp xếp cho anh ta làm vậy để thực hiện mưu đồ xấu xa khác?
Cái lạ nữa là ở chính “tít” của bài viết. Sao lại vì chuyện một anh thạc sĩ du học ở Mỹ về chưa có việc làm, phải “chạy xe ôm để kiếm ăn” mà suy diễn vô căn cứ, quy kết rằng đó là do “một thế hệ trí thức đang bị đánh cắp”? “Đánh cắp” cái gì ở đây? Ai đánh cắp của ai? Tác giả có dụng ý gì mà lại để một cái “tít” lấp lửng, ai muốn hiểu thế nào cũng được như vậy? Chẳng lẽ bất kỳ ai cứ có tiền rồi tự túc đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về nước là bắt buộc Đảng, Nhà nước phải sử dụng sao? Mà anh ta học về kỹ thuật quản lý xây dựng công trình chứ có phải chuyên ngành xây dựng đảng, quản lý nhà nước đâu mà các cơ quan dân - chính - đảng sử dụng được. Vậy mà, từ chuyện anh ta thất nghiệp phải chạy xe ôm kiếm sống, có nhiều cư dân mạng “tay nhanh hơn não” liền nhảy vào bình luận, nào là do chế độ chạy chức, chạy quyền; nào là thời nay, không cần bằng cấp mà chỉ cần đúng mô-típ “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ rồi mới tới trí tuệ”, hay “bằng cấp thua bằng lòng”... Thậm chí, có người còn đổ lỗi đó là do Đảng, Nhà nước ta cố tình không “trọng dụng nhân tài”, “lãng phí nhân tài” trong khi anh ta có phải là “nhân tài” thật sự không thì chưa ai kiểm chứng được.
Câu chuyện anh thạc sĩ du học Mỹ phải chạy xe ôm kiếm sống không biết thật hay giả, hay chỉ là câu chuyện thêu dệt của tác giả để cố tình đẩy dư luận vào góc nhìn hạn hẹp, tiêu cực. Nếu thực sự tài giỏi, thực sự có năng lực thì ai mà đánh cắp được tài năng của anh ta? Xin đừng ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, đừng tự gắn cho mình cái mác du học sinh, thạc sĩ Mỹ là giỏi, trong khi cái đầu thì trống rỗng. Nếu thực sự bạn có tài, có bản lĩnh thì dù ở môi trường nào cũng không bao giờ gục ngã, không bao giờ bị “đánh cắp” như anh “thạc sĩ du học Mỹ” kia.
Hồng Vân (Bộ CHQS tỉnh)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065