Người dân xã Đồng Nai đã chú trọng đổi mới mô hình canh tác để nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Anh Nguyễn Tiến Đại ở thôn 3 đang chăm sóc vườn sầu riêng xen canh cây cà phê
Không ra ấp chiến lược, vào rừng nuôi giữ bộ đội
Một trong những người gắn bó cả tuổi thanh xuân với cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Châu Mạ, Mơnông, S’tiêng... của xã Đồng Nai anh hùng, ông Điểu Giang, nguyên Bí thư Đảng ủy xã từ năm1984-1989, cho biết: Sau chiến tranh cục bộ (1965-1967), Mỹ - ngụy tổ chức nhiều đợt vây quét, tàn phá dân làng, gom dân vào ấp chiến lược nhằm thực hiện âm mưu xâm lược của chúng. Chúng dùng các chiêu bài, các chính sách tàn bạo, dã man để bắt dân; muốn bỏ đói cán bộ và đánh sập tổ chức cách mạng Việt Nam nhưng đồng bào xã Đồng Nai quyết tâm không để âm mưu của địch thành công. Đặc biệt, đồng bào các thôn 1, 2, xã Đồng Nai luôn quyết tâm giữ làng, bảo vệ bộ đội, nuôi giấu cán bộ và cùng nhau cắm chông, đào hầm...
Chiến tranh khó khăn là vậy mà đồng bào chúng tôi quyết một lòng theo Đảng, theo Nhà nước. Giờ đây đã hòa bình, đồng bào vẫn đi theo Đảng, cùng Đảng và Nhà nước xây dựng quê hương. Đồng Nai xứng danh là xã anh hùng trong chiến tranh, anh dũng trong thời bình. |
Ông Điểu Xuân Lập, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai từ năm 2004-2010 |
Trong căn nhà 2 tầng khang trang tại thôn 2, ông Điểu Xuân Lập tự hào là người con của vùng đất anh hùng Đồng Nai. Những năm 1968-1975, khi còn là đứa trẻ, ông Lập chứng kiến những tháng ngày anh hùng của cha ông mình. Tiếng trực thăng Mỹ gầm rú trên bầu trời để khảo sát địa hình mà cứ tưởng “động đất” nên ông cùng đồng bào “gõ máng heo” để cầu nó qua đi. Cả làng cùng nhau gõ nhưng mãi không hết động đất, đến khi nghe bộ đội thông báo lính Mỹ đang bay khảo sát địa hình, ông lại cùng đồng bào cất giấu lương thực, quyết không đun củi, lửa để tránh bị phát hiện. Cũng như ông các thôn 1, 2, xã Đồng Nai có rất nhiều người kiên trung, một lòng đi theo cách mạng.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân xã Đồng Nai đã chiến đấu, phối hợp chiến đấu 46 trận lớn nhỏ, diệt 500 tên địch, trong đó 76 tên Mỹ, bắn rơi và phá hủy 7 máy bay, đánh sập 4 nhà lính, 1 bót gác, phá hủy 1 xe ủi đất và 1 pháo 105 li. Động viên hàng trăm người đồng bào dân tộc thiểu số thoát ly hoạt động cách mạng, huy động hàng trăm ngàn lượt người đi dân công hỏa tuyến tải vũ khí, đạn dược phục vụ chiến đấu... (*)
Đường tới ấm no của xã anh hùng đầu tiên
“Ngày trước, đồng bào ở xã Đồng Nai chỉ quen phát, đốt, chọc, tỉa... trong sản xuất nông nghiệp nhưng giờ hết rồi! Bà con ở đây giờ thay đổi nhiều, đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng để nâng cao năng suất. Trong phương hướng phát triển, chúng tôi vẫn ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng xen - thâm canh, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên…” - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đồng Nai Thị Diệu Hiền mở đầu câu chuyện. Và để có kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của chính quyền thì mỗi người dân xã Đồng Nai đã phát huy truyền thống anh hùng tự lực vươn lên. Từ chiến trường ác liệt của miền Đông Nam bộ xưa, xã Đồng Nai bây giờ là vùng canh tác cây công nghiệp với tổng diện tích 3.830,9 ha, trong đó chủ yếu là cây điều 3.043 ha, cao su 663,5 ha và cà phê 101,9 ha...
