Đến thăm người Tà Mun ở ấp Sóc 5, xã Tân Hiệp sinh sống dọc tuyến đường ĐT756B những ngày này, chúng tôi thấy phần lớn nhà nào cũng có những cây mai, biểu tượng ngày tết ở miền Nam. Những cành mai chi chít nụ chờ ngày bung cánh vàng tươi; nhà nhà hối hả dọn dẹp, lau chùi, chuẩn bị thức ăn đặc trưng để có cái tết trọn vẹn sum vầy bên các thành viên gia đình.
Chị Lâm Thị Ray kiểm tra hũ dưa kiệu do mình tự tay chuẩn bị đón tết Nguyên đán
Vừa tiếp chúng tôi, chị Lâm Thị Ray ở tổ 2, ấp Sóc 5 vừa tranh thủ lau sạch bụi trên sợi dây điện để chuẩn bị đưa cặp loa thùng ra trước hiên nhà, hoan ca trong những ngày xuân. Chị cho biết, để chuẩn bị cho con cháu quây quần đón tết sung túc, chị đã làm hơn 9kg dưa kiệu, củ hành, món ăn đi kèm không thể thiếu với bánh tét trong 3 ngày tết. Anh chị còn đặt trước 1 con heo rừng lai 40kg để mổ làm món thịt nướng, kho tàu, bánh tét, nấu nướng dịp tết. Giá thịt heo năm nay tăng cao nhưng không vì thế mà tết với bà con kém vui. “Tôi đã làm kiệu, hành xong, hôm qua quét mạng nhện, lau cửa kiếng, nay tôi mới gỡ rèm cửa để giặt giũ cho sạch, cuối tuần con gái út đi học xa về dẫn con đi mua quần áo mới, 29 thì gói bánh...” - chị Ray liệt kê “lịch” chuẩn bị tết của gia đình với vẻ mặt phấn khởi.
Với người Tà Mun, việc gói bánh tét, bánh chưng, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa là dành cho phụ nữ, đàn ông chăm sóc mai hay làm các công việc như lấy củi, “tài xế” 3 ngày tết. Chị Ray cho biết thêm: “7-8 năm trước, hằng năm chúng tôi còn tự làm bún tươi, giá đỗ phục vụ ngày tết. 3-4 nhà xúm lại cùng làm rồi chia phần, tiếng nói cười, đùa vui rộn rã một góc ấp. Bận rộn nhưng chẳng nghe ai than mệt”. Tết cổ truyền tháng 8 âm lịch hằng năm của người Tà Mun, họ vui say điệu múa lâm thôn quanh ánh lửa bập bùng, còn với tết Nguyên đán, họ cùng nhau hát ca nhưng quanh chiếc loa thùng. Ngày trước họ còn dùng loa, trống tự chế để “cháy” hết mình với 3 ngày xuân. Với họ, 3 ngày tết không thể thiếu sự đoàn viên, vui vầy, lời ca tiếng hát.
Anh Trần Văn Đời, chồng chị Ray đã lặt lá mai từ 12 âm lịch để đón tết nhưng do thời tiết ấm nên mai bung nụ sớm. Anh có hơn 30 loại mai được tuyển tận vựa kiểng ở Tiền Giang, như: Bạch mai, mai Đại Lộc, mai Thủ Đức, mai trân châu. Đặc biệt, anh có mai Phước Tân từ 24-36 cánh/bông. Với anh, chơi mai vừa để thỏa sở thích vừa kinh doanh dịp tết.
Với gia đình ông Lâm Tăng (64 tuổi) ở tổ 9, tết Nguyên đán không thể thiếu mâm ngũ quả, khổ qua, thịt kho tàu, bánh tét và dưa kiệu. Chỉ vào cây mai đã bung nụ do tưới nước nhiều, ông khoe: “Cây mai này cũng được 7-8 năm tuổi, người ta trả 5 triệu nhưng tôi không bán. 5 triệu ăn, xài cũng hết nhưng giữ lại thì cây còn đó. Với chúng tôi, tết Nguyên đán hay tết dân tộc đều quan trọng như nhau. Trước là cúng ông bà, tổ tiên, sau là để gia đình quây quần bên nhau. Người dân giờ cũng tiến bộ, ngày 28 treo Quốc kỳ, nhà nhà dọn dẹp để đón tết tươm tất, bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả sắp sẵn để 30 cúng tổ tiên”. Vợ chồng ông còn đi khoảng 20km ra chợ thị trấn Tân Khai để mua 3 chậu lan về chưng trước nhà chơi tết.
Ông Trịnh Minh Tuất, Trưởng ấp Sóc 5, xã Tân Hiệp cho biết: “Ấp Sóc 5 có 258 hộ người Tà Mun. Đời sống người dân ngày càng phát triển ổn định nhờ có lực lượng thanh niên đi làm việc ở các công ty, xí nghiệp. Tết Nguyên đán hằng năm, đồng bào Tà Mun cũng hưởng ứng như người Kinh, xông đất xóm làng, treo cờ Tổ quốc, chúc tết, vui chơi. Đồng bào còn có thói quen đụng heo lai để ăn 3 ngày tết”. |
Ngày trước người Tà Mun ở riêng từng khóm, hiện nay đã sống chung nên học hỏi tập quán của người Kinh, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc. Trước đây, thanh niên trong sóc thường đi làm thuê, vào rừng lấy mật ong, măng rừng. Cuộc sống bây giờ sung túc hơn, hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây nhà tình thương. 3 năm nay, lớp trẻ đi làm công nhân, thu nhập ổn định, có tiền thưởng nên ai cũng muốn lo cái tết sung túc, đủ đầy, tươm tất hơn.
Ông Lâm Tăng cho biết: Cũng như người Kinh, với người Tà Mun, đống củi trước nhà là một phần của việc chuẩn bị đón năm mới. Đêm 30 tết, đúng thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, hàng trăm đống lửa được đốt sáng rực trước nhà, kéo dài trên trục đường ĐT756B. Người lớn cúng giao thừa, thanh niên và trẻ em xúm quanh những đống lửa sáng rực...
Vào tiết thanh minh không khí se lạnh, cũng như người Kinh, người Tà Mun nhà nhà đi tảo mộ, tục lệ này ngày trước không có. Và ngày 25-8 âm lịch, dịp tết cổ truyền của người Tà Mun, họ lại đi tảo mộ. Với người Tà Mun, dẫu tết diễn ra vào thời gian nào thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn là truyền thống tốt đẹp bao đời nay của dân tộc.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065