“Từ một xã khó khăn sau giải phóng, đến nay Đồng Nai đã có những bước chuyển mình lạc quan với điện lưới đã bao phủ hết 6/6 thôn, tỷ lệ hộ sử dụng điện 98%, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,82%... Đến nay, xã đã đạt 9/19 tiêu chí, đó cũng là cơ sở để chúng tôi phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2023”. |
Phó chủ tịch UBND xã Đồng Nai Nguyễn Thị Lan |
Từ cách tư duy kiểu “biết gì làm nấy”, giờ đây người dân đã biết thâm canh, xen canh để tận dụng nguồn thu trên cùng mảnh đất, ứng dụng các mô hình nông nghiệp hiệu quả để cuộc sống trở nên ấm no, hạnh phúc. Năm 2018, Hội Nông dân xã Đồng Nai triển khai thí điểm 10 mô hình “tái canh vườn điều già cỗi” và đã mang lại hiệu quả tích cực.
Trên diện tích 6 ha điều 30 năm tuổi già cỗi, mỗi năm, ông Điểu Tơl ở thôn 5 chỉ thu được 9 tạ/ha. Năm 2018, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vay vốn 35 triệu đồng của Hội Nông dân xã, ông Điểu Tơl cưa bỏ 1 ha điều già cỗi và trồng điều ghép giống PN1, đồng thời cải tạo tổng diện tích vườn điều già. Nhìn vườn cây điều ghép sinh trưởng, phát triển tốt và đã cho thu vụ đầu tiên, ông Tơl vui mừng chia sẻ: “Trồng mới hơn 2 năm, vườn điều đã đơm hoa, ra trái, tôi vui lắm. Tuy nhiên, cán bộ nông nghiệp khuyên mùa đầu tiên ngắt bỏ bông để dưỡng cây nhằm kéo dài tuổi thọ của cây điều. Như thế này, chắc chắn thời gian tới gia đình tôi sẽ khấm khá lên từ vườn điều tái canh”. Cùng với đó, ông Tơl còn trồng xen canh cây tiêu dưới vườn điều và tiếp tục chăn nuôi đàn bò mang về thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Gia đình anh Nguyễn Tiến Đại ở thôn 3 tiêu biểu cho mô hình sản xuất cây công nghiệp xen canh cây ăn trái. Với tổng diện tích 8 ha, gia đình anh Đại đã đầu tư trồng toàn bộ cây sầu riêng xen canh cà phê. Hiện nay, cây sầu riêng ra bói thì vườn cà phê đã cho thu hoạch được 3 vụ. Mỗi năm, gia đình anh Đại thu gần 600 triệu đồng tiền cà phê nhân. Sầu riêng đã cho thu bói năng suất trung bình 1,2 tạ/cây, thương lái bao tiêu sản phẩm tại vườn với giá trên 40 ngàn đồng/kg.
Được thiên nhiên ưu đãi, trảng cỏ Bù Lạch sẽ là điểm nhấn trong du lịch của xã Đồng Nai trong thời gian tới. Để bảo tồn và giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, UBND tỉnh đã đầu tư nhiều vào trảng cỏ, trong đó tuyến đường tránh vòng quanh trảng cỏ vừa tạo điểm nhấn cho du lịch Đồng Nai vừa là tuyến đường để người dân chuyên vận chuyển nông sản mà không đi lên trảng cỏ, tránh làm tổn hại đến vẻ đẹp tự nhiên.
Xã Đồng Nai ngày nay đang chuyển mình, những tuyến đường nhựa thẳng tắp từ ngã ba Vườn Chuối nối thẳng vào trung tâm xã. Người dân Đồng Nai luôn trân trọng và kế thừa truyền thống anh hùng của thế hệ đi trước. Chính vì vậy ngày nay, cán bộ lãnh đạo cũng như thế hệ trẻ đồng bào S’tiêng, Mơnông, Châu Mạ… luôn biết phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp sức, đồng lòng để xã Đồng Nai vươn mình hơn nữa.
Thanh Nga - Cẩm Liên
(*): Theo sách “Bình Phước - Những tập thể và cá nhân anh hùng” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước xuất bản năm 2003.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